ĐBQH NGUYỄN THỊ YẾN: CHƯA CÓ GÓI KÍCH CẦU NÀO HỖ TRỢ NGƯỜI CHĂN NUÔI LỢN TẬP TRUNG TÁI ĐÀN

29/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, thảo luận về Báo cáo của Chính phủ về bổ sung đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, những tháng đầu năm 2020 và các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cho hộ gia đình được gây đàn, tái đàn và đặc biệt là kích cung để đảm bảo nguồn cung trong cả nước mà cũng không cần nhập của các nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Yến cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về bổ sung đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, những tháng đầu năm 2020 và các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội.

Đại biểu chỉ rõ, năm 2019 trong bối cảnh tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nhưng với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương và địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong cả nước, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7% cao hơn kế hoạch đã đề ra, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Những tháng đầu năm 2020, trước tình hình ảnh hưởng rất lớn của đại dịch COVID-19, nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự năng động, chủ động, quyết liệt trong quản lý, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân tộc Việt Nam, việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới, không chỉ tạo ra niềm tin rất lớn trong nhân dân, khơi dậy được sức mạnh từ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã chủ động xây dựng và trình Quốc hội phê duyệt các cơ chế, chính sách đặc thù, các giải pháp kịp thời phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức làm việc với các tỉnh, thành, 4 vùng kinh tế trọng điểm, gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh. Kinh tế nước ta phục hồi khá nhanh và khá mạnh. Cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới của Chính phủ, đại biểu tham gia thêm một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân những tháng đầu năm đã tăng so với cùng kỳ năm 2019 và mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, kéo theo lạm phát cơ bản bình quân cũng tăng so với năm 2019. Các nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng chủ yếu là lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm. Đại biểu nhìn nhận, do ảnh hưởng dịch tả lợn Châu Phi khiến nguồn cung giảm xuống và đẩy giá lên cao, hiện nay dao động từ 90.000 đồng đến 100.000 đồng một kilogam giá lợn hơi. Do đó đại biểu đề nghị Chính phủ cũng cần có những giải pháp hữu hiệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cho hộ gia đình được gây đàn, tái đàn và đặc biệt là kích cung để đảm bảo nguồn cung trong cả nước mà không cần nhập của các nước. Có như thế sẽ tự chủ được nền kinh tế của đất nước và cũng quan tâm hỗ trợ vốn, kiểm soát giá thịt lợn và phòng, chống hiệu quả dịch tả lợn Châu Phi. Vì hiện nay việc chăn nuôi lợn các doanh nghiệp, các trang trại của đất nước cũng còn ít, nhưng hộ gia đình chăn nuôi cũng rất nhiều, trước dịch bệnh COVID-19 và dịch tả lợn Châu Phi các hộ dân cũng gặp nhiều khó khăn. Chính phủ cũng đã có các gói kích cầu, hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ xã hội, tuy nhiên chưa có một gói nào hỗ trợ cho người dân, các doanh nghiệp để tập trung tái đàn, kích cung. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa.

Thứ hai, về phát triển kinh tế vùng trọng điểm. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đi đến 4 vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nộp ngân sách về cho trung ương khoảng 42% và cũng là một vùng chiếm 44% tổng GDP trong cả nước. Đại biểu nhận thấy khi Thủ tướng làm việc đã chỉ đạo cho các bộ, ngành của trung ương cũng như của địa phương phải quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các địa phương trên các lĩnh vực. Đại biểu cho rằng đây là một điều rất quan trọng để phục hồi nền kinh tế của đất nước, nhưng nếu không có sự hỗ trợ, ủng hộ của Quốc hội sẽ rất khó thực hiện. Vì thế, để đảm bảo cho các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần tập trung phát triển kinh tế theo như chỉ đạo của Trung ương cũng như của Chính phủ, đại biểu đề nghị Quốc hội quan tâm, tạo mọi điều kiện và có quyết sách kịp thời để thúc đẩy nền kinh tế của đất nước.

Bích Lan