ĐBQH PHÙNG VĂN HÙNG: ĐỊA PHƯƠNG CÓ VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG THỰC HIỆN LUẬT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

30/04/2020

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 góp phần hỗ trợ 98% doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số chính sách hỗ trợ quy định tại Luật vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa tạo được sự chuyển biến lớn trong cộng đồng doanh nghiệp.

 

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, cho biết đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền thành phố Hà Nội về nguồn vốn, các thủ tục hành chính và đào tạo nguồn nhân lực trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó tạo đà phát phát triển nhanh chóng thương hiệu thịt lợn sạch, có truy suất nguồn gốc và mở rộng thị trường.

Ông Mạc Quốc Anh: Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới về phí công bố thông tin doanh nghiệp lần đầu

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 15 về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 09 tổ chức triển khai Chỉ thị số 15 của Chính phủ. Theo đó, nhiều DNNVV đã được hỗ trợ theo các điều khoản của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới về phí công bố thông tin doanh nghiệp lần đầu, phí làm dấu, tư vấn miễn phí 1 năm thủ tục quyết toán thuế cho doanh nghiệp. 

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cuối năm 2019 có 50/63 tỉnh thành phố đã ban hành các Đề án, Chương trình, Nghị quyết để cấp kinh phí và dành nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một số địa phương chủ động, sáng tạo ban hành các chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, ví dụ tỉnh Long An hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp các thủ tục hành chính thuế khi mới thành lập và doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh,.

Về hỗ trợ mặt bằng sản xuất, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ 50% giá thuê mặt bằng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ gần 45 tỷ đồng tiền thuê đất, hỗ trợ phát triển làng nghề cho 9 doanh nghiệp và 3 làng nghề trên địa bàn tỉnh vào năm 2018; tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ 30% giá thuê lại đất trả tiền hằng năm (tối đa không quá 100 triệu đồng/doanh nghiệp) đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Trong hỗ trợ tín dụng, tính đến cuối tháng 10/2018, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,8% so với cuối năm 2017. Tính đến ngày 10/6/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,04%.

Nhờ những chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kịp thời nên số doanh nghiệp thành lập mới cũng có nhiều điểm sáng. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2019, cả nước có 138.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký là hơn 1,2 triệu lao động, tăng 5,2% về số doanh nghiệp, và tăng hơn 13% về số lao động. Đây là mức cao nhất trong những năm trở lại đây. Cũng trong năm 2019, có 39 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng gần 16% so với năm 2018.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa  còn nhiều điểm nghẽn

Sau hơn 2 năm triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa doanh nghiệp tiếp cận những chính sách ưu đãi còn hạn chế. Nguyên nhân là do quy định pháp lý chưa hoàn thiện và thống nhất. Điển hình như chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng thuế xuất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế thông thường áp dụng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên quy định này chưa thể thực hiện vì không đồng bộ với quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay. Vì vậy, muốn có ưu đãi thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chờ sửa đổi Luật Thuế, hay như chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì cũng phải chờ điều chỉnh của Luật Đất đai…

Trong  Luật quy định Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên khi triển khai Nghị định số 34/2018 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhưng một số địa phương chưa thực hiện kiện toàn được bộ máy. Tính đến cuối năm 2019, cả nước mới có 27 địa phương thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng nhưng chỉ có một số quỹ hoạt động hiệu quả (Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ...). Bên cạnh đó, cơ chế bảo lãnh tín dụng vẫn còn rườm rà, phức tạp nên các ngân hàng cũng không mặn mà phối hợp với Quỹ bảo lãnh.

Ông Tô Hoài Nam: Khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa  còn rất hạn chế

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, song ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất hạn chế, nhất là hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, việc bố trí quỹ đất tập trung, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, đổi mới công nghệ.  

“Hiện nay số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng kết quả về hỗ trợ không được nhiều nguyên nhân chủ yếu do hỗ trợ nên nguồn lực bị động, nguồn lực thiếu, tản mát nhưng lại không có sự phối hợp giữa các ngành nên sự chuyển biến, tác động vào cộng đồng doanh nghiệp không được nhiều, không được như kỳ vọng”, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

Trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần lớn trong tổng số doanh nghiệp của cả nước nhưng khối doanh nghiệp này có quy mô nhỏ, thiếu vốn dẫn đến hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, chưa bài bản, thiếu tầm nhìn chiến lược, chưa tham gia được vào chuỗi liên kết giá trị hàng hóa. Minh chứng là kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhưng 70% kim ngạch đó ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm chưa tới 30% kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động và rút lui khỏi thị trường vẫn còn rất lớn. Năm 2019, có tới 28,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 5,9% so với năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 43,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 41,7% so năm 2018. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2019 là 16,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,2% so với năm trước.

Chính quyền địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có mặt ở tất cả các lĩnh vực, từ nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp xây dựng đến thương mại, dịch vụ, du lịch... chiếm đến 98,1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo công ăn việc làm cho hơn 5 triệu lao động. Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành với mục tiêu tạo cơ chế chính sách giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng sau hơn 2 năm thực thi, các chính sách này chưa thực sự tạo được những tác động tích cực toàn diện đến cộng đồng doanh nghiệp. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng về vấn đề này.

Đại biểu Phúng Văn Hùng: Vai trò của địa phương rất quan trong trong triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Phóng viên: Thưa  đại biểu, sau hơn 2 năm triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tác động của Luật tới khối doanh nghiệp này như thế nào?

Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Ngay sau khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực, các thông tư, nghị định hướng dẫn Luật đã được bộ, ngành hướng dẫn, thực hiện. Luật đã cởi được nhiều “nút thắt” cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua. Đơn cử như các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm rõ rệt về mặt thời gian. Đây là tiến bộ rõ nét nhất. Và tôi cũng tin tưởng thời gian tới nhà nước còn tiếp tục nghiên cứu cắt giảm nhiều hơn nữa các thủ tục để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Chúng ta cũng thấy, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã và đang đẩy mạnh chính phủ điện tử, áp dụng công nghệ thông tin trong xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp nên đã tiết kiệm được thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Triển khai Luật, tại nhiều địa phương cũng đã giải quyết hỗ trợ nhiều doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất, tiếp cận tín dụng, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin, và hỗ trợ nguồn nhân lực, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo…qua đó nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo đà phát triển.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng Luật vẫn còn chưa tạo được nhiều tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành với mục tiêu tạo cơ chế chính sách giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên sau hơn 2 năm thực thi, các chính sách này chưa tạo được nhiều tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, Luật có quy định ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng các mức thuế ưu đãi lại được quy định cụ thể trong các luật thuế khác nhau, do vậy vẫn chưa thể áp dụng trong thực tiễn doanh nghiệp do chưa có sự thống nhất. Như vậy, các doanh nghiệp chưa triển khai được các hạng mục được ưu tiên, hỗ trợ do quy định pháp lý chưa đầy đủ.

Trong quá trình triển khai Luật, các đại phương vẫn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp so với nhu cầu lớn của doanh nghiệp, do đó chưa bố trí kinh phí để hỗ trợ được các doanh nghiệp. Bên cạnh đó vẫn còn có địa phương triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa rất chậm, nhất là hỗ trợ miễn, giảm thuế, hỗ trợ giảm lãi suất vay, mặt bằng sản xuất, tư vấn thông tin hoặc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Trên thực tế số doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, tín dụng, quỹ hỗ trợ tín dụng cũng còn thấp và còn nhiều rào cản khó khăn. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy dù các điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp đã được cắt giảm, song nội hàm các bước về thủ tục, hồ sơ quy trình thủ tục hành chính vẫn “giữ nguyên”.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô nhỏ, gặp nhiều bất lợi so với các doanh nghiệp lớn, song bản thân có những doanh nghiệp vẫn chưa chủ động tìm hiểu tiếp cận các văn bản Luật, tìm kiếm những thông tin, những điều khoản rất hữu ích cho doanh nghiệp mà trong Luật quy định; Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng chưa được doanh nghiệp biết đến và khai thác những lợi ích từ các chính sách mang lại.

Phóng viên: Để Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp phát triển, đại biểu có đề xuất kiến nghị gì?

Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Theo tôi Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện, thống nhất nội dung giữa các luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như giữa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ khi có sự thống nhất thì địa phương mới có cơ sở triển khai hoạt động hỗ trợ hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuận lợi về mặt tài chính để phát triển doanh nghiệp. Đồng thời sớm ban hành chế độ kế toán, báo cáo thuế đơn giản cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Để phát huy được hiệu quả các giải pháp mà Luật đã quy định thì vai trò của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Ở đâu chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt thì ở đó doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi tích cực mà trong Luật quy định. Ví dụ vấn đề tạo điều kiện mặt bằng cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì rõ ràng địa phương là người chủ động triển khai các giải pháp này hoặc Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập và quyết định. Đây là qũy tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nếu như chính quyền địa phương vào cuộc thành lập quỹ này và doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng có nhu cầu cấp bảo lãnh tín dụng thì đơn vị này sẽ hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp trên cơ sở phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.

Vấn đề đổi mới công nghệ, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hoặc hỗ trợ về dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp cũng như vậy. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng chính sách là do Quốc hội ban hành, nhưng chính sách có vào được cuộc sống hay không còn phải được triển khai ở địa phương, do vậy sự vào cuộc của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng bởi lẽ việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu thuộc về các địa phương.

Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải chủ động, chủ động tìm hiểu các chính sách pháp luật, tìm hiểu thị trường, nghiên cứu các mặt hàng có khả năng sản xuất và kinh doanh cao để có phương án tối ưu cạnh tranh với các nước trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Cũng theo Đại biểu Phùng Văn Hùng, để Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa rở thành lực đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn lên trở thành động lực phát triển kinh tế, cơ quan nhà nước phải thực chất chung tay cùng doanh nghiệp, vì doanh nghiệp để Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ mang lại niềm tin ý chí cho doanh nghiệp mà phải đi vào cuộc sống, tạo thành sức mạnh cho doanh nghiệp, sức mạnh của nền kinh tế./.

Lê Phương

Các bài viết khác