ĐBQH TÔ THỊ BÍCH CHÂU CHẤT VẤN BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ GIẢI PHÁP HẠN CHẾ TÁC HẠI MÔI TRƯỜNG CỦA ĐIỆN THAN

29/04/2020

Gửi văn bản chất vấn Bộ Công thương, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu- Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Công thương giải trình rõ vì sao đến nay Bộ vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để hạn chế tác hại môi trường từ điện than.

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu- Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu- Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Công thương giải trình lý do vì sao đến nay điện than đã gây tác hại môi trường, sức khỏe mà Bộ vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để hạn chế (Quy hoạch 43% tổng nguồn)?

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu- Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh về  vấn đề này, Bộ Công thương cho biết, theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), tổng công suất đặt của hệ thống khoảng 129.500 MW. Trong đó, thủy điện chiếm gần 16,9%, nhiệt điện thang khoảng 42,6%, nhiệt điện khí khoảng 14,7% tỷ lệ của thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo khoảng 21% nhập khẩu điện khoảng 1,2%. Với nhu cầu điện thương phẩm năm 2030 là trên 500 tỷ kWh (gấp gần 3 lần năm 2018), có thể thấy rằng việc đảm bảo đủ điện là sức ép lớn trong đầu tư nguồn (và lưới) điện.

Bộ Công thương cũng nểu rõ, Việt Nam có thuận lợi về thủy điện, với giá thành thấp nhất. Tuy nhiên, hiện nay các dự án thủy điện lớn và vừa trên các dòng sông đã được quy hoạch, về cơ bản đã được đầu tư và khai thác hết.

Trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện khí hiện nay sử dụng nguồn khí trong nước. Trữ lượng các mỏ khí này đang bắt đầu suy giảm, từ năm 2019-2020 phải tìm kiếm nguồn khí bổ sung.

Đối với năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết, chủ yếu điện gió và điện  mặt  trời tập  trung ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… và không đảm bảo ổn định cấp điện, do phụ thuộc  vào điều kiện thời tiết.

Còn điện hạt nhân hiện nay đã dừng đầu tư.

Như vậy, Bộ Công thương cho rằng, việc phát triển các nguồn điện than trong thời gian tới là cần thiết nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ điện cho phát triển, giá điện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập người dân.

Bộ Công thương cũng cho biết, các dự án nhiệt điện than đều lắp đặt các hệ thống xử lý khói và nước thải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu  theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về an toàn môi trường khí và nước thải.

Trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án nhiệt điện than theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công thương đã nêu yêu cầu các chủ đầu tư tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, quy định về đảm bảo môi trường, đồng thời lựa chọn công nghệ, thiết bị hiện đại. Kiên quyết không chấp thuận việc pháp triển các dự án với công nghệ cũ, lạc hậu và không đảm bảo an toàn môi trường./.

Thu Phương

Các bài viết khác