CHO PHÉP HÀ NỘI ĐƯỢC HƯỞNG TOÀN BỘ SỐ THU TỪ SẮP XẾP, CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

08/07/2020

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đề cập cho phép thành phố được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu.

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Kết quả cho thấy 91,51% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định: Trong các ngày 09/6 và ngày 12/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.

Trên cơ sở ý kiến các đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính- Ngân sách tổ chức phiên họp ngày 15/6, phối hợp với các cơ quan hữu quan của Chính phủ, Hội đồng dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.


Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Một trong những điểm mới của Nghị quyết là có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị cần cho phép Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu như quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Với đề xuất trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Theo quy định của văn bản pháp luật hiện hành, từ trước đến nay, Thành phố Hà Nội chưa có cơ sở pháp lý sử dụng các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ các tổ chức kinh tế do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 và 2015. Vì vậy, để tạo điều kiện cho UBND Thành phố sử dụng số thu từ cổ phần hóa nhằm tăng nguồn lực đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng quan trọng của Thủ đô, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép bổ sung cụm từ “theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước” như thể hiện tại khoản 5 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết mới. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn chỉnh Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ để việc tổ chức thu thoái vốn từ các tổ chức kinh tế do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý được thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Nêu ý kiến về nội dung trên, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội bày tỏ sự đồng ý với cơ chế cho phép Thành phố được hưởng tiền thực hiện quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp của các doanh nghiệp thuộc thành phố quản lý.

Tại Điều 37 của Luật Ngân sách nhà nước đã quy định: Nguồn thu về vốn và các nguồn thu khác từ các doanh nghiệp trực thuộc địa phương thuộc ngân sách địa phương. Ở đây chỉ khác là khi chúng ta cổ phần hóa thì có những phần về giá trị tài sản, đất đai thuộc Nhà nước quản lý nhưng có những có những cái Nhà nước không quản lý (ví dụ như thương hiệu của doanh nghiệp hay các giá trị tài sản trên đất). Do vậy, việc cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng tiền thực hiện quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp do thành phố quản lý là hoàn toàn phù hợp và việc này cũng sẽ thúc đẩy  thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý. Đồng thời, cũng khuyến khích chính địa phương phải làm thế nào để những doanh nghiệp đó quản trị tốt, có năng lực cao hơn và khi cổ phần hóa được giá trị cao hơn.


Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội.

Bày tỏ quan điểm về có thêm cơ chế, chính sách cho Thủ đô Hà Nội, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng: Hà Nội là địa phương duy nhất có luật, đó là Luật Thủ đô. Năm 2017, Chính phủ đã có Nghị định số 63 ngày 19/5/2017 quy định chi tiết thi hành Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủ đô về một số cơ chế, chính sách tài chính và ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Qua 3 năm thực hiện Nghị định này cho thấy đã đạt được một số kết quả bước đầu trong việc huy động nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô như trong báo cáo của Chính phủ.

Tuy nhiên, các quy định về cơ chế tài chính, ngân sách chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của Hà Nội. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội đang đứng trước những thách thức về mọi mặt, như việc tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững, tình trạng quá tải đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đô thị do gia tăng về dân số một cách cơ học. Quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, ô nhiễm môi trường, ngập úng cũng như ùn tắc giao thông cũng chưa được giải quyết một cách căn cơ. Trong khi đó, quyền hạn và nguồn lực được giao chưa tương đồng với vai trò, trách nhiệm nặng nề của Thủ đô và các vùng lân cận.


Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận.

Với những lý do trên, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương ủng hộ việc xem xét và bổ sung cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, cho phép Thành phố Hà Nội huy động nguồn tài chính để đầu tư, phát triển theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách cho thành phố, phù hợp với thực tế phát triển. Mục tiêu từ nay đến năm 2025, cần xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là Thủ đô, là động lực phát triển của vùng và của cả nước. Tiếp tục đưa Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn so với trung bình cả nước và cao hơn giai đoạn 2015 và 2020, trở thành với đô thị phát triển năng động, hiệu quả và có sức cạnh tranh trong nước cũng như khu vực quốc tế thì việc thực hiện cơ chế chính sách riêng cho Hà Nội là cần thiết.

Kết luận về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định việc cần thiết ban hành Nghị quyết cho phép thành phố thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù nhằm tạo điều kiện để phát triển Hà Nội nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục khoa học của đất nước và khẳng định vai trò đầu tàu, động lực kinh tế của Thủ đô Hà Nội ở phía Bắc vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc giao cho thành phố Hà Nội được thêm một số cơ chế, chính sách cũng nên đánh giá đầy đủ và sát với tình hình thực tế./.

Bích Lan

Các bài viết khác