ĐBQH PHAN THỊ MỸ DUNG: CẦN TIẾP TỤC THỰC THI PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA

29/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo cả nước về tăng cường công tác giáo dục pháp luật, tuần tra, xử lý nghiêm tình trạng uống rượu, bia khi tham gia giao thông.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Tham gia phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020 và thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và niềm tin của cử tri đối với sự điều hành của Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt là sự quyết liệt của Chính phủ trong việc đề ra, chỉ đạo và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid vừa qua. Hiện nay, cả nước đang tổng lực, dồn lực đề ra, triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp, ứng phó linh hoạt để thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trên các lĩnh vực, phù hợp với tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của COVID-19 đối với kinh tế - xã hội của nước ta trong những tháng đầu năm 2020 là rất nặng nề, trong đó có nhiều lĩnh vực kinh doanh đầu tư gần như đóng băng, không hoạt động như vận tải, dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí. Ngay sau khi bỏ giãn cách xã hội, thiết lập trạng thái bình thường mới, vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung mong muốn tiếp tục thực thi pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 đã song hành đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ với chế tài xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe, bước đầu thu được hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đây cũng chính là quyết tâm, nỗ lực và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, địa phương trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đi vào thực tiễn và có tác động sâu sắc đến ý thức của người tham gia giao thông trên cả nước, được dư luận đồng thuận và nhân dân nghiêm túc thực thi theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Mặc dù trong cuộc cách mạng để giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu, bia, các quán ăn, nhà hàng, dịch vụ ban đầu chưa có giải pháp thích ứng cũng đã bị ảnh hưởng không nhỏ, giảm lượng khách, giảm tiêu thụ rượu, bia, giảm doanh thu, nhưng đã, đang và sẽ mang lại hiệu quả không nhỏ về an toàn giao thông và trật tự an ninh xã hội. Tuy nhiên theo đại biểu, hiện nay cần thừa nhận rằng, sau những ngày cách ly xã hội, tâm lý người dân phần lớn chủ quan hơn với các quy định về an toàn giao thông, khách đến nhà hàng ăn uống tăng đột biến, khách đi đông và lượng bia bán ra nhiều hơn khi mới áp dụng Nghị định 100, không ai cấm uống rượu, bia nhưng uống xong rồi vẫn lái xe có chiều hướng tăng lên. Rất dễ nhận thấy tại các quán bia vỉa hè, các nhà hàng khách vào ăn, uống rượu, bia, sau đó người đi ô tô thì lái ô tô, người đi xe máy thì chạy xe máy và trở lại suy nghĩ uống vài chai vẫn đủ sức tự chạy xe về được. Sự chủ quan này gây nguy hiểm cho nhiều người. Đại biểu chia sẻ với người dân phải giãn cách xã hội trong một thời gian dài, chia sẻ với người kinh doanh bị ảnh hưởng, bị thiệt hại bởi dịch bệnh, nhưng đã đến lúc phải “hâm nóng” trở lại, không ngăn chặn sớm thì tâm lý chủ quan, lơ là Nghị định 100 sẽ quay trở lại thành thói quen. Hiện nay, giao thông gần như trở lại bình thường nên việc nhắc nhau tinh thần của Nghị định 100 là cần thiết.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo cả nước về tăng cường công tác giáo dục pháp luật, tuần tra, xử lý nghiêm tình trạng uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt là tiếp tục thiết lập các chốt chặn có thể gần khu vực quán nhậu và trên các tuyến cao tốc. Công tác xử lý nồng độ cồn phải tiếp tục thực hiện ráo riết như những ngày đầu triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100.

Vấn đề thứ hai, ngày 30/5/2020 Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm có Thành phố Chí Minh và 7 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Thủ tướng đã chỉ rõ tiềm năng sức mạnh và năng lực cạnh tranh tại khu vực này hơn hẳn các vùng kinh tế trọng điểm khác trên cả nước với điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa, con người năng động, sáng tạo, lãnh đạo dám nghĩ, dám làm. Trong nhiều thời kỳ, vùng có khả năng thu hút nhân tài cả trong và ngoài nước để phát triển tốt hơn với tinh thần tiến bước xa hơn, cao hơn. Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao quyết tâm của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng phía Nam, quyết tâm không thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó có Long An. Long An là cửa ngõ kết nối thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Long An đã chủ động chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cho kết nối giao thông liên vùng và phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và của vùng nói chung. Do vậy chính quyền và nhân dân Long An vô cùng phấn khởi, kỳ vọng trông đợi vào việc triển khai Dự án trục giao thông động lực kết nối Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Tiền Giang, kết nối từ ngã ba Trung Lương đến đường Phạm Hùng, Hồ Chí Minh với tổng chiều dài toàn tuyến là 55km, trong đó đoạn qua Long An là khoảng 34,5km.

Về quy hoạch phương án tuyến đã được 3 địa phương thống nhất. Trục giao thông này sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai, chiếm lưu lượng giao thông lớn giữa Thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long sau khi kết nối với đường vành đai 3 và đường vành đai 4 của Thành phố Hồ Chí Minh. Đoạn đường từ Phạm Hùng đến ngã 3 Tân Kim quốc lộ 50 thuộc dự án trọng điểm phía Tây Thành phố Chí Minh sẽ do Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư. Tuy nhiên, có 3 cây cầu lớn là cầu vượt sông Cần Giuộc, cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây đều trên địa bàn tỉnh Long An. Cầu có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, cần có sự đầu tư, quản lý trực tiếp của nhà nước.

Đối với ngân sách tỉnh Long An dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021-2025 không thể cân đối bố trí cho ba cây cầu vượt này do vượt khả năng ngân sách của tỉnh. Từ đó đại biểu mong Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt, bổ sung tuyến đường trục giao thông động lực kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang vào quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia và vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải, thống nhất hỗ trợ kinh phí đầu tư, phương án đầu tư cho dự án này, phần 3 cây cầu trong chính sách phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030.

Đối với việc đầu tư xây dựng tuyến đường, đại biểu kiến nghị Bộ Giao thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm xem xét trình Thủ tướng Chính phủ để tỉnh Long An lập báo cáo khả thi đầu tư theo phương thức huy động các nguồn lực như khai thác quỹ đất, hợp đồng đối tác PPP. Sau khi đề xuất được lập Long An sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đầu tư theo quy định.

Trục động lực này sẽ kết nối với đường vành đai 3 và vành đai 4 của Thành phố Hồ Chí Minh. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung phản ánh, 2 đường vành đai 3 và 4 của Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Giao thông quản lý và đầu tư, nhưng hiện nay chưa có chủ trương cụ thể cũng như chưa phân bổ về kinh phí cụ thể về dự án; do đó Long An rất khó khăn trong việc thu hút và lập các quy hoạch những tuyến đường cũng như là định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng liên quan. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ sớm cho kế hoạch chủ trương về 2 dự án này.

Bích Lan