ĐBQH NGUYỄN TẠO CHẤT VẤN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VẤN ĐỀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

04/09/2020

Trước những tồn tại, bất cập trong vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt gây ra ô nhiễm môi trường hiện nay, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Ô nhiễm môi trường từ rác thải rắn sinh hoạt đang là vấn đề nan giải

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ rác thải rắn sinh hoạt

Phố Đội Cấn - quận Ba Đình - Tp.Hà Nội, rác thải chất thành đống, bốc mùi hôi thối ngay tại đầu ngõ sát lòng đường, trước cửa nhà dân. Những bãi tập kết rác lưu động với xe rác và thùng rác lớn nhỏ để ngổn ngang, thường xuyên hiện hữu nơi ngõ phố vốn đã chật hẹp này. Lượng rác thải dồn hết về đây, không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực mà còn gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ông Lê Văn Tuấn, cư trú tại ngõ 209 Đội Cấn, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Tp. Hà Nội cho biết: “rác thường xuyên được tập kết, vứt bữa bãi ngay đầu ngõ, gây ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường xung quanh. Đã nhiều lần chúng tôi khiến nghị và rất mong phường và chính quyền sẽ giải quyết dứt điểm để không ảnh hưởng đến mỹ quan chung cũng như sức khỏe người dân,....”

Ông Lê Văn Tuấn, cư trú tại Ngõ 209 Đội Cấn, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Tp. Hà Nội 

Rác thải không chỉ tồn tại trong phố mà ngay cả vùng nông thôn, núi rác thải điện tử độc hại cũng bủa vây ruộng đồng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sức khỏe người dân. Tại địa bàn thôn Yên Thịnh, xã Bình Dương, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, bãi rác thải điện tử trong khu vực thôn đã tồn tại từ lâu. Rác thải tại khu vực này đa phần là màn hình tivi, máy tính mà hầu hết đều qua các nguồn thu gom không chính thức, là những người thu mua đồng nát, cơ sở thu gom tự phát và được tập kết về để tái chế.

Theo chia sẻ của người dân trong thôn, tình trạng này đã diễn ra từ khoảng 3 năm nay, rác thải điện tử này rất độc hại, nước ngấm xuống đồng ruộng gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, rất ô nhiễm. Chính quyền đã vào cuộc nhưng việc xử lý chưa được triệt để.

Rác đổ tràn lan, tồn đọng gây ô nhiễm môi trường tại xã Liên Phương

Ô nhiễm môi trường từ rác thải không chỉ từ những bãi tập kết rác tự phát hay hành vi đổ trộm rác thải rắn độc hại mà còn ở ngay ở những trạm trung chuyển rác thải. Tại trạm trung chuyển rác thải của xã Liên Phương, lượng rác tập kết về đây thường tồn đọng từ 2 – 4 ngày chưa được xử lý ngay đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho người dân sống gần khu vực này.

Rác thải đặc biệt là rác thải rắn sinh hoạt, rác thải nguy hại đang từng ngày từng giờ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống người dân. Vì vậy, bài toán xử lý chất thải như thế nào để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng vẫn là câu hỏi nhức nhối người dân đang mong chờ từ phía các cơ quan quản lý.

Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn

37.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh một ngày tại khu vực đô thị; 24.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh một ngày tại khu vực nông thôn; khoảng 61.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh một ngày trong phạm vi cả nước;...Những số liệu biết nói này đã phần nào phản ánh thực trạng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay. Vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang là thách thức lớn đối với môi trường, nếu không có giải pháp phù hợp thì hệ lụy từ chất thải rắn là không nhỏ.

Theo TS.Hoàng Dương Tùng, Chuyên gia về môi trường, thì sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, đặc biệt là nhu cầu cao của người dân trong tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu dẫn đến phát sinh ngày càng nhiều chất thải rắn sinh hoạt cả về số lượng, thành phần. Tuy nhiên, do việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa hiệu quả đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều nơi.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, cho rằng, mặc dù đã có những bước tiến đáng ghi nhận song công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện vẫn còn nhiều tồn tại. Phần lớn loại rác thải đang được xử lý theo phương pháp thủ công bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Việc xử lý bằng chôn lấp thường không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, các nhà máy xử lý rác thải bằng phương pháp đốt cũng đã lạc hậu, việc triển khai các nhà máy xử lý rác công nghệ tiên tiến hơn thì lại gặp quá nhiều vướng mắc.

