ĐBQH TÔ VĂN TÁM GÓP Ý VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

17/09/2020

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đóng góp ý kiến vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tại Kỳ họp, đại biểu Tô Văn Tám khẳng định: Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về phát triển vùng miền núi, Chính phủ đã đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là chương trình không chỉ nhằm phát triển kinh tế - xã hội mà còn tích hợp hơn 100 chính sách dân tộc đã và đang được ban hành và triển khai thực hiện. Bởi vậy, nó không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chương trình xác định rõ đối tượng hưởng thụ là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hộ gia đình, cá nhân, người dân tộc Kinh thuộc diện nghèo, cận nghèo, sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Xác định phạm vi, đối tượng như vậy là đúng đắn và cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu Tô Văn Tám tán thành với Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc cho rằng, Chính phủ chưa ban hành bộ tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển, đảm bảo toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác để làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn ưu tiên cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở xác định phạm vi, đối tượng cụ thể của chương trình như yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng như cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa chương trình này với 2 chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững.

Về mục tiêu của Chương trình đã cơ bản bám sát các mục tiêu của Nghị quyết 88 của Quốc hội để cụ thể hóa nhằm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo đại biểu Tô Văn Tám, cần lưu ý rằng, các dịch vụ xã hội cơ bản mà đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận còn thấp so với bình quân chung của cả nước. Vẫn còn 21% người trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Tỷ lệ sử dụng bảo hiểm y tế mới đạt 44,8%. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người đồng bào dân tộc thiểu số trong các cơ quan nhà nước các cấp có xu hướng giảm. Bởi vậy, mục tiêu tổng quát của chương trình không chỉ đặt ra vấn đề thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập mà cần quan tâm, thu hẹp cả khoảng cách về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản so với cả nước.


Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum.

Mặt khác, mặc dù đã bám sát các mục tiêu của Nghị quyết 88 nhưng một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của chương trình chưa thể hiện rõ các mục tiêu cụ thể trong Nghị quyết 88. Hiện tại, còn có khoảng 82.900 hộ thiếu đất hoặc không có đất sản xuất nhưng do quỹ đất thiếu hoặc không có nên các địa phương chưa thể bố trí đất sản xuất. Theo báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, còn có 422.195 hộ cần hỗ trợ đất sản xuất. Nghị quyết 88 xác định đến năm 2025 giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất nhưng mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của chương trình chưa thấy xác định vấn đề đất ở. Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, đây phải là một mục tiêu cần ưu tiên thực hiện.

Cũng tại Nghị quyết 88 đã xác định chỉ tiêu đến năm 2025 là quy hoạch sắp xếp, di dời bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán rải rác trong các rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở nhưng trong chương trình chưa xác định chỉ tiêu vùng này cho giai đoạn 2021-2025 mà đặt ra ở giai đoạn định hướng đến năm 2030. Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng như thế là chưa phù hợp và chỉ tiêu này cần phải được ưu tiên ở giai đoạn 2020-2025. Chương trình cũng đã xác định chỉ tiêu đến năm 2025 sắp xếp ổn định cho hơn 12.000 hộ dân tộc thiểu số chưa ổn định thuộc diện di cư tự phát diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước. Vấn đề là riêng vùng Tây Nguyên hiện còn 24.500 hộ dân tộc thiểu số di cư đến nhiều năm nay nhưng chưa được sắp xếp tái định canh định cư. Vì vậy, cần làm rõ 12.000 hộ được sắp xếp ổn định này là cho Tây Nguyên hay là cho cả các vùng khác trong cả nước? Nếu cho tất cả các vùng thì số tồn lại cho giai đoạn 2026-2030 sẽ là rất lớn.

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Chính phủ rà soát lại, cân nhắc điều chỉnh lại các chỉ tiêu của giai đoạn 2020-2025 cho phù hợp với các chỉ tiêu được đã được xác định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội để đảm bảo tính thống nhất giữa Nghị quyết 88 với chương trình với tính cách là một chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội. Chương trình được chuẩn bị khá công phu, nhưng tôi cho rằng chương trình cần tập trung giải quyết 3 vấn đề quan trọng để thực hiện đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi rốn nghèo, đó là:

Thứ nhất, giải quyết đất sản xuất một cách thật sự, nghĩa là không chỉ đủ với diện tích mà đất phải đảm bảo đủ điều kiện để sản xuất, không cằn cỗi, không bị rửa trôi, sạt lở, xói mòn. Đồng thời, thực hiện tốt vấn đề định cư, vì "có an cư mới lạc nghiệp".

Thứ hai, tập trung tạo các nguồn lực cho sản xuất có hiệu quả và hưởng lợi từ hiệu quả sản xuất như tiến bộ kỹ thuật, kỹ năng canh tác, gắn kết thị trường tiêu thụ để đồng bào thực sự tham gia vào chuỗi giá trị.

Thứ ba, đầu tư và có cơ chế, giải pháp để đảm bảo đồng bào được hưởng lợi từ rừng, sớm thoát nghèo vươn lên từ nguồn lợi của rừng.

Về áp dụng các cơ chế đặc thù, chương trình đã xác định 3 nội dung xin Quốc hội được áp dụng cơ chế đặc thù. Trong đó nội dung thứ 3 là tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở và của người dân. Đây không phải là cơ chế đặc thù, bởi việc tăng cường giám sát là trách nhiệm của Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức chính trị xã hội khi chương trình được triển khai thực hiện. Vậy nên, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị thay bằng một cơ chế đặc thù, đó là trong huy động và sử dụng nguồn nhân lực thực hiện các dự án của chương trình, bởi một số quy định của pháp luật về việc sử dụng nguồn nhân lực có những vấn đề có thể không phù hợp với vùng miền núi. Ví dụ, như đơn giá nhân công xây dựng quy định tại Thông tư 15 ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng nếu áp dụng cho các dự án ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì rất khó huy động nhân công để thực hiện.

Về tổng mức vốn đầu tư, cần phải xác định rằng phải chuyển từ tư duy hỗ trợ sang tư duy đảm bảo đầu tư và nguồn vốn phải được đảm bảo chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Đó cũng là tình cảm, trách nhiệm đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chươngtrình xác định tổng mức vốn cho giai đoạn 2021-2025 là hơn 137.664 tỷ đồng. Như vậy, bình quân 5 năm giai đoạn này khoảng trên 27.530 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là hơn 134.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm trên 26.000 tỷ đồng. Đây là mức vốn tối thiểu hay mức vốn tối đa, như thế đã đảm bảo thực hiện các mục tiêu hay chưa. Các cơ sở để xác định đề xuất nguồn vốn như thế nào chưa được làm rõ./.

Bích Lan