ĐBQH PHƯƠNG THỊ THANH GÓP Ý VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

23/07/2020

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phương Thị Thanh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đóng góp ý kiến vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đại biểu Phương Thị Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đồng tình cao với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc.

Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của chương trình, đại biểu Phương Thị Thanh nhất trí với phạm vi, đối tượng đề xuất trong dự thảo nghị quyết với 4 nhóm đối tượng điều chỉnh tập trung vào địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, hộ gia đình và cá nhân sinh sống trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ chưa ban hành bộ tiêu chí mới về phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển nên chưa có số liệu chính xác về số xã, số thôn thuộc phạm vi điều chỉnh của chương trình. Vì vậy, đề nghị Chính phủ trước khi ban hành bộ tiêu chí mới phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần lấy ý kiến tham gia của các địa phương trong vùng để bộ tiêu chí mới được ban hành thực sự phù hợp, đánh giá sát với tình hình thực tiễn.


Đại biểu Phương Thị Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn.

Qua nghiên cứu báo cáo đề xuất của Chính phủ, trong đó có nội dung dự kiến tiêu chí xác định xã, thôn đặc biệt khó khăn,  đại biểu Phương Thị Thanh nhận thấy có một số tiêu chí chưa thật sự phù hợp. Thứ nhất, đối với xã đặc biệt khó khăn, trong đó có tiêu chí khoảng cách đường giao thông từ trung tâm huyện đến xã là 20km. Nếu quyết định như vậy chưa phản ánh được mức độ khó khăn giữa các địa bàn trong vùng, nơi có địa hình thuận lợi khoảng cách 20 km thì rất thuận lợi, nhưng đối với địa bàn miền núi, đặc biệt những xã vùng cao, có độ dốc lớn, địa hình chia cắt thì khoảng cách 20km giao thông đi lại khó khăn. Một số tiêu chí khác cũng cần phải đánh giá kỹ để khi ban hành, phê duyệt xã đặc biệt khó khăn không có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền.

Thứ hai, các dự án thành phần của chương trình. Về 10 dự án thành phần trong báo cáo đề xuất của Chính phủ đã bao quát khá toàn diện các nội dung cần giải quyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các dự án thành phần của chương trình cho thấy có 6/10 dự án thành phần còn có nội dung tương tự một số nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia, một số chương trình, mục tiêu đang thực hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các địa phương đã tổng kết 2 chương trình mục tiêu quốc gia để đề xuất cho giai đoạn sau. Để tránh trùng lắp nội dung các dự án của chương trình này với các chương trình, chính sách được triển khai trong giai đoạn tiếp theo, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát để tích hợp các chính sách tương tự của 2 chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách đang thực hiện trong vùng này để ban hành chính sách mới.

Thứ ba, về kinh phí thực hiện chương trình. Đây là nội dung được cử tri và đại biểu quan tâm với kỳ vọng là đảm bảo đáp ứng nguồn lực để thực hiện theo đề án. Tuy nhiên, việc Quốc hội thảo luận, phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình trong điều kiện dự báo thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, khả năng hụt thu ngân sách lớn. Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt với tổng mức đầu tư tối thiểu và thực hiện phân kỳ đầu tư theo giai đoạn là phù hợp, nhưng tổng mức đầu tư tối thiểu của giai đoạn 1 so với khái toán mới đạt trên 40%. Với nguồn lực như vậy thì các mục tiêu đặt ra và chỉ tiêu đặt ra có đạt được không? Theo dự thảo nghị quyết, các mục tiêu, chỉ tiêu đã bám sát Nghị quyết số 88 của Quốc hội và không có gì thay đổi. Nội dung này cũng cần được làm rõ tính khả thi của chương trình với nguồn lực dự kiến phân bổ. Đại biểu Phương Thị Thanh đồng ý với đề xuất của Chính phủ. Nếu 2 chương trình mục tiêu hiện nay được tiếp tục thực hiện cho giai đoạn sau thì các nội dung đã trùng với chương trình này thì không đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự kiến nguồn vốn một số dự án, đại biểu Phương Thị Thanh nhận thấy mức bố trí bình quân cho một xã là quá thấp, có nội dung còn thấp hơn 2 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đang thực hiện trên địa bàn. Chẳng hạn như dự kiến mức đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho một xã đặc biệt khó khăn là 1,5 tỷ đồng, nhưng hiện nay, cả 2 chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện bình quân khoảng 1,8 tỷ đồng. Riêng Chương trình 135 là bình quân 1 tỷ đồng và các xã, Chương trình xây dựng nông thôn mới thì cũng bố trí khoảng 700-800 triệu đồng/năm/xã. Hoặc Chương trình bảo vệ phát triển rừng, đây là chương trình nhằm khai thác lợi thế trong vùng, với việc quản lý trên 14 triệu hec ta rừng hiện nay, nhưng việc bố trí nguồn ngân sách để thực hiện chương trình này là thấp. Riêng giai đoạn 2016-2020, Chính phủ phê duyệt Chương trình này là trên 20.000 tỷ đồng, nhưng dự kiến giai đoạn 1 bố trí cho phát triển kinh tế lâm nghiệp trên 14.000 tỷ đồng.

Với điều kiện nguồn ngân sách như vậy, việc lựa chọn thứ tự ưu tiên là cần thiết, tránh ban hành chính sách mà chưa bố trí được nguồn lực thực hiện. Đại biểu Phương Thị Thanh cũng đề nghị Chính phủ cần phân bổ ngân sách hàng năm, cần quan tâm đến lựa chọn các dự án đầu tư có tác động lớn đến kinh tế - xã hội trong vùng cũng như quan tâm đến tăng mức khoán bảo vệ rừng, tăng cao hơn 2 đến 3 lần so với mức hiện nay. Đối với địa bàn vùng cao thì cần đảm bảo nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông và đầu tư chính sách cho giáo dục để các vùng này có điều kiện phát triển tốt hơn./.

Bích Lan

Các bài viết khác