ĐBQH TRẦN THỊ VĨNH NGHI GÓP Ý ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

31/07/2020

Trong phiên thảo luận toàn thể hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi – Đoàn ĐBQH TP.Cần Thơ đã góp ý về một số nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.

Tại phiên họp toàn thể hội trường thảo luận về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi – Đoàn ĐBQH TP.Cần Thơ bày tỏ tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Cư trú nhằm tiếp tục cụ thể hóa quy định được nêu tại Hiến pháp năm 2013, đảm bảo quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng minh bạch, giảm thời gian thủ tục hành chính phiền hà và đảm bảo tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân; đồng thời đồng tình, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã tích cực trong công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo việc thay thế phương thức quản lý dân cư, quản lý thông qua mã số định danh cá nhân, cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú thay cho phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi – Đoàn ĐBQH TP.Cần Thơ

Góp ý vào các nội dung cụ thể, đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi cho biết, về quyền của công dân nơi cư trú, tại khoản 3 Điều 8 dự thảo Luật có nêu "được tra cứu thông tin về đăng ký cư trú của bản thân và được cấp giấy tờ xác nhận về cư trú theo yêu cầu chính đáng của mình". Đại biểu cho rằng việc tra cứu thông tin đăng ký cư trú là quyền rất cơ bản của mọi công dân, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh bỏ cụm từ “theo yêu cầu chính đáng của mình” và viết lại khoản 3 là "được tra cứu thông tin về đăng ký cư trú của bản thân và được cấp giấy tờ xác nhận về cư trú".

Tại khoản 4 của Điều 9 dự thảo Luật đã bổ sung một số trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú. Theo đó, "công dân bị hạn chế quyền tự do cư trú tại nơi, khu vực, địa bàn có tình trạng khẩn cấp". Theo quy định của pháp luật hiện hành, tình trạng khẩn cấp được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000 v.v.. Như vậy việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải tuân thủ các quy trình theo quy định của pháp luật. Do đó, để hạn chế tình trạng áp dụng tùy nghi, đại biểu đề nghị bổ sung tại khoản 4 Điều 9 dự thảo thành nơi, khu vực, địa bàn đã được ban bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 13 quy định nơi cư trú của người chưa thành niên, đại biểu cho rằng cần quy định lại cho chặt chẽ hơn bởi trong thực tế đã xảy ra trường hợp cha, mẹ có nơi thường trú khác nhau thì đăng ký thường trú cho con ở cả 2 nơi. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh cụ thể là nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ, nếu cha, mẹ, nếu cha mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ, do cha mẹ thỏa thuận, thay cho cụm từ "người chưa thành niên thường xuyên chung sống".

Về việc thay đổi, điều chỉnh thông tin về cư trú của công dân, đại biểu cũng cho rằng khoản 3 Điều 26 quy định tại dự thảo Luật là chưa cụ thể, gây khó khăn cho công dân trong việc thông báo với cơ quan đăng ký quản lý cư trú để điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.  Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh cụ thể tại khoản 3 như sau: Trường hợp công dân có thay đổi thông tin khác so với thông tin được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú thì công dân phải báo cho công an xã, phường, thị trấn tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đại biểu nhấn mạnh sửa đổi Luật Cư trú lần này có tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân nhằm đạt được mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và cũng phù hợp với xu hướng của thế giới. Chính phủ đã ban hành 17 nghị quyết chuyên đề về việc đơn giản hóa thủ tục hành hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và theo đó có khoảng 178 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 10 luật cần được các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, luật sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2021. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có tính toán lộ trình, đảm bảo thời gian đủ dài để người dân được tiếp cận đầy đủ thông tin, am tường quy định để các giao dịch dân sự không bị xáo trộn./.

Bảo Yến