Số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy: Các địa phương có khối lượng phát sinh lớn như TP Hồ Chí Minh (9.100 tấn), Hà Nội (6.500 tấn), Thanh Hóa (2.246 tấn), Bình Dương (1.764 tấn), Ðồng Nai (1.838 tấn)... Trong khi đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị mới đạt khoảng 85%; tại khu vực nông thôn còn thấp (trung bình từ 40 đến 55%)... Mặc dù, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 40/2019/NÐ-CP ngày 13-5-2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rất rõ trách nhiệm của chủ phát thải nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Nhưng thực tế cho thấy, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn; việc phân loại mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương.

Nhiều hạn chế trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn có diện tích ban đầu là 83,5ha với 10 ô chôn lấp. Đi vào hoạt động từ năm 1999, đây là nơi tập kết và xử lý rác thải lớn nhất Hà Nội. Hàng ngày phải tiếp nhận tới 5.000 tấn rác thải của các quận nội thành Hà Nội nên nhiều năm trở lại đây, các hố chôn lấp rác tại đây luôn phải hoạt động quá công suất.

Bãi rác Nam Sơn luôn trong tình trạng quá tải 

Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ban Đô thị, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội năm 2019, Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.500 tấn rác. Trong đó, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận phần lớn với khoảng 5.000 tấn mỗi ngày, khoảng 1.500 tấn còn lại được chuyển về bãi Xuân Sơn (Sơn Tây) và một số nhà máy đốt rác nhỏ. Dự báo năm 2020, lượng rác thải phát sinh mỗi ngày của Hà Nội lên tới 8.500 tấn.

90% lượng rác đưa về đây được xử lý bằng phương thức chôn lấp, còn lại là phương thức đốt và hầu như chưa có nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao. Đáng chú ý, cả 2 bãi rác chủ lực của thành phố Hà Nội là Nam Sơn và Xuân Sơn đều đã hoạt động quá tải. Do đó, khi một trong hai bãi rác của thành phố gặp sự cố thì tình trạng ùn ứ rác trong nội thành lại tái diễn. Không riêng gì Hà Nội, nhiều đô thị khác cũng trong tình trạng khủng hoảng chôn lấp rác.

Phương pháp chôn lấp đang được áp dụng chủ yếu tại Việt Nam, nhưng trong tổng số khoảng 904 bãi chôn lấp trên cả nước chỉ có chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh, số còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, các bãi tập kết chất thải cấp xã. Do phần lớn các bãi chôn lấp tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác; nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe, hoạt động sản xuất và cuộc sống của người dân chung quanh khu vực này. Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày một lớn tuy nhiên công tác thu gom, xử lý đang gặp nhiều vướng mắc. Phần lớn rác thải không được phân loại từ nguồn vì vậy nếu xử lý bằng chôn lấp như hiện nay để lại nhiều hệ lụy cho môi trường.

Theo Quyết định số 491/QÐ-TTg, ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050, nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, có 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom… Để đạt được mục tiêu này, vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là cần tìm kiếm, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn nói chung, chất thải rắn sinh hoạt nói riêng để đầu tư phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường của các địa phương.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Theo thống kê, hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 61.000 tấn/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp (khoảng 71%), còn lại được xử lý bằng phương pháp khác như sản xuất phân compost, thiêu đốt hoặc thiêu đốt có thu hồi năng lượng và một số công nghệ khác. Phương thức xử lý chôn lấp thường không hợp vệ sinh, tiêu tốn quỹ đất, nhiều cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được xây dựng và vận hành chưa đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí. Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu; chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; hoạt động tái chế chất thải rắn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát; phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, công nghệ lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế dẫn đến ô nhiễm chất thải rắn. Trong đó, một phần do tổ chức bộ máy về quản lý chất thải rắn còn bất cập. Việc giao thoa, chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương trong lĩnh vực chất thải rắn đã gây khó khăn trong công tác quản lý. Hệ thống cơ chế, chính sách, các quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn còn chưa hoàn thiện.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến các giải pháp cấp bách, mang tính đột phá trong công tác quản lý chất thải rắn. Đó là:

. Cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn;

. Thực hiện thống nhất quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương đối với công tác quản lý chất thải rắn;

.Xây dựng và ban hành danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến cáo áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của các địa phương;

.Xây dựng và triển khai đồng bộ công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với công nghệ xử lý tại các địa phương.

