ĐBQH HÀ THỊ LAN: GIÁ ĐIỆN SINH HOẠT CẦN PHÙ HỢP VỚI MỨC SỐNG CỦA HỘ NGHÈO, GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

31/08/2020

Góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ và các phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, đại biểu Hà Thị Lan- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng: Việc áp dụng giá điện sinh hoạt cần điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế cũng như nâng cao mức sống cho các đối tượng hộ nghèo, hộp cận nghèo, gia đình chính sách xã hội.

Thực hiện Công văn số 5686/BCT-ĐTĐL ngày 05/8/2020 của Bộ Công thương về việc lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ và các phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, đại biểu Hà Thị Lan- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang vừa có ý kiến đối với vấn đề này. Theo đó, việc áp dụng giá điện sinh hoạt cần điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế cũng như nâng cao mức sống cho các đối tượng hộ nghèo, hộp cận nghèo, gia đình chính sách xã hội.

Đối với hộ nghèo: Khoảng cách giữa các bậc thang về KW điện hỗ trợ nên tăng lên từ 30 kWh lên 50 kWh, dưới 100.000/tháng, Theo đó, cần xây dựng cách tính mới và bậc thang mới. Đề xuất trong dự thảo là 100 kWh, đại biểu Hà Thị Lan đề nghị nâng lên 150 kWh/tháng.


Đại biểu Hà Thị Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Đại biểu Hà Thị Lan cho biết, qua nắm bắt tình hình đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người dân sống ở vùng nông thôn cho thấy: Do chính sách hỗ trợ tiền điện như vậy nên nhiều gia đình sẽ gặp khó khăn trong quá trình sử dụng trong sinh hoạt tối thiểu của gia đình như: Quạt, tivi, bóng thắp sáng, máy bơm nước, tủ lạnh… Ví dụ, chỉ tính riêng nồi cơm điện 500W dùng 2 giờ tiêu thụ 1 KW, công suất 750W dùng 1,3 giờ tiêu thụ 1 KWh, khi khởi động đã mất 5-6 phút là khoảng từ 12-15 số/tháng, chưa kể các nhu cầu sử dụng thiết yếu khác như quạt, bóng thắp sáng, bóng điện học tập cho con em... Vì vậy nếu gia đình hộ nghèo, cận nghèo, mà sử dụng trên 100 kWh mà không được hỗ trợ như dự thảo quy định thì sẽ không phù hợp, gây khó khăn cho người dân, vì nhu cầu sử dụng cao hơn mức hỗ trợ, đồng thời cũng không nâng cao mức sống của người dân.

Hơn nữa hiện nay thực tế một phần lớn người dân cũng như tại vùng dân tộc thiểu số, điện sinh hoạt thường sử dụng vào phục vụ sản xuất Nông nghiệp (bơm nước tưới cây, phục vụ vườn, chăn nuôi…). Do đó, theo đại biểu Hà Thị Lan, cần nâng cao mức hỗ trợ cho các đối tượng này. Bên cạnh đó, đa số theo truyền thống gia đình thường 2-3 thế hệ ở cùng nhau, tỉ lệ từ 4,0-4,5 gia đình chung sống nên nhu cầu sử dụng tiêu thụ điện sẽ tăng nhiều hơn so với mức được hỗ trợ, điều đó sẽ càng khó khăn. Mặt khác, nếu để cách tính hỗ trợ như hiện nay sẽ tạo ra một số gia đình hộ nghèo khó khăn, hộ chính sách họ sẽ phải tách hộ, tách công tơ để hưởng trợ giá điện, gây ảnh hưởng đến vấn đề quản lý nhà nước.

Đối tượng Chính Sách xã hội hỗ trợ: Các hộ chính sách mà sử dụng trên 50Kwh  không được hỗ trợ như dự thảo quy định thì sẽ không phù hợp, gây khó khăn cho người dân, vì nhu cầu sử dụng cao hơn mức hỗ trợ, đồng thời cũng không nâng cao mức sống của người dân. Vì vậy, đại biểu Hà Thị Lan đề nghị nâng lên mức sử dụng 80 KW, cứ sử dụng dưới 80 kWh theo giá bậc 1(trung bình mỗi ngày sử dụng 2,5-2,8 số/ngày). Nếu mức 50 kWh như dự thảo là chưa phù hợp, vì đối tượng này hiện nay cũng không còn nhiều.

Lựa chọn phương án 2A, đại biểu Hà Thị Lan nêu quan điểm cần xây dựng bậc thang mới cho phù hợp với tình hình thực tế đa số người dân thu nhập ở mức nghèo, cận nghèo và trung bình là khoảng 18.000.000 khách hàng như hiện nay và có phương án để khách hàng tự lựa chọn như sau:

Bậc 1  0-150 kWh
Bậc 2 151-300 kWh
Bậc 3 301-500 kWh
Bậc 4 501-700 kWh
Bậc 5 701 kWh trở đi

Lại Cậy