ĐBQH DƯƠNG TẤN QUÂN GÓP Ý VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

23/07/2020

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp ý kiến vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tán thành cao với sự cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đại biểu Dương Tấn Quân cũng đánh giá rất cao sự nỗ lực của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các Bộ ngành trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và eo hẹp về thời gian, nhưng Chính phủ đã xây dựng chương trình rất công phu, chi tiết và cơ bản hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị cho cuộc sống của đồng bào dân tộc miền núi.

Để hoàn thiện chương trình, Đại biểu Dương Tấn Quân góp ý một số nội dung. Thứ nhất, về tên gọi của chương trình, đề nghị nên bổ sung cụm từ "bền vững" vào sau cụm từ “phát triển” để thể hiện rõ nét hơn hay mục đích, ý nghĩa của chương trình có thể hoàn thiện lại tên chương trình như sau: “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.


Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thứ hai là về nguồn lực. Trong chương trình này, giai đoạn 1 là giai đoạn then chốt quyết định thành bại của cả chương trình. Nếu giai đoạn 1 thành công sẽ tạo nền móng vững chắc để thực hiện hiệu quả giai đoạn 2. Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 và ngân sách eo hẹp, Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn 1, trong đó nên tập trung vào những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, lõi nghèo và giải quyết những vấn đề cấp thiết của đồng bào dân tộc như đề nghị của cơ quan thẩm tra.

Góp ý vào các dự án, đại biểu Dương Tấn Quân nhận thấy 10 dự án của Chính phủ đề xuất trong chương trình mục tiêu quốc gia là khá phù hợp với nội dung được xác định trong Nghị quyết số 88 của Quốc hội và 10 dự án cũng đã bao quát khá đầy đủ các nội dung cần giải quyết của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại dự án 7 nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, đại biểu Dương Tấn Quân cơ bản thống nhất với các nội dung nhiệm vụ mà dự án đã nêu ra. Tuy nhiên, trong hợp phần 1 ngoài vấn đề xây dựng, cải tạo các trạm y tế, mua sắm các trang thiết bị, đề nghị phải quan tâm thêm việc cung cấp đủ cơ số thuốc thiết yếu để điều trị bệnh theo mô hình bệnh tật của từng địa phương. Thực tế hiện nay có nhiều trạm y tế cơ sở vật chất được đầu tư khang trang nhưng chưa được quan tâm đúng mức về thuốc nên rất khó khăn cho công tác điều trị và phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên gây tăng chi phí điều trị cũng như là lãng phí nguồn đầu tư của nhà nước. Ngoài ra, đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị phải quan tâm triển khai các mô hình cộng đồng công tác dự phòng vaccine tiêm chủng mở rộng và các loại vaccine phòng bệnh khác, để phòng bệnh giảm chi phí cho điều trị.

Về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị ngoài việc đào tạo phải đi đôi với các chính sách thu hút, giữ chân và ràng buộc cán bộ y tế ở lại thôn, xã, nếu không sẽ mất nhân lực cũng như là lãng phí tiền đào tạo của nhà nước. Dự án 8 thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em. Đây là một trong những dự án không thể thiếu trong chương trình mục tiêu quốc gia thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đến đời sống của phụ nữ và trẻ em. Đây là 2 nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại Phụ lục 1.9 của dự án đã đặt ra 3 nhiệm vụ chính để thực hiện dự án này. Gồm có nhiệm vụ nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực về giới, thúc đẩy bình đẳng giới và các kiến thức, kỹ năng hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết cho cán bộ phụ nữ nam giới và cộng đồng vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiệm vụ tiếp theo là xây dựng mô hình nhằm thay đổi cách nghĩ, nếp làm trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiệm vụ khác là tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tự quản và phát triển cộng đồng.

Đại biểu Dương Tấn Quân cơ bản đồng tình với 3 nhóm nhiệm vụ mà Ban soạn thảo đã đưa ra. Tuy nhiên, 3 nhóm nhiệm vụ trên mới chỉ tập trung cho nhóm phụ nữ, chưa có chính sách nào để bảo vệ trẻ em. Thực trạng trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện đang có nhiều vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm và bảo vệ, đó là tình trạng trẻ em bị lừa gạt bán sang biên giới, trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước, bạo hành, hôn nhân cận huyết thống hay là tảo hôn. Tỷ lệ này đều cao hơn rất nhiều so với những vùng khác và đây là những vấn đề nhức nhối, gây ra nhiều hệ lụy, diễn ra nhiều năm mà chúng ta chưa có những giải pháp căn cơ để giải quyết. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả để bảo vệ phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phải coi đây là một trong những vấn đề cấp thiết thực hiện trong dự án này và tôi cũng kính đề nghị Ban soạn thảo cần phải lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào tất cả các dự án, chứ không phải chỉ thực hiện trong dự án 8.

Dự án 10 đề cập truyền thông tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình. Đại biểu Dương Tấn Quân đồng tình với nhận định trong Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về nội dung hoạt động của dự án này còn dàn trải, chưa tập trung trọng điểm, trong khi dự kiến nguồn lực thì rất lớn. Trong điều kiện khó khăn về ngân sách, đề nghị Chính phủ rà soát và cân đối lại, tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề cấp thiết của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như đã nêu trên./.

Bích Lan

Các bài viết khác