ĐBQH TÔ ÁI VANG: TĂNG CHẾ TÀI XỬ LÝ ĐỦ MẠNH ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG KHAI THÁC CÁT TRÁI PHÉP

18/06/2020

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tham gia một số ý kiến liên quan đến quy định về vật liệu xây dựng, phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phải bảo đảm an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, thân thiện với môi trường.

Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Tại phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Tô Ái Vang phát biểu và đưa ra một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện dự án Luật này. Cụ thể, bàn về khoản 1 Điều 110, quy định về vật liệu xây dựng, phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phải bảo đảm an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, thân thiện với môi trường, đại biểu tham gia ý kiến như sau:

Thứ nhất, về vật liệu xây dựng, trong đó có cát giữ ba vai trò rất quan trọng. Một là ổn định và bồi đắp bờ sông, bờ biển. Hai là đóng vai trò sinh thái. Ba là nguồn vật liệu xây dựng san lấp, vì thế cát như là bộ khung định hình cho diện mạo các vùng đồng bằng của cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Tuy nhiên, theo đại biểu, trên thực tế cát đang bị lạm dụng vai trò thứ ba.

Đại biểu Tô Ái Vang chỉ rõ, hiện nay ở sông Tiền và sông Hậu đã bị khai thác hàng trăm triệu tấn cát, khiến cho lòng sông của hai con sông này bị hạ thấp. Có những nơi khai thác cát tạo ra những hố rất sâu, xoáy cục bộ và gia tăng sạt lở. Không có cát bồi đắp thì sạt lở ở các kênh, rạch, bờ sông, bờ biển gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở, trong đó có vấn nạn khai thác cát đã làm cho diện mạo đồng bằng sông Cửu Long đang bị biến đổi nhanh chóng hơn bao giờ hết, kéo theo nguy cơ về an ninh trật tự, sinh kế và an ninh lương thực. Trong khi các nhà khoa học cho rằng đồng bằng sông Cửu Long được bồi đắp bởi phù sa cát và trầm tích do quá trình bồi lắng qua hàng chục, hàng trăm năm nhưng chỉ cần khai thác 20 năm sẽ làm cho mỏ cát biến mất mà rất khó để khôi phục.

Từ thực tế nêu trên, bên cạnh Nghị định số 23 của Chính phủ ban hành vào ngày 24/2/2020 với nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ cát, sỏi, lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm quy hoạch tổng thể về khai thác cát cho các vùng trong cả nước nói chung và cho toàn bộ 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu nói riêng.

Đại biểu cho rằng cần tìm giải pháp mang tính hữu hiệu từ các công trình khoa học nghiên cứu đồng bằng sông Cửu Long của các nhà khoa học trong và ngoài nước, tăng trách nhiệm quản lý cát ở các địa phương, tăng chế tài xử lý đủ mạnh đối với đối tượng khai thác cát trái phép. Đại biểu đề nghị cơ quan chuyên môn của Chính phủ sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể nghị định này.

Thứ hai, ngày 16/12/2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 95 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24a của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng và các văn bản ban hành chương trình phát triển vật liệu xây không nung. Giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai còn cản trở, vướng mắc. Theo đại biểu, có hai cản trở chính đó là thói quen và xung đột về lợi ích giữa vật liệu cũ và vật liệu mới thay thế. Cùng với cản trở trên là ba vướng mắc gây chậm trễ trong thực hiện, đó là thiếu một số hướng dẫn trong cơ chế, chính sách như vay vốn ưu đãi đầu tư chưa được ban hành hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật cần thiết, chưa tuân thủ kỹ thuật trong thiết kế và thi công công trình khi sử dụng vật liệu xây không nung.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng còn thiếu sự đôn đốc trong quản lý như khen thưởng, phê bình, nhắc nhở đối với những nơi còn chậm trễ trong việc thực hiện chính sách phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu xây dựng thân thiện môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt chưa phát huy tác dụng. Vật liệu xây dựng thân thiện là một trong những yếu tố bắt buộc để hoàn thiện các công trình xanh, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và trong nước. Không có vật liệu thân thiện thì không thể có công trình xanh. Vì vậy, đại biểu đưa ra ba kiến nghị đến Chính phủ:

Một là cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, hướng dẫn định mức kinh tế - kỹ thuật; quy định việc sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng trong các công trình xây dựng san lấp mặt bằng.

Hai là để phát triển vật liệu xây dựng xanh một cách bền vững, cần có các cơ chế rõ ràng vừa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây truyền sản xuất, vừa có những cơ chế kiểm soát đối với vật liệu xây dựng truyền thống. Đồng thời, khuyến khích người dân sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong xây dựng, xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về sử sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong các công trình xây dựng trên phạm vi cả nước.

Ba là cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, chính sách khuyến khích người dân sử dụng rộng rãi, góp phần bảo vệ môi trường sống.

Nghĩa Đức - Bích Lan

Các bài viết khác