ĐBQH NI SƯ THÍCH NỮ TÍN LIÊN CHẤT VẤN VỀ VIỆC ĐƯA MÁY MÓC KỸ THUẬT VÀ NGHIÊN CỨU CÂY TRỒNG THÍCH HỢP VỚI MÔI TRƯỜNG ĐẤT BỊ XÂM NHẬP MẶN TRONG NÔNG NGHIỆP

11/05/2020

Đại biểu Quốc hội Ni sư Thích Nữ Tín Liên- Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về việc đưa máy móc kỹ thuật tiên tiến và nghiên cứu các loại cây trồng thích hợp với môi trường đất bị xâm nhập mặn trong nông nghiệp.

Đại biểu Quốc hội chất vấn một số nội dung

Theo đại biểu Ni sư Thích Nữ Tín Liên, khoa học kỹ thuật thế giới đang mỗi ngày mỗi phát triển, nước ta đang cố gắng tận dụng để hòa nhập vào dòng sinh hoạt đó. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ có phương hướng kế hoạch gì để tích hợp ruộng đất để đưa máy móc kỹ thuật tiên tiến vào trong các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ? Ngoài ra, đại biểu cũng nhận xét, vùng đất miền Tây Nam bộ tiếp xúc biển, do nước biển có khuynh hướng dâng và lượng nước ngọt giảm, nên trong tương lai đất canh tác ngày càng bị xâm nhập mặn. Đề nghị Bộ trưởng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch, phương hướng nghiên cứu về các loại giống lúa và ngũ cốc, cây trồng nào sẽ thích hợp với môi trường đất bị xâm nhập mặn trong tương lai? 

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến vấn đề tích hợp ruộng đất để đưa máy móc kỹ thuật tiên tiến vào trong các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thực tế hiện nay, chúng ta có hàng triệu mảnh đất sản xuất nông nghiệp với diện tích nhỏ lẻ, manh mún. Đây là tồn tại chính để khó đưa máy móc kỹ thuật vào sản xuất. Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan liên quan đã và đang tập trung đề xuất, sửa đổi Luật đất đai. Về phía Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 392/TB-VPCP ngày 09/11/2019 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp để đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai nhằm hình thành cơ chế khuyến khích tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng tạo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và tạo thị trường cho việc áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp. 

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận định, sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới, nhất là các máy móc, thiết bị thông minh sử dụng trong sản xuất nông nghiệp là cơ hội cho phát triển nông nghiệp nước ta, đồng thời cũng là thách thức khi sản xuất nông nghiệp còn phân tán, quy mô nhỏ.

Để khuyến khích, hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị và kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Bộ đã đề xuất, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách, như: Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; theo đó hỗ trợ tổ chức, cá nhân vay vốn và lãi suất vốn vay khi mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp; Nghị định số 40/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 về quản lý sản xuất, kinh doanh muối; theo đó tổ chức hộ gia đình, cá nhân đầu tư kho chứa muối, máy thiết bị sản xuất, dây chuyền máy, thiết bị chế biến muối được hỗ trợ vay vốn và lãi suất vốn vay; Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, theo đó các dự án chế biến nông, lâm thủy sản; chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp; sản xuất chế biến muối; sản phẩm từ phế, phụ phẩm nông nghiệp được hỗ trợ mức tối đa 50%;  Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó dự án liên kết được ngân sách hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các chính sách trên hiện đang được các địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan áp dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. 

Để nâng cao hiệu quả, tính cạnh tranh sản xuất nông nghiệp trong khi ruộng đất còn phân tán, nhỏ lẻ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 3147/QĐ-BNN-KH ngày 14/8/2019 thực hiện Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Theo đó, tổ chức thực hiện hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đổi mới cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường. 

Với những cơ chế, chính sách nêu trên và chính sách về đất đai được sửa đổi trong năm 2020, sẽ là những cơ hội để tiếp tục phát triển ứng dụng mày mos vào nông nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. 

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến việc nghiên cứu về các loại giống lúa và ngũ cốc, cây trồng nào sẽ thích hợp với môi trường đất bị xâm nhập mặn trong tương lai, Bộ trưởng cho biết, Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, cây ăn trái và có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và sản xuất lúa gạo, trái cây xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. 

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra do tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa, cây ăn trái tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; ngày 07/3/2018, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành quyết định số 816/QĐ-BNN-KH về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, trong đó có nội dung: “Xây dựng và triển khai Chương trình nghiên cứu, lựa chọn, tạo giống cây trồng; tập trung chủ yếu là giống cây ăn trái và giống lúa”.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, thực hiện chương trình, đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ về giống cây lúa, cây ăn trái thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đã chọn, tạo được một số giống lúa chịu mặn, hạn; giống làm gốc ghép chịu mặn cho các cây ăn trái chủ lực như: Nhóm giống lúa chịu mặn từ 2-3%o: OM6976, OM5451, OM9921, OM5621, OM6677, ST5..; nhóm giống lúa chịu mặn 4%o: Một bụi đỏ, OM2517, OM9577, OM5464... Nhóm giống lúa chịu hạn, chịu phèn mặn: OM7347, OM5464, OM6162, OM7398, OM7364, OM8928 và OM6677. Với cây ăn quả đã xác định được các giống làm gốc ghép có khả năng chịu mặn đối với cây xoài là 10-13%o, cây mãng cầu xiêm, nhóm cây có múi (bưởi, cam, chanh ...) là 6-8%. 

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu, chọn tạo và phát triển những giống cây trồng chịu mặn, hạn, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu trên cả nước nói chung và đặc biệt ưu tiên cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng./. 

Hồ Hương

Các bài viết khác