ĐBQH PHAN THỊ BÌNH THUẬN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG NGUYỄN XUÂN CƯỜNG VỀ GIẢI PHÁP ĐỂ TRÁNH LẠM DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT HÓA HỌC VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NÔNG SẢN VIỆT NAM

11/05/2020

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Bình Thuận - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp để tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và nâng cao chất lượng cho nông sản Việt Nam.

 

 Đại biểu Phan Thị Bình Thuận chất vấn một số nội dung

Đưa ra vấn đề cần chất vấn, đại biểu Phan Thị Bình Thuận đánh giá, hiện nay, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất nông nghiệp vẫn đang ở mức đáng báo động và khó kiểm soát. Điều này dẫn đến việc dự tồn lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nước, đất, không khí và nông sản vượt mức cho phép theo quy định, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân và đe dọa đến nền nông nghiệp bền vững cũng như đến việc xuất khẩu nông sản của nước ta. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp hữu hiệu nào để giải quyết thực trạng nêu trên. 

Ngoài vấn đề trên, đại biểu cho rằng, sản phẩm nông sản của nước ta rất nhiều và đa dạng. Tuy nhiên, còn rất ít loại nông sản có chất lượng cao, ổn định và mẫu mã đẹp. Do đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp để nâng cao chất lượng và cải thiện mẫu mã cho nông sản Việt Nam nhằm phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng và cho xuất khẩu. 

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm về nội dung thuốc bảo vệ thực vật, Bộ trưởng chỉ rõ, thuốc bảo vệ thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn, khống chế sự phát sinh, phát triển của các sinh vật gây hại, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, thuốc bảo vệ thực vật là ngành hàng kinh doanh có điều kiện, chỉ được phép nhập khẩu, sản xuất, buôn bán và sử dụng sau khi đã được đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Việc quản lý chặt chẽ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết và luôn được Bộ quan tâm kiểm tra, giám sát trong thời gian qua. Hiện nay, vẫn còn tình trạng một số hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng quy định như phản ánh của Đại biểu.

Để đảm bảo việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng nguyên tắc, an toàn với con người, môi trường và nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực đẩy mạnh các giải pháp sau: Rà soát, kiện toàn lại hệ thống các văn bản về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, nhằm siết chặt hơn nữa việc đăng ký, sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; ưu tiên cho đăng ký các loại thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, ít độc, có hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến con người, vật nuôi và môi trường để đưa vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. 

Theo Bộ trưởng, trong 3 năm, từ năm 2017-2019, nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe của người dân, đồng thời để quản lý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung và thuốc trừ cỏ nói riêng một cách hiệu quả, Bộ đã rà soát và loại ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam 14 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường; trong đó có 03 hoạt chất là thuốc trừ cỏ. Năm 2018, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, ý thức trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là việc sử dụng thuốc trừ cỏ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc trừ cỏ, đặc biệt là sử dụng thuốc trừ cỏ với mục đích phi nông nghiệp. 

Hơn nữa, hàng năm Bộ giao Cục Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn sử dụng thuốc cho người mua theo đúng nội dung của nhãn thuốc được quy định tại Điều 76 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chỉ đạo Hệ thống thanh tra chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương thực hiện một số giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường thanh kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc buôn bán, sử dụng thuốc trừ cỏ cũng như các thuốc bảo vệ thực vật khác. 

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục rà soát loại bỏ các thuốc bảo vệ thực vật hóa học có bằng chứng khoa học ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường nhằm hoàn thiện Danh mục bảo vệ thực vật với các thuốc thế hệ mới, thuốc có nguồn gốc sinh học. Đổi mới cơ cấu các nhóm thuốc trong danh mục, tăng tỷ lệ thuốc sinh học lên 30% trong năm 2020. Siết chặt tất cả các khâu về đăng ký thuốc bảo vệ thực vật: từ cấp giấy phép khảo nghiệm, thực hiện khảo nghiệm, đánh giá để đưa vào Danh mục. 

Về vấn đề nâng cao chất lượng và cải thiện mẫu mã cho nông sản Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, các sản phẩm nông sản Việt Nam rất phong phú, một số nhóm sản phẩm được chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh (như cá tra, tôm, điều, sữa...). Tuy nhiên, đa số các sản phẩm nông sản cung cấp ra thị trường dưới dạng thô, bao bì, mẫu mã chưa đẹp, chất lượng không ổn định, giá bán thấp, hiệu quả chưa cao như ý kiến của đại biểu đã nêu. 

Do đó, Bộ trưởng cho biết, để nâng cao chất lượng, mẫu mã nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện đời sống nhân dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp như sau: Triển khai tích cực Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 về kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020.  Rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng kế hoạch sản xuất theo 3 nhóm sản phẩm: Sản phẩm chủ lực quốc gia; Sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; Sản phẩm là đặc sản của địa phương (theo mô hình mỗi xã một sản phẩm). 

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất (VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn sản phẩm) để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của các thị trường. Chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Nghị định số 98/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm đấy mạnh tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân. Tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm; trong đó, tập trung xây dựng liên kết 6 nhà “Nhà nông - Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà băng - Nhà khoa học - Nhà phân phối”. 

Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp với địa phương tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó quan tâm đến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm. Hiện nay, trên phạm vi toàn quốc đã có 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng được 1.096 chuỗi liên kết, 1.426 sản phẩm và 3.174 địa điểm bán sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi. 

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, để nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam, có bao bì, nhãn mác theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao các đơn vị chức năng thường xuyên cập nhật các yêu cầu của thị trường nhập khẩu và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tổ chức triển khai tốt về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm./.

Hồ Hương

Các bài viết khác