ĐBQH NGUYỄN VĂN HIỂN: CẦN LÀM RÕ KHÁI NIỆM VỀ NƠI CƯ TRÚ TRONG DỰ THẢO LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

18/06/2020

Góp ý vào dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Văn Hiển – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, các khái niệm về nơi cư trú, nơi thường trú, nơi tạm trú và nơi lưu trú trong dự thảo luật vẫn còn nhiều bất cập, mâu thuẫn với các quy định trong Bộ Luật Dân sự.

Theo ĐBQH Nguyễn Văn Hiển, về khái niệm nơi cư trú, theo quy định tại khoản 3 Điều 2 dự thảo nêu: “Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú”. Đồng thời, tại khoản 1 Điều 12 dự thảo cũng nêu là nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. ĐBQH Nguyễn Văn Hiển cho rằng quy định này có 3 bất cập:

Thứ nhất, công dân ngoài quyền cư trú dưới hình thức lưu trú và tạm trú thì còn có các hình thức khác như là lưu trú hoặc không có nơi cư trú ổn định. Mặt khác, quy định này cũng mâu thuẫn với quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 40 Bộ luật Dân sự. Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Dân sự nêu là nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Khoản 2 điều này quy định trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 điều này thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống. Như vậy nếu so sánh quy định của dự thảo với lại quy định của Bộ Luật Dân sự,

ĐBQH Nguyễn Văn Hiển cho rằng các quy định của Bộ luật Dân sự vừa thể hiện rõ và đầy đủ quyền hiến định của công dân theo quy định của Điều 23 Hiến pháp là “công dân có quyền tự do cư trú” và điều này đã thể hiện rất rõ. Tuy nhiên trong dự án luật này lại hẹp hơn và phản ánh không chính xác quyền tự do cư trú của công dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Thứ hai, trên cơ sở khái niệm này từ Điều 13 đến Điều 17 của dự án luật nêu về nơi cư trú của người chưa thành niên, nơi cư trú của người được giám hộ, nơi cư trú của vợ chồng, nơi cư trú của người đang học tập, làm việc, công tác trong lực lượng vũ trang, nơi cư trú của người làm nghề lưu động. Đối chiếu với quy định dự án luật, tại Điều 41 và Điều 45 Bộ luật Dân sự cũng quy định về các nơi cư trú của những đối tượng này. Ở đây có 2 vấn đề, một là lặp lại quy định của Bộ luật Dân sự và hai là quy định khác.

Theo ĐBQH Nguyễn Văn Hiển, những gì đã được quy định trong Bộ luật Dân sự mà lặp lại thì nên bỏ, còn trong trường hợp mà quy định khác quy định của Bộ luật Dân sự thì đề nghị phải giải trình, làm rõ.

Thứ ba là khái niệm trên xác định rõ địa điểm cư trú là đơn vị hành chính cấp xã ấy. Tuy nhiên trên thực tế chúng ta có nhiều những đơn vị hành chính mà không có đơn vị hành chính cấp xã. Ví dụ như các huyện đảo Côn Đảo, Lý Sơn chẳng hạn, không có đơn vị hành chính cấp xã, nên các quy định này không bao quát được các tình huống trên thực tế.

Vấn đề thứ hai là khái niệm về nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi lưu trú, người không có nơi cư trú ổn định. Bốn khái niệm này có cùng tính chất và được quy định tại khoản 8, khoản 9, khoản 11 Điều 2, tuy nhiên mỗi khái niệm lại có cách định nghĩa rất khác nhau. Bốn khái niệm này đều có tính chất là chỉ một khoảng thời gian xác định mà công dân cư trú trên 1 địa điểm xác định, tuy nhiên mỗi khái niệm định nghĩa khác nhau. Ví dụ, đối với khái niệm lưu trú hay là người không có nơi cư trú ổn định thì dùng phương pháp xác định rõ là thời hạn cụ thể để công dân cư trú tại một địa điểm cụ thể. Ở đây dự án luật nêu là “lưu trú là việc công dân ở lại một nơi thuộc xã, phường, thị trấn trong một khoảng thời gian nhất định dưới 30 ngày”. Còn người không có nơi cư trú ổn định là: “người thường xuyên thay đổi nơi cư thường trú hoặc tạm trú và thời gian cư trú mỗi nơi dưới 12 tháng liên tục”. Trong khi đó 2 khái niệm là nơi thường trú và nơi tạm trú lại dùng phương pháp định nghĩa hình thức không rõ ràng và không biết là công dân cư trú ổn định, thường xuyên ở một nơi là bao lâu. Cụ thể ở đây theo định nghĩa thì nơi thường trú hoặc nơi tạm trú là nơi công dân được công an xã, phường, thị trấn công nhận, cập nhật thông tin nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú. ĐBQH Nguyễn Văn Hiển cho rằng cách định nghĩa này không khoa học và không đúng.

Ở hai định nghĩa này cũng mắc phải lỗi như định nghĩa về nơi cư trú, đều xác định địa điểm lưu trú, tạm trú, thường trú là đơn vị hành chính cấp xã. Chỗ này không bao quát được các huyện đảo như Côn Đảo hay Lý Sơn. Từ phân tích trên, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển đề nghị các khái niệm này cần phải viết lại cho chính xác.

Về trường hợp hạn chế quyền tự do cư trú được nêu tại Điều 9, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển cho rằng theo quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự thì ngoài các trường hợp hạn chế này còn có một số trường hợp như đương sự đang bị áp dụng các biện pháp tạm giam, tạm giữ, hay đương sự đang chấp hành án phạt tù hay đang bị áp dụng các biện pháp tư pháp, các biện pháp giám sát và giáo dục như giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc. Theo ĐBQH Nguyễn Văn Hiển, những trường hợp này không thấy luật đề cập. Ở đây cần phải xác định rõ những trường hợp này họ bị hạn chế quyền tự do cư trú hay bị tước quyền. Chỗ này luật phải quy định rõ.

Về vấn đề chủ hộ, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển cho rằng khái niệm quy định về chủ hộ nêu tại khoản 2 Điều 2 và khoản 2 Điều 11 rất khó hiểu và có mâu thuẫn. Cụ thể, khoản 2 Điều 2 câu đầu tiên quy định "chủ hộ là người đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử ra", có nghĩa chủ hộ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Tuy nhiên, ở đoạn 2 lại nêu "trong trường hợp hộ gia đình không có người đủ 18 tuổi trở lên hoặc người đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì chủ hộ là người trong hộ gia đình được các thành viên hộ gia đình thống nhất cử".

Tiếp đó ở khoản 2 Điều 11 cũng quy định "Khi chủ hộ chuyển nơi cư trú khác bị xóa đăng ký thường trú, hủy kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật, bị mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật thì các thành viên còn lại ở nơi cư trú hiện tại của hộ gia đình phải thống nhất đề cử ra chủ hộ mới". ĐBQH Nguyễn Văn Hiển cho rằng quy định này rất lửng lơ. Trên thực tế có trường hợp này cả một hộ gia đình không có người có đủ năng lực hành vi dân sự thì trường hợp xử lý như thế nào. Nếu cho phép người ta cử một người ra làm chủ hộ thì xung đột với quy định nêu trên. Trường hợp không cho phép cử thì vấn đề này xử lý như thế nào? dự án luật chưa quy định rõ./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác