ĐBQH PHÙNG VĂN HÙNG: CẦN XÁC ĐỊNH ĐÚNG VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA LỰC LƯỢNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG

24/06/2020

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dự án Luật Biên phòng Việt Nam được đưa ra thảo luận lần đầu. Góp ý vào dự thảo, đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho rằng, dự thảo luật chưa xác định đúng vị trí, vai trò của lực lượng bộ đội biên phòng.

 Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng

Theo đại biểu Phùng Văn Hùng, dự thảo luật chưa xác định đúng vị trí, vai trò của lực lượng bộ đội biên phòng khi quy định tại Điều 3 và Điều 7 rằng bộ đội biên phòng chỉ là lực lượng chuyên trách mà không phải là lực lượng nòng cốt. Đại biểu cho rằng, khi nói đến thực thi nhiệm vụ biên phòng, lực lượng nòng cốt phải là bộ đội biên phòng. Ngoài ra, soi rọi vào 9 nhiệm vụ biên phòng được quy định tại Điều 5 của dự thảo luật và từ thực tiễn cho thấy lực lượng chủ chốt được giao nhiệm vụ thực hiện tất cả những nhiệm vụ đó chính là bộ đội biên phòng, đó là những công việc hằng ngày của bộ đội biên phòng. Đại biểu nhấn mạnh, việc thực hiện nhiệm vụ biên phòng còn có nhiều chủ thể khác nhau, nhưng bộ đội biên phòng phải là nòng cốt, phải là lực lượng chủ chốt ngay ttên gọi bộ đội biên phòng đã toát lên tinh thần này.

Về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, đại biểu Phùng Văn Hùng cho rằng, đây là một nội dung hết sức quan trọng cần phải xác định cụ thể cho được những lực lượng này gồm những tổ chức nào, được giao những nhiệm vụ gì về biên phòng? Theo đại biểu, Khoản 1 Điều 7 quy định: “Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng bao gồm hệ thống chính trị nhân dân là chủ thể”, về kỹ thuật lập pháp đây không phải là ngôn ngữ, văn phong pháp luật, không phù hợp với tên của điều luật. Đại biểu dẫn chứng, theo từ điển tiếng Việt, “lực lượng” là một tổ chức, một tập hợp của những con người, còn “nhiệm vụ” là một công việc được giao cho một cá nhân, tổ chức cụ thể bắt buộc phải làm.

Đối với khái niệm “hệ thống chính trị”, theo đại biểu thường được sử dụng trong các nghiên cứu, các báo cáo chính trị, xã hội và chưa tìm thấy khái niệm này được giải thích trong một văn bản quy phạm pháp luật nào. Vì vậy, khoản 1 dự thảo luật quy định: “Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng bao gồm hệ thống chính trị nhân dân là chủ thể”, là chưa rõ. Đại biểu cho rằng, nếu coi hệ thống chính trị và nhân dân là lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng thì quá rộng, mơ hồ và thiếu cụ thể.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét khoản 2, Điều 7 quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang là nòng cốt. Theo đại biểu quy định như vậy là chưa hợp lý  và chưa trúng. Với các bộ ngành, chính quyền địa phương là các cơ quan quản lý nhà nước không thể coi là lực lượng nòng cốt thực thi nhiệm vụ biên phòng, còn việc coi lực lượng vũ trang là nòng cốt thực thi nhiệm vụ biên phòng là chưa trúng, cho dù lực lượng biên phòng là một bộ phận không tách rời của lực lượng vũ trang./.

Lê Anh