ĐBQH NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM GÓP Ý NGHỊ QUYẾT VỀ THÍ ĐIỂM TỔ CHỨC MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ TẠI TP. ĐÀ NẴNG

30/07/2020

Trong phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác tại đợt 1 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Đoàn ĐBQH tp. Hồ Chí Minh đã góp ý về một số nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi Quốc hội thông qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu ủng hộ việc Quốc hội có nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Đà Nẵng. Đại biểu nhận thấy những lý lẽ phân tích trong Tờ trình của Chính phủ khá thuyết phục và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật có rất nhiều điểm sâu sắc.

Theo đại biểu, việc thực hiện thí điểm vấn đề này sẽ không vi hiến, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phép, và thực tiễn đã thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, huyện, phường từ năm 2009 cho đến năm 2016.  Khi tổng kết, việc này đã được đánh giá cơ bản là thành công, có nhiều nét mới và thực tế trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, nhiều địa phương có mức độ đô thị hóa nhanh, đặt ra yêu cầu phải có một mô hình chính quyền phù hợp để quản lý, vận hành phù hợp với điều kiện thực tiễn đó. Đặc biệt là có ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, tạo ra những cơ chế, mô hình quản lý phù hợp để phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới. Quốc hội khóa XIII trong quá trình sửa đổi Hiến pháp cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương có rất nhiều ý kiến yêu cầu đổi mới mô hình chính quyền ở các địa phương cho phù hợp với thực tiễn đô thị, nông thôn, hải đảo hay miền núi, và cũng cần phải có một mô hình chính quyền phù hợp với những cơ chế, chính sách phù hợp cho từng vùng, từng miền, từng khu vực để phát huy được lợi thế, thế mạnh, tiềm năng của từng khu vực, trong đó đặt ra vấn đề mô hình chính quyền phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tính phục vụ nhân dân phải cao, bộ máy quản lý nhà nước phải hết sức tinh gọn. Nhưng khi đó, Quốc hội cũng nói rõ mặc dù ý kiến này có điểm mới, tiến bộ sau khi tổng kết thí điểm nhưng đây là vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá, để đảm bảo tính chặt chẽ, thận trọng.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cơ bản đồng tình với những nội dung trong tờ trình cũng như trong dự thảo đã nêu. Tuy nhiên, để hoàn thiện nghị quyết này cũng như xem xét để quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và mô hình tổ chức chính quyền cũng như những chính sách đặc thù phù hợp hơn, đại biểu có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, Nghị quyết của Quốc hội cần nói rõ hơn về tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương ở Đà Nẵng theo hướng phải tăng hơn so với hiện nay. Theo đại biểu, nếu nói “phù hợp” thì thật sự rất mông lung. Đại biểu nêu quan điểm, phù hợp là phù hợp như thế nào? Đánh giá đối những địa phương có tiềm lực, những địa phương có khả năng, có lợi thế phát triển thì rõ ràng tỷ lệ điều tiết như hiện nay và theo Luật Ngân sách nhà nước gây ra những khó khăn và cản trở cho sự phát triển của địa phương đó. Dù biết rằng quan tâm số một là cân đối ngân sách của quốc gia, nhưng nếu trong khả năng cân đối được, tiết kiệm chi để tạo thêm nguồn lực, tạo động lực và cú hích cho các địa phương có tiềm lực thì tại những địa phương này nền kinh tế sẽ phát triển và sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách quốc gia. Từ đó, ngân sách quốc gia mới có điều kiện để tăng điều kiện, bớt những cơ chế chính sách cho những địa phương khó khăn và các nhiệm vụ đặc biệt, an ninh, quốc phòng, v.v.. Như vậy theo đại biểu, trong nghị quyết cũng cần thiết cũng phải nói rõ vấn đề này.

Thứ hai, đồng thời với việc thí điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng ý với các đề xuất của Ủy ban Pháp luật là Chính phủ cần phải nghiên cứu để điều chỉnh trong quy định của pháp luật. Những địa phương có điều kiện cũng có thể thực hiện được vấn đề này trong thời gian tới. Đại biểu đề nghị cần phải nghiên cứu một cách rất thấu đáo.

Thứ ba, đối với mô hình Hội đồng nhân dân ở thành phố Đà Nẵng. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo, Chính phủ và Đà Nẵng cần nói rõ hơn nữa. Từ thực tiễn thí điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu cho rằng cần phải tăng số lượng đại biểu và đại biểu chuyên trách, để mỗi địa phương, quận, huyện phải có một đại biểu chuyên trách đại diện cho nhân dân ở quận, huyện đó và đại biểu chuyên trách này có thể hoạt động chuyên trách ở các ban của Hội đồng nhân dân. Như vậy vừa đảm bảo giữ được mối liên hệ với cử tri, phát huy dân chủ với nhân dân của địa phương, đồng thời tăng cao năng lực các ban của Hội đồng nhân dân dân trong quá trình giám sát của Hội đồng nhân dân. Theo đại biểu, cần tăng năng lực của các ban của Hội đồng nhân dân chứ không phải theo hướng giảm cán bộ chuyên trách ở các ban của Hội đồng nhân dân. Khi đòi hỏi năng lực giám sát thì đi kèm theo đó cần phải tăng nguồn lực cho các ban của Hội đồng nhân dân, do vậy đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị tăng cán bộ chuyên trách của Hội đồng nhân dân mà chủ yếu ở các ban để hoạt động ở các ban, đồng thời hoạt động ở các quận, phường của thành phố.

Cuối cùng về vấn đề giám sát và kiểm soát quyền lực. Đại biểu cho rằng không nên đặt vấn đề năng lực và quyền hạn cũng như trách nhiệm của riêng Hội đồng nhân dân mà cần phải đặt ra tổng thể hơn, đó là sự lãnh đạo của cấp ủy, tính kỷ cương, kỷ luật của Ủy ban nhân dân, sự phối hợp của Mặt trận và hệ thống chính trị, đặc biệt là các đoàn thể Mặt trận trong quá trình giám sát.

Bích Lan