.Xây dựng kế hoạch, huy động các nguồn ngân sách và xã hội hóa để tổ chức cải tạo, xử lý các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã đóng cửa;

.Tăng cường xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn;

.Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong công tác quản lý chất thải rắn…

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp

Cơ bản đồng tình và đánh giá cao với nội dung trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ nnhững giải pháp cấp bách, mang tính đột phá trong công tác quản lý chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ đưa ra.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng

Phóng viên: Xuất phát từ thực trạng nào đại biểu lại chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Tình trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang có nhiều bất cập. Nhiều địa phương trong cả nước vẫn đang loay hoay với bài toán xử lý chất thải rắn sinh hoạt sao cho đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Lượng chất thải rắn tại các đô thị lớn và cả khu vực nông thôn ngày càng lớn. Tuy nhiên, công tác thu gom, xử lý đang gặp nhiều khó khăn. Việc xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân,... Xuất phát từ thực tế hiện nay cũng như kiến nghị, phán ánh của cử tri, tôi đã có phiếu chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn và những giải pháp để xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Phóng viên: Ngay sau khi nhận được văn bản chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản trả lời chất vấn. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời tại văn bản?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Tôi cơ bản đồng tình và nhất trí cao với nội dung trả lời chất vấn tại văn bản của Thủ tướng Chính phủ. Văn bản trả lời đã nêu rõ thực trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay, những tồn tại vướng mắc và cả những giải pháp tổng thể để tháo gỡ trong thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các giải pháp cấp bách như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn; thống nhất quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương đối với công tác quản lý chất thải rắn; ban hành danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến cáo áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của các địa phương;....Những số liệu cũng như giải pháp Thủ tướng Chính phủ nêu ra cũng như những giải pháp đã thực hiện và đang triển khai cho thấy sự sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong việc giải quyết những tồn đọng của việc xử lý chất thải. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ đặc biệt là việc xử lý chất thải làm sao đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường là một vấn đề thách thức hiện nay.

Phóng viên: Những tồn tại, hạn chế trong việc phân loại, xử lý chất thải rắn hiện nay là gì, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Hiện nay lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra ngày càng nhiều. Tuy nhiên, các trạm trung chuyển, nhà máy xử lý rác hiện nay lại lạc hậu, quá công suất dẫn đến tồn đọng rác, lưu cữu gây ô nhiễm cho khu vực xung quanh. Với phương pháp xử lý rác chủ yếu bằng hình thức chôn lấp như hiện nay thường không hợp vệ sinh,  rất ô nhiễm mà quỹ đất cũng hạn hẹp;... Bên cạnh đó, việc chồng chéo, giao thoa về chức năng quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương trong lĩnh vực chất thải rắn cũng đang gây khó khăn trong công tác quản lý. Hệ thống cơ chế, chính sách, các quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn cũng chưa thực sự hoàn thiện. ..... Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu; chất thải hầu hết chưa được thực hiện phân loại tại nguồn; hoạt động tái chế chất thải rắn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát.

Vấn đề đặt ra cần làm rõ câu hỏi “Thu gom rác thế nào? Rác sẽ đưa đi đâu? Công tác xử lý rác ra sao?”. Bên cạnh đó, việc lựa chọn công nghệ xử lý rác cũng vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo xử lý hiệu quả, tránh gây ô nhiễm. Xử lý chất thải rắn sinh hoạt là thách thức lớn đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, vì vậy không chỉ sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành mà rất cần sự đồng hành, ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân tại cơ sở, nơi mình sinh sống.  

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Pháp luật Việt Nam quy định, quyền môi trường được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, tại Điều 43 “Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Vì vậy, mong muốn của người dân về môi trường xanh sạch đẹp là hoàn toàn chính đáng. Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để xử lý vấn nạn rác thải đặc biệt là rác thải rắn sinh hoạt tuy nhiên thách thức, khó khăn vẫn hiện hữu. Do dó, đòi hỏi sự chung tay và ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng./.

Lê Anh