ĐBQH NGUYỄN VĂN QUYỀN THAM GIA Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỎA THUẬN QUỐC TẾ

21/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, bàn về Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, đại biểu Nguyễn Văn Quyền, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Cần Thơ, đề nghị Ban soạn thảo cần mở rộng đối tượng chủ thể tham gia vào việc ký kết thỏa thuận quốc tế trong chuyến thăm của các đoàn cấp cao của nhà nước tới các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Quyền, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Cần Thơ, phát biểu tại phiên thảo luận.

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận về Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Văn Quyền đề đạt hai ý kiến, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đại biểu bày tỏ đồng tình với việc bổ sung một số chủ thể có thể tham gia ký kết Điều ước quốc tế tại điểm 2 của Điều 2, cụ thể là mở rộng chủ thể tới cơ quan tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nên rà soát lại, không nên mở quá nhiều như dự thảo hiện tại, khi chủ thể được mở rộng đến cơ quan chính quyền cấp xã hay một số tổ chức chính trị ở dưới cấp huyện. Theo đai biểu, rà soát lại để gom vào một đầu mối ở địa phương ở cấp tỉnh là việc làm phù hợp và cần thiết.

Thứ hai, đại biểu đánh giá cao việc Ban soạn thảo bổ sung vào Điều 34 có quy định về ký thỏa thuận quốc tế trong chuyến thăm của các đoàn cấp cao của nhà nước. Theo đại biểu, việc bổ sung này là cần thiết bởi vì thực tiễn thời gian qua Bộ Ngoại giao đã tham mưu cho các cơ quan nhà nước tổ chức hàng năm cho các đồng chí lãnh đạo cấp nhà nước đi thăm các nước, lãnh đạo của các nước vào thăm nước ta, qua đó tổ chức ký kết nhiều hiệp định của các bộ, ngành.

Bày tỏ tán thành bổ sung điểm này, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Quyền cũng đề nghị Ban soạn thảo nên mở rộng đối tượng chủ thể tham gia vào việc ký kết nhân dịp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đi thăm các nước, cũng như các nguyên thủ quốc gia, các lãnh đạo của nước ngoài vào thăm nước ta. Theo đại biểu, chỉ đề cập đến các cơ quan nhà nước ở trung ương, các tỉnh thì chưa đầy đủ.

Thực tế trong thời gian qua nhiều tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, kể cả tổ chức xã hội trong các chuyến thăm đã tranh thủ cơ hội, cùng với mong muốn của đối tác, rất mong các đồng chí lãnh đạo hai nước chứng kiến lễ ký kết đó. Việc này đã diễn ra hằng năm. Ví dụ, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, công đoàn, rất nhiều tổ chức trong chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo đều tranh thủ để ký kết với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt, Hội Luật gia Việt Nam, nơi đại biểu Nguyễn Văn Quyền làm chủ tịch, cũng đã từng tháp tùng Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đi kỳ Hiệp định với Hội Luật gia của Liên bang Nga.

Vì vậy, đại biểu bày tỏ hoàn toàn đồng tình với Điều 34, nên mở rộng ra những chủ thể khác có thể tranh thủ khi có những đoàn viếng thăm cấp cao của hai nhà nước để tạo điều kiện cho các tổ chức khác tham gia ký kết.

Đại biểu nhấn mạnh, việc mở rộng không chỉ hướng tới các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp mà kể cả những tập đoàn kinh tế. Nêu ví dụ cụ thể về việc Tập đoàn TNT nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ sang Nga đã tranh thủ ký kết các biên bản ghi nhớ với các đối tác ở Nga, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên bổ sung thêm những chủ thể này vào Điều 34 cho đầy đủ hơn./.

Bùi Hùng