ĐBQH ĐINH THỊ KIỀU TRINH GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

24/06/2020

Góp ý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị xem xét bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với nhóm người lao động được tự do di chuyển trong cộng đồng kinh tế ASEAN.

 

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An góp ý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Theo ĐBQH Đinh Thị Kiều Trinh, cùng với quá trình hội nhập quốc tế và Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, sự hình thành khối cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép tự do di chuyển trong khối, dẫn đến việc xuất hiện nhiều hình thức hợp tác dịch chuyển lao động mới sang các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Trung Quốc với số lượng rất lớn. Hình thức công dân xuất cảnh hợp pháp theo các mục đích không phải lao động, sau đó tìm được việc làm để cư trú và làm việc hợp pháp theo quy định tại các nước sở tại như Ma Cao, Úc, New Zealand,... hoặc các hình thức thỏa thuận gửi và tiếp nhận lao động giữa các địa phương của Việt Nam với một số địa phương tiếp nhận lao động ở Hàn Quốc, Trung Quốc,...

Tuy nhiên, những đối tượng lao động nêu trên chưa được quy định trong Luật số 72 hiện hành và trong dự thảo luật sửa đổi lần này cũng chưa được quy định. Điều này, gây khó khăn trong việc hướng dẫn thi hành luật, cũng như công tác quản lý nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Vì vậy, đại biểu đề nghị trong phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, cần xem xét bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với nhóm người lao động được tự do di chuyển trong cộng đồng kinh tế ASEAN.

Về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, ĐBQH Đinh Thị Kiều Trinh đồng tình việc quy định điều kiện về năng lực tài chính của doanh nghiệp để đảm bảo thực hiện hoạt động kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo duy trì điều kiện này cần quy định cụ thể về cơ chế, biện pháp để kiểm soát việc thực hiện. Đại biểu thể hiện quan điểm thống nhất với nội dung khoản 3 Điều 10, đó là người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam có trình độ đại học trở lên và không có các án tích với tội xâm phạm an ninh quốc gia và không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm tối thiểu là 5 năm thay vì quy định như trước đây là 3 năm.

Đối với, giấy phép cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ được quy định tại Điều 11, 12, 13 của dự thảo, đại biểu đề nghị cần quy định thời hạn giấy phép hoạt động dịch vụ, từ không thời hạn sang giấy phép có thời hạn 5 năm là cần thiết để cơ quan quản lý nhà nước định kỳ rà soát, không gia hạn cấp phép đối với các đơn vị, hoạt động dịch vụ không có hiệu quả hoặc không đảm bảo các yêu cầu về hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Về giao nhiệm vụ cho đơn vị phụ thuộc tại Điều 18, ĐBQH Đinh Thị Kiều Trinh đồng tình với việc kế thừa quy định của Luật số 72 hiện hành, giao nhiệm vụ không quá 3 đơn vị phụ thuộc, là chi nhánh và văn phòng. Tuy nhiên, theo đại biểu cần quy định cụ thể các chức năng, nhiệm vụ mà chi nhánh văn phòng đại diện được hoạt động và đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, hoạt động dịch vụ đóng văn phòng tại địa phương đối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, nêu rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thống kê, kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm hoạt động của các chi nhánh này; điểm tiếp nhận các hồ sơ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đóng tại địa phương, để đảm bảo chặt chẽ trong quá trình hoạt động.

Thống nhất với nội dung quy định tại Điều 22 của dự thảo (trong thời hạn 6 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trả lời cho doanh nghiệp việc chấp thuận hoặc không chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động). ĐBQH Đinh Thị Kiều Trinh cho rằng, đây là một trong những nội dung mới nhằm khắc phục tình trạng hạn chế trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, về quyền và nghĩa vụ của người lao động do doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ĐBQH Đinh Thị Kiều Trinh cơ bản thống nhất với các nội dung quy định tại Điều 47 của dự thảo luật. Tuy nhiên, đối với khoản 8, Điều 47, đại biểu đề nghị rút ngắn thời gian thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú trong thời gian 15 ngày, kể từ khi người lao động về nước để thuận tiện hơn trong công tác quản lý người lao động sau khi về nước./.

Trọng Quỳnh