ĐBQH NGUYỄN MINH ĐỨC CHO Ý KIẾN VÀO DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

21/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Minh Đức – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đã đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

 

Đại biểu Nguyễn Minh Đức phát biểu

Cho ý kiến tại Phiên họp, đại biểu đã góp ý một vài ý kiến trong dự thảo Luật Môi trường (sửa đổi) như sau:

Đại biểu chỉ rõ, trong Điều 174 dự thảo luật quy định về kiểm tra, thanh tra, bảo vệ môi trường, tại điểm b khoản 3 quy định lực lượng cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu hoạt động phạm tội, có tố giác, tin báo tội phạm về môi trường, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Đại biểu đồng ý với quan điểm của cơ quan soạn thảo, với quy định này sẽ hạn chế tới mức thấp nhất những việc mà các doanh nghiệp phải tiếp đón nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, trong trường hợp quy định như thế này sẽ có một vấn đề xảy ra như sau:

Đại biểu cho biết, nếu quy định này đi vào thực tế thì một số quy định trong Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và một số văn bản pháp luật khác phải dừng lại, không được thực thi. Cụ thể, tại khoản 5 Điều 7 Pháp lệnh Cảnh sát môi trường quy định trong phạm vi, chức năng cảnh sát môi trường có nhiệm vụ, quyền hạn tiến hành các hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm khi trực tiếp phát hiện có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính hoặc khi có tố giác, tin báo về tội phạm vi phạm hành chính theo quy định.

Theo đại biểu, để hướng dẫn nội dung này tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 105 ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định các căn cứ để cảnh sát môi trường tiến hành các hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân gồm: Khi trực tiếp phát hiện có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; Khi có tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Với quy định như, đại biểu cho rằng đây là những căn cứ rất quan trọng, thông qua hoạt động nghiệp vụ thì lực lượng cảnh sát môi trường sẽ chủ động phát hiện, xử lý tất cả những hành vi vi phạm.

Thực tế, từ khi có Pháp lệnh Cảnh sát môi trường năm 2015 lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện và xử lý lên tới 13.784 vụ vi phạm pháp luật về môi trường. Đến năm 2019 phát hiện xử lý tới 25.346 vụ vi phạm pháp luật về môi trường. Điều đó chứng tỏ với công cụ pháp luật như vậy thì họ có những thẩm quyền thực thi, nhưng nếu với quy định trong dự thảo tại điểm b khoản 3 Điều 114 này sẽ không được thực hiện theo các quy định của Pháp lệnh về môi trường. Lực lượng cảnh sát môi trường sẽ rất bị động, không chủ động trong vấn đề phòng ngừa tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường. Nếu với quy định như thế này thì rõ ràng đòi hỏi khi muốn tiến hành kiểm tra thì phải xin ý kiến và theo kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường hoặc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân của tỉnh đó. Trong khi đó, phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời, đồng thời phải đảm bảo yếu tố bí mật, bởi vì ở đây có sử dụng các biện pháp nghiệp vụ lực lượng công an.

Đại biểu cho rằng, với quy định này rõ ràng sẽ làm bó tay và như vậy tội phạm vi phạm pháp luật môi trường chắc chắn sẽ lợi dụng để thực hiện. Với điều khoản này theo đại biểu cần sửa lại như sau: “Lực lượng cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu hoạt động phạm tội hoặc vi phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống tội phạm về môi trường khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có tin báo về vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm về môi trường. Phối hợp kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các trường hợp khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao”.

Đồng thời, tại khoản 13 Điều 182 dự thảo luật có quy định: “Bộ trưởng Bộ Công an có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động của lực lượng công an nhân dân, chỉ đạo tổ chức hoạt động phòng, chống tội phạm về môi trường, huy động lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục sự cố môi trường”. Theo quy định này đại biểu hoàn toàn đồng ý, nhưng thực tế hiện nay đa số các doanh nghiệp đều chấp hành tốt các quy định pháp luật về môi trường, rất có ý thức về bảo vệ môi trường nhưng vẫn còn một số bộ phận chưa chấp hành tốt. Vẫn có những việc khi các quy chuẩn, tiêu chuẩn mà Bộ Tài nguyên - Môi trường đặt ra, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của Bộ Tài nguyên - Môi trường đã thực hiện rất tốt các nhiệm vụ đó, nhưng một số doanh nghiệp vẫn lợi dụng làm các hệ thống ngầm giấu giếm để xả thải các chất thải rắn, lỏng ra môi trường gây ra ô nhiễm, khi người dân phát hiện thấygây ra những hậu quả rất nặng nề, thậm chí cả sự cố về môi trường. Chính vì vậy, nếu chỉ quy định Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo trong việc phòng, chống tội phạm môi trường, còn những hành vi liên quan đến việc phòng, chống tội phạm về môi trường cũng cần quy định trong này mới đảm bảo toàn bộ, trọn vẹn, cũng giống như trong một số luật khác quy định về đấu tranh đối với một số loại hành vi vi phạm. Ví dụ, trong đấu tranh chống khủng bố, quy định tội phạm khủng bố có quy định về những hành vi tài trợ khủng bố hay là rửa tiền để đảm bảo làm sao đấu tranh triệt để. Đối với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường theo quan điểm của đại biểu cần phải quy định cả những hành vi liên quan đến vi phạm pháp luật về môi trường, tức là phòng, chống tội phạm môi trường.

Từ phân tích trên, đại biểu đề xuất khoản này sửa lại thành: “Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động của lực lượng công an nhân dân. Chỉ đạo tổ chức hoạt động phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống tội phạm về môi trường, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực môi trường theo quy định của pháp luật. Huy động lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục sự cố môi trường”./.

Hồ Hương