ĐBQH ĐINH THỊ PHƯƠNG LAN GÓP Ý VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

30/07/2020

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đinh Thị Phương Lan – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đóng góp ý kiến vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tại phiên thảo luận ở hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 ở kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đinh Thị Phương Lan – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số, cơ cấu kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi có chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân đa dạng, thu nhập ngày một cải thiện. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội vẫn còn rất khó khăn. Để vùng dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư phát triển bền vững, người dân tộc thiểu số được hưởng lợi thực sự,  đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị tiếp tục cân đối nguồn lực phù hợp với mục tiêu của chương trình. Nguồn lực hạn chế cần thiết kế các dự án phù hợp, khả thi tập trung đầu tư vùng, đối tượng khó khăn nhất; hỗ trợ trực tiếp sinh kế, định canh, định cư, đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng đặc biệt khó khăn, đầu tư có lộ trình phù hợp hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.


Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị tiếp tục thiết kế cân đối, đồng bộ, thống nhất về hình thức các mục tiêu, chỉ tiêu, đối tượng, nội dung thực hiện, vốn, nguồn vốn, các dự án thành phần trên cơ sở rà soát các chính sách, chương trình, đề án, bổ sung các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản, chỉ tiêu thành phần đồng bộ để huy động nguồn lực ngoài chương trình làm tiêu chí để đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ.

Về định canh, định cư theo hai hình thức xen ghép và tập trung: Trong thời gian qua, nội dung này rất khó thực hiện vì nguồn vốn thấp, cơ chế phức tạp, địa hình, quỹ đất ở nhiều địa phương khó khăn. Do đó, cần rà soát các tiêu chí kỹ thuật, định mức nguồn vốn, có cơ chế phù hợp, tránh dàn trải. Bên cạnh đó là tập trung rà soát, lập quy hoạch đầu tư cho đối tượng vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới theo hướng tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước, phát huy vai trò của địa phương, cộng đồng. Hơn nữa, cần tiếp tục nghiên cứu các tiêu chí về diện tích nhà ở tối thiểu phù hợp với quy hoạch nông thôn, văn hóa dân tộc để hỗ trợ, nhà ở phải gắn với đất sản xuất. Xác định phương thức huy động vốn, phát huy vai trò của cộng đồng, tránh hỗ trợ thiếu bền vững như một số nơi trong thời gian vừa qua. Mặt khác cần tiếp tục rà soát, có chiến lược đầu tư một số công trình hồ, đập thứ cấp gắn với hệ thống hồ lớn, phân bố các vùng nhằm nuôi dưỡng nguồn nước ngầm đang cạn kiệt, giảm thiểu tác động trực tiếp của hệ thống thủy điện, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất bền vững không chỉ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi mà còn đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Ngoài ra, cần cân nhắc định mức kinh phí cho công trình nước sạch tập trung phù hợp với điều kiện vùng miền khác nhau.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cũng cho rằng, cần có chiến lược bảo vệ rừng phù hợp, tăng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng, phát triển vùng dược liệu quý dưới tán rừng có giá trị hàng hóa cao, có thể tham gia chuỗi giá trị. Cần nghiên cứu phát triển sản xuất phù hợp với thổ nhưỡng vùng miền, phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất, ưu tiên hỗ trợ phát triển sinh kế có điều kiện cho cộng đồng, nhóm hộ nhằm phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch nông nghiệp, lâm nghiệp. Tạo vùng sản phẩm lớn, sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị. Phát triển các dự án du lịch sinh thái, văn hóa gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Về hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, đại biểu Đinh Thị Phương Lan nêu quan điểm cần tiếp tục củng cố hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú có chất lượng liên thông, khai thác cơ sở vật chất, đội ngũ tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, mở rộng địa bàn tiêu chí để thành lập các trường phổ thông dân tộc bán trú để học sinh lưu trú khi không thể đi về trong ngày chứ không chỉ phạm vi hẹp lại chỉ trong vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn như hiện nay và vùng này cũng đang dần bị thu hẹp. Bổ sung vi chất, hạn chế bệnh tan máu bẩm sinh, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, từng bước đảm bảo dinh dưỡng học đường cho trường mầm non, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Với nội dung giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện các chỉ tiêu cơ bản, chỉ tiêu thành phần làm cơ sở cho tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách, giám sát chính sách. Ngoài ra, cần tích hợp các tiểu dự án đối với dân tộc thiểu số rất ít người dân tộc thiểu số có nguồn nhân lực chất lượng thấp, tập trung hỗ trợ trực tiếp giáo dục, y tế, sinh kế, phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng vùng có đông dân tộc thiểu số rất ít người, dân tộc thiểu số có nguồn nhân lực chất lượng thấp, còn lại thì có thể điều chỉnh bằng các dự án khác.

Trên cơ sở những đề xuất trên, đại biểu Đinh Thị Phương Lan cho rằng: Việc ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình có ý nghĩa to lớn nhằm thúc đẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số tiếp tục thụ hưởng các dịch vụ xã hội thiết yếu thuận lợi, chất lượng./.

Bích Lan