ĐBQH PHAN VIẾT LƯỢNG CHẤT VẤN VỀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO LAO ĐỘNG NÔNG NGHIỆP

16/05/2020

Trước thực trạng lao động nông nghiệp ở nước ta còn hạn chế về số lượng và chất lượng, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đã chất vấn gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị làm rõ nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới.

Chất vấn của đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ: Trong những năm qua, lao động nông nghiệp ở nước ta có trình độ tay nghề, kỹ thuật cao còn hạn chế nhưng việc đào tạo còn nhiều thách thức do việc tuyển sinh khó khăn, số lượng và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng, chưa sát yêu cầu sử dụng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục hạn chế nêu trên?

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ nâng cao trình độ, năng lực cho lao động nông thôn, trong đó có Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 sửa đổi Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Qua 10 năm triển khai đã đạt được kết quả nhất định, đã hỗ trợ đào tạo được trên trên 3 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp ở các trình đô, sau học nghề đã có trên 85% lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng cho năng suất và thu nhập cao hơn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn còn một số bất cập như ý kiến của Đại biểu đã nêu. Tình trạng “cung chưa khớp với “cầu” còn phổ biến, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn kỹ năng nghệ, chương trình, giáo trình đào tạo nghề nông nghiệp chưa thật sự phù hợp, đáp ứng yêu cầu sản xuất và nhu cầu của người học hiện nay.

Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề của một số đơn vị đào tạo nghề, nhất là ở cấp huyện và các tổ chức đoàn thể tham gia đào tạo nghề vẫn còn thiếu về số lượng và còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Việc đào tạo gắn với các hợp tác xã, doanh nghiệp, đào tạo cho lao động trong vùng sản xuất hàng hóa, sản xuất công nghệ cao, lao động là xã viên hợp tác xã, trang trại còn đạt thấp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết các tồn tại, hạn chế nêu trên do một số nguyên nhân như: Công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn từ Trung ương đến các địa phương còn nhiều hạn chế, nhất là công tác về xây dựng cơ chế, chính sách công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề và xây dựng kế hoạch, cơ cấu nghề đào tạo.

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ban hành thiếu sự đồng bộ với các chính sách khác như chính sách hỗ trợ về tín dụng, đất đai, khởi nghiệp nông nghiệp, chính sách hỗ trợ thành lập trang trại, doanh nghiệp hợp tác xã, khuyến nông.

Lực lượng giáo viên giảng dạy ở nhiều cơ sở, trung tâm dạy nghề cấp huyện chưa thực sự được bồi dưỡng nâng cao trình độ một cách bài bản, chưa cập nhật các kiến thức sản xuất nông nghiệp cao, nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chưa trú trọng cập nhật các tài liệu, kiến thức, kỹ năng sản xuất nông nghiệp tiên tiến. Doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp có nhu cầu đào tạo lao động nhưng nội dung nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dạy còn bất cập, dẫn đến địa phương, cơ sở dạy nghề không sử dụng các nghệ nhân làng nghề, các nông dân nòng cốt, nông dân giỏi để giảng dạy, truyền lại kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất tốt cho người học. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp. Cụ thể, một là trong năm 2020, tập trung xây dựng bộ dữ liệu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong bối cảnh Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương đang đẩy mạnh Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và triển khai thực hiện các đề án, dự án trọng điểm của ngành giai đoạn 2020-2030.

Hai là, xây dựng Đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xác định nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp, xác định lao động thực hiện các chương trình, dự án nông nghiệp; lựa chọn nội dung, hình thức đào tạo phù hợp với yêu cầu sản phẩm đầu ra; củng cố năng lực cho đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy, bôi dưỡng các kỹ năng nghề và kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số và các tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hướng đến xuất khẩu.

Ba là, lựa chọn các hình thức đào tạo, coi trọng các dạng thực hành tại nơi sản xuất là chính và chia thành 3 loại: Loại đào tạo cơ bản (Thời gian đào tạo ít nhất là 3 tháng, đối tượng là nông dân ở độ tuổi trẻ); Loại bồi dưỡng kiến thức (Thời gian đào tạo dưới 3 tháng, bố trí học theo thời gian nông nhàn để phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghệp); Đạo tạo nâng cao về chuyên môn kỹ thuật, công tác quản trị (Cho các đối tượng khởi nghiệp, lao động trẻ dưới 35 tuổi, lao động đã qua đào tạo cơ bản).

Bốn là điều chỉnh, cơ cấu lại hệ thống dạy nghề nông nghiệp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp rà soát, đánh giá và tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách đào nghề nông nghiệp theo hướng khuyến khích nhiều thành phần, cơ sở đào tạo nghề công lập và tư nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Xây dựng bộ tiêu chí nghề và định mức kinh phí đào tạo làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch và giám sát quá trình thực hiện ở các địa phương và cơ sở dạy nghề được giao nhiệm vụ./.

Bảo Yến