ĐBQH TẠ VĂN HẠ: QUỐC PHÒNG, AN NINH CẦN GẮN VỚI NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ SỐ

24/08/2020

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, đại biểu Tạ Văn Hạ - đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đề nghị Đảng và Quốc hội khẩn trương ra nghị quyết riêng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh gắn với nền tảng công nghệ số.

Phát biểu trước Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020, đại biểu Tạ Văn Hạ cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đồng thời đại biểu nêu thêm 2 kiến nghị cụ thể như sau:

Thứ nhất, đại biểu nhận định, đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất là sau đại dịch Covid-19 thì xu hướng số hóa nền kinh tế và các hoạt động xã hội đang bùng nổ và trỗi dậy mạnh mẽ, có ảnh hưởng và diễn tiến sâu sắc ở nhiều nước với tốc độ nhanh chóng. Ở Việt Nam, nền tảng số cũng đang trở thành một trong những thành phần chính đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội ở hiện tại và trong tương lai.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu trước Quốc hội.

Tuy nhiên theo đại biểu Tạ Văn Hạ, hiện nay nước ta vẫn đang áp dụng hệ thống pháp luật cũ cho những hình thái kinh tế - xã hội mới. Công nghệ nước ta đang chuyển dịch sang nền công nghệ số, nền tảng online nhưng lại chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ, hoàn thiện và rủi ro cao. Nhiều mô hình kinh doanh mới ra đời nhưng vẫn áp dụng phương pháp quản lý hành chính cũ, lạc hậu và không phù hợp. Tuy nhiên, trong kịch bản phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hậu Covid-19 mà Chính phủ đưa ra chưa chú trọng đúng mức với vấn đề này. "Nếu không kịp thời nắm bắt và tận dụng cơ hội, Việt Nam sẽ lại tụt hậu", đại biểu Tạ Văn Hạ cảnh báo. Từ lý do đó, đại biểu đề nghị Đảng và Quốc hội khẩn trương ra nghị quyết riêng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh gắn với nền tảng công nghệ số.

Vấn đề thứ hai mà đại biểu Tạ Văn Hạ đề cập tới, đó là trong quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã xác định có 40 trục kết nối chính hướng Đông Bắc - Tây Nam, hai trục kết nối chính hướng Tây Bắc - Đông Nam và 9 trục giao thông đường thủy. Trong đó, có 2 trục đường cao tốc, Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu có vai trò là các trục xương sống của toàn vùng. Hiện nay, trục Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau đã và đang được đầu tư xây dựng. Đối với Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, tại Quyết định số 68 ngày 15/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định hoàn thiện và xây mới tuyến đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu để làm động lực chính, phát triển lan tỏa đến các vùng, tiểu vùng. Đây cũng nằm trong ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật khung kết nối với quốc tế, quốc gia và giữa các tiểu vùng.

“Hôm nay, tại diễn đàn này, tôi xin phản ánh nguyện vọng tha thiết của cử tri Bạc Liêu và cử tri bán đảo Cà Mau. Kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên sắp xếp dự án này là dự án quan trọng, cấp bách và bố trí đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, nhằm sớm làm thức tỉnh tiềm năng và phát triển vùng đất cực Nam của Tổ quốc”, đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

Hồ Hương