ĐBQH PHẠM THỊ THU TRANG: CẦN TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT ĐỂ BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA NGƯỜI MUA BẢO HIỂM

17/07/2020

Trước thực trạng người dân chỉ quan tâm mua bảo hiểm để đối phó khi có đợt tổng kiểm tra vừa qua, ĐBQH Phạm Thị Thu Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Chính phủ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và công tác giải quyết bồi thường nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua bảo hiểm để việc mua bảo hiểm là tự nguyện chứ không phải là một loại giấy tờ ứng phó.

 

Phát biểu góp ý tại phiên thảo luận về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020 tại Kỳ họp thứ 9, ĐBQH Phạm Thị Thu Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay thì nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế rất quan trọng, ĐBQH Phạm Thị Thu Trang tán thành đề xuất của Chính phủ về các chính sách, cơ chế đặc thù như điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, chưa tăng mức lương cơ sở, đưa ra gói kích cầu kích thích kinh tế mới, kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và an sinh xã hội…

ĐBQH Phạm Thị Thu Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Tham gia ý kiến vào vấn đề cụ thể, về phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, ĐBQH Phạm Thị Thu Trang đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp hợp lý để tinh thần đoàn kết, nhân ái của nhân dân và cả nước, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục được phát huy trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như với tinh thần trong thời kỳ phòng, chống dịch.

Bên cạnh tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực toàn cầu, mở rộng thị trường quốc tế qua các hiệp định thương mại, ĐBQH Phạm Thị Thu Trang cho rằng, cần tập trung chú trọng phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước, đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có sức đề kháng mạnh, chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài. Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và chương trình hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, sớm có biện pháp đẩy mạnh lưu thông, giải phóng hàng hóa, phát triển thương hiệu Việt Nam, cả thị trường hàng hóa và du lịch, dịch vụ nội địa gắn với nâng cao sức tiêu dùng trong nước. Phát huy tối đa tinh thần đoàn kết, nhân ái của nhân dân cả nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Về lĩnh vực giáo dục, ĐBQH Phạm Thị Thu Trang nhấn mạnh, theo dự báo về xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, quá trình chuyển đổi số sẽ được ưu tiên phát triển toàn cầu. Do đó, để chuẩn bị tiếp cận hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 năm 2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia đến năm 2025 có mục tiêu nghiên cứu tạo ra các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo và dạy nghề.

Đồng thời, hiện nay cử tri cũng đang phản ánh nội dung sách giáo khoa và chương trình hiện tại còn quá tải. Cường độ đi học của học sinh còn nhiều, hạn chế thời gian sinh hoạt, vui chơi để phát triển toàn diện về phẩm chất, thể chất, kiến thức kỹ năng sống. Phụ huynh phải mất rất nhiều thời gian cho việc đưa đón con đi học, tăng chi phí cho gia đình và xã hội. Vì vậy, ĐBQH Phạm Thị Thu Trang đồng tình với giải pháp về nghiên cứu, hoàn thiện quy chế công nghệ đào tạo trực tuyến, trang thiết bị, phương thức đánh giá chất lượng để có thể phát triển ổn định và đề nghị trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu biên soạn sách giáo khoa chương trình khung theo 2 nhóm gồm kiến thức giảng dạy trực tiếp và nhóm kiến thức có thể giảng dạy từ xa (online). Tăng cường đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, tập huấn đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để thích ứng với đổi mới, nhằm thúc đẩy nền giáo dục đào tạo phát triển.

Về lĩnh vực giao thông, ĐBQH Phạm Thị Thu Trang khẳng định bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là rất cần thiết được quy định tại Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ. Vì sao người dân chỉ quan tâm mua bảo hiểm để đối phó khi có đợt tổng kiểm tra phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xử lý vi phạm như báo chí và dư luận xã hội vừa qua đã nêu? trong khi thông tin tuyên truyền, tư vấn đến người dân về trách nhiệm dân sự và các loại hình bảo hiểm chưa được bảo đảm.

Theo ĐBQH Phạm Thị Thu Trang, một phần nguyên nhân là do người dân rất khó được bồi thường bởi quy định về hồ sơ, thủ tục rườm rà và dù Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm và phối hợp với bên mua bảo hiểm đã giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Nhưng rất nhiều người phản ánh và tự thu thập đầy đủ các chứng từ nên gặp khó khăn rất nhiều và dễ bỏ cuộc.

Vì vậy, ĐBQH Phạm Thị Thu Trang đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo rà soát, sửa đổi, hoàn thiện quy định liên quan đến bảo hiểm nói chung và bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm minh bạch, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và công tác giải quyết bồi thường nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua bảo hiểm để việc mua bảo hiểm là tự nguyện, là nhân văn, đúng với bản chất của nó, chứ không phải là một loại giấy tờ ứng phó như một vài thủ tục hành chính./.

Trọng Quỳnh