ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

25/08/2020

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh bày tỏ tán thành với nhiều nội dung mới của dự thảo Luật đồng thời lưu ý một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, bày tỏ tán thành với cách xây dựng Luật theo hướng một bộ luật về môi trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ rõ Luật này sẽ là một đạo luật chi phối toàn bộ những vấn đề về bảo vệ môi trường, những quy định về bảo vệ môi trường, toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước, của doanh nghiệp, tất cả các tổ chức và cá nhân, người trong nước và nước ngoài... liên quan đến môi trường đều phải thực hiện theo quy định của luật này. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng ghi nhận dự thảo Luật lần này đã xử lý tất cả những vấn đề liên quan tới những luật khác, xử lý chuyện chồng chéo, xung đột lẫn nhau rất tốt.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tại phiên thảo luận Tổ

Về một số nội dung cụ thể, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, Luật này đi theo hướng xác định giữa tiền kiểm, hậu kiểm và sẽ chia các dự án đầu tư theo các tiêu chí: loại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thì chủ yếu phải tiền kiểm, còn nếu không thuộc danh mục nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì sẽ áp dụng cơ chế tiền đăng, hậu kiểm tức là xác định đúng thì cứ làm sau đó kiểm tra. Từ đó, luật này đưa ra 4 dạng để giải quyết vấn đề đánh giá tác động môi trường (ĐTM): một là phải có ĐTM và không cần giấy phép đầu tư; hai là khi chuẩn bị đầu tư có ĐTM nhưng sau này khi triển khai dự án phải có giấy phép đầu tư; ba là khi chuẩn bị dự án không cần ĐTM nhưng khi triển khai thì phải có giấy phép đầu tư; bốn là không cần cả ĐTM lẫn giấy phép đầu từ, tức là không ảnh hưởng đến môi trường. Đại biểu cho rằng cách phân chia này rất tiện lợi, nếu làm được thì cực kỳ minh bạch, rất hay và danh mục này sẽ điều chỉnh từng bước theo khoa học kỹ thuật, tùy tình hình môi trường của đất nước, tùy tình hình tài nguyên. Song đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn nếu không minh bạch sẽ có chuyện lẽ ra dự án này phải có ĐTM thì lại xếp vào loại không cần và nếu không quy định minh bạch và chi tiết có nguy cơ chạy dự án, nói là dự án của tôi không gây ô nhiễm.

Về trách nhiệm của các cơ quan, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường giúp Chính phủ đóng vai trò chủ trì trong việc quản lý, ngoài ra một số điều khoản thì phân cấp về cho các địa phương và các Bộ, tức là dự án cấp Bộ thì các Bộ cứ thế mà cấp, Bộ Tài nguyên Môi trường không ôm việc này. Về nội dung này, đại biểu bày tỏ lo ngại nếu dự án thuộc ở cấp địa phương 63 tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp và chịu trách nhiệm trước pháp luật là không vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, và các Bộ cấp dự án cũng bảo đảm không vi phạm thì cách làm này có cái hay nhưng thực tiễn diễn ra từ 20 năm nay vi phạm rất nhiều. Thực tế những dự án đầu tư ảnh hưởng đến môi trường rất nhiều. Đại biểu đặt vấn đề có nên quy định một chủ thể nào giám sát lại bởi trong tình hình làn sóng đầu tư lên và một số tỉnh thành có những dự án ra đời tác động, gây thiệt hại rất lớn nên khi phân cấp về cho các Ủy ban nhân dân địa phương và các Bộ xét duyệt các dự án, yếu tố bảo vệ môi trường của các dự án thì phải có cách để có thể ngăn chặn và thổi còi kịp thời những dự án ảnh hưởng môi trường.

Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ tán thành với dự thảo Luật khi quy định bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Đại biểu cho biết, hiện nay có Luật Đa dạng sinh học, Luật Di sản, Luật Đô thị nhưng tích hợp bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học vào đây để khi xét duyệt các dự án đầu tư và các hoạt động kinh tế thì phải lấy những vấn đề này ra để xem xét. Bên cạnh đó một số nhận thức mới như vấn đề sức khỏe môi trường nhiều quy định khắc phục được những sơ hở, những chỗ còn trống của Luật hiện hành.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm về phạm vi áp dụng. Theo đó, nói luật này áp dụng trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời, nhưng chữ lãnh thổ Việt Nam là đã thu hẹp vùng biển, vùng trời. Đại biểu đề nghị sửa lại quy định theo hướng: Luật này áp dụng trên phạm vi của đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không dùng chữ “lãnh thổ”. Bởi vì vùng biển này được gọi là vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong vùng biển này có khúc là lãnh thổ gồm các đảo và phần lãnh hải, có khúc không phải là lãnh thổ nhưng vẫn là vùng biển của nước Cộng hòa chủ nghĩa Việt Nam thì vẫn được áp dụn như vùng đặc quyền kinh tế./.

Bảo Yến