ĐBQH BÙI SỸ LƠI: TẬP TRUNG NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN GIẢM NGHÈO VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ

28/09/2020

Những năm qua, chủ trương giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của người dân. Song thực tế cũng cho thấy, những thành quả của công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng dân tộc thiểu số luôn song hành với những khó khăn, thách thức.

Vũng dân tộc thiểu số là “lõi nghèo” của cả nước

Gia đình chị Nguyễn Thị Mười vươn lên nhờ nguồn vốn vay giảm nghèo

Trước năm 2017, gia đình chị Nguyễn Thị Mười thuộc diện hộ nghèo của xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Thông qua hội phụ nữ, gia đình chị đã nhanh chóng tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi hơn 30 triệu đồng từ các nguồn vốn vay giảm nghèo, nhờ đó gia đình chị có cơ hội đẩy mạnh tăng gia sản xuất và nhanh chóng vươn lên thoát nghèo. Điều kiện sống của gia đình chị ngày một cải thiện.

Những năm qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Cà Mau tập trung tuyên truyền sâu rộng về chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đồng thời tích cực vận động phụ nữ tham gia phát triển kinh tế gia đình. Nhiều mô hình giảm nghèo thiết thực được đẩy mạnh như nhóm phụ nữ tiết kiệm, hùn vốn giúp đỡ lẫn nhau xoay vòng đồng vốn. Đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã thành lập và duy trì gần 6.200 tổ tiết kiệm với trên 102.000 thành viên tham gia, giúp cho trên 30.000 hội viên có thêm nguồn vốn tăng gia sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cà Mau cho rằng, sự vào cuộc có trách nhiệm của chị em phụ nữ có tác động rất lớn đối với sự phát triển của từng gia đình, địa phương và ngày càng khẳng định vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện nay. Vì vậy, các cấp hội phụ nữ thường xuyên nắm và phân tích số liệu về hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để có phương án giúp đỡ cụ thể đối với từng hộ gia đình với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Chuyện giúp hộ nghèo thoát nghèo, giúp ấp nghèo, xã nghèo vươn lên đã trở thành công việc chung không chỉ các cấp hội phụ nữ mà của cả hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau trong nhiều năm qua, nhờ đó đã có những kết quả tích cực. Nếu như năm 2011, tỉnh Cà Mau có 35.451 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ tới 12,14%, thì đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,52%, bình quân giảm trên 1,8%/năm, đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 1,5%/năm.

Ông Thân Đức Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, dù đạt kết quả tích cực nhưng công tác giảm nghèo của địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi hiện nay toàn tỉnh vẫn còn gần 14.000 hộ nghèo và cận nghèo. Đa phần số hộ nghèo thuộc diện thiếu đất sản xuất, hộ đông khẩu nhưng ít lao động chính. Đặc biệt, hộ nghèo thuộc diện đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 16,36% trong số số hộ nghèo toàn tỉnh (tương đương còn 1.260 hộ).

Không chỉ Cà Mau có số hộ nghèo thuộc diện đồng bào dân tộc thiểu số lớn mà lâu nay vùng dân tộc thiểu số ở các địa phương trong cả nước luôn là “lõi nghèo”. Vùng dân tộc thiểu số luôn tồn tại 5 nhất đó là: Vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; tỷ lệ người nghèo cao nhất. Dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 52% tổng số hộ nghèo của cả nước. Tính đến tháng 10 năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trong tổng số hộ dân tộc thiểu số là 22,2%; 13 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%; 19 dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% - 50%.

Toàn cảnh phiên họp giám sát chuyên đề kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13

Tại phiên họp giám sát chuyên đề kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững do Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, các đại biểu cho rằng đồng bào dân tộc thiểu số phải vật lộn với công cuộc thoát nghèo trong điều kiện rất nhiều bất lợi. Bên cạnh địa hình phức tạp, hiểm trở, chia cắt, cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại rất khó khăn, sinh kế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng vốn là lĩnh vực sinh lời chậm. Bên cạnh đó lại thường xuyên phải đối diện với biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan khiến sản xuất nông lâm nghiệp càng chịu nhiều rủi ro.

Theo chỉ số rủi ro về khí hậu dài hạn do Liên hợp quốc công bố, Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai. Một trong những tác động rõ nét nhất của thiên tai chính là đối với công tác xóa đói giảm nghèo. Chỉ cần một cơn bão tàn phá là cũng có thể làm tăng tỉ lệ đói nghèo lên vài %. Năm 2019, thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 133; Hơn 1.300 nhà bị đổ, trôi; Gần 40.300 nhà bị hư hỏng và phải di dời; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị gãy, đổ.

Đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đa phần số hộ nghèo không có tư liệu sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, hiện số đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất và đất ở vẫn còn rất lớn. Theo điều tra, nhiều nhóm dân tộc ở Tây Nguyên có trên 80% số hộ thiếu đất sản xuất và 68,5% hộ dân tộc thiểu số có nhu cầu cần thêm đất sản xuất.

 Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Tình trạng trẻ em vùng dân tộc thiểu số bỏ học còn cao

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, mặt bằng giáo dục, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng cách đáng kể với người Kinh. Tình trạng trẻ em bỏ học, nhất là trẻ em người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn còn cao, tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số đi học thấp hơn mức bình quân cả nước ở mọi cấp học. Mức độ thụ hưởng dịch vụ và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp so với các nhóm dân số khác, vùng khác.

Thực tiễn công tác giảm nghèo còn chưa thật bền vững và đồng đều. Tình trạng chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Hiện thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Trong số 1,4 triệu hộ sống trong nhà đơn sơ, thì có tới 465 ngàn hộ dân tộc thiểu số đang ở nhà tạm, dột nát cần hỗ trợ (chiếm 15,3% tổng số hộ dân tộc thiểu số); trên 375 ngàn hộ dân tộc thiểu số chưa được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Tập trung phát triển nguồn lực vùng dân tộc thiểu số

Có thể thấy, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở khu vực có điều kiện tự nhiên, xã hội không thuận lợi; ít có cơ hội tiếp cận với việc làm phi nông nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề không cao, lao động thiếu việc làm còn phổ biến. Khả năng tiếp nhận chính sách hỗ trợ còn hạn chế, khó khăn về ngôn ngữ, trình độ giao tiếp. Tâm lý trông chờ, ỷ lại của người nghèo vẫn còn ở một bộ phận người dân. Việc bố trí các nguồn vốn thực hiện một số chương trình đôi khi còn chưa kịp thời, chưa tập trung để thực sự làm chuyển biến đời sống người nghèo dân tộc thiểu số. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu đánh giá như thế nào về công giảm nghèo trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi của nước ta?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Tập trung phát triển nguồn lực vùng dân tộc thiểu số

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Trước hết phải nói rằng, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và ưu tiên đầu tư cho địa bàn vùng dân tộc thiểu số. Nhiều chính sách hỗ trợ cho khu vực này nhất là các chính sách giảm nghèo nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt vệ sinh và tiếp cận thông tin. Để tạo điều kiện cho người dân tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ sản xuất, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp. Hàng nghìn công trình hạ tầng cũng đã được xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Bởi lẽ, những gì có tính chất dễ dàng, đơn giản nhất trong thực hiện mục tiêu “xóa đói” thì bước đầu chúng ta đã thực hiện thành công. Song hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn mới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững nên sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Thực tế hiện nay nghèo phần lớn tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, nhưng khu vực này điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế xã hội hết sức khó khăn đang đặt ra nhiều rào cản. Do vậy, có thể nói chúng ta đang thực hiện giảm nghèo cho vùng “lõi nghèo” của cả nước nên rất nhiều khó khăn, thách thức.

Phóng viên: Đại biểu có thể chia sẻ rõ hơn những khó khăn, thách thức trong mục tiêu giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Lõi nghèo” của cả nước hiện nay là vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mà khu vực này hiện nay tồn tại “5 nhất” trong công tác giảm nghèo nên việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính và về nguồn lực nhân lực. Ví dụ, nếu giai đoạn đầu chúng ta đầu tư một thì đến giai đoạn này chúng ta phải đầu tư đến 10 thậm chí là 100 mới có thể thực hiện được tỷ lệ giảm nghèo như giai đoạn đầu. Tuy nhiên, thách thức nhất của chúng ta hiện nay là vấn đề tài chính ngân sách. Hiện nguồn lực về tài chính cũng bắt đầu khó khăn hơn, kể cả hỗ trợ đầu tư của các tổ chức quốc tế và nguồn vốn của ngân hàng để cho vay thoát nghèo. Dịch bệnh Covid 19 đã tác động lớn đến ngân sách và gói ngân sách trong công tác giảm nghèo có xu hướng hẹp lại. Việc giải ngân vốn cũng còn chậm, không đúng kế hoạch. Ngoài ra nguồn lực về nhân lực thực hiện chương trình giảm nghèo ở vùng khó khăn này cũng đang đặt ra không ít khó khăn thách thức.

Phóng viên: Đại biểu có đề xuất kiến nghị gì để mục tiêu giảm nghèo bền vững thực sự đạt hiệu quả?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Theo tôi, muốn giảm nghèo một cách bền vững ở giai đoạn sau này thì trước tiên chúng ta phải tổng kết lại toàn bộ quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo, đặc biệt từ khi có Nghị quyết 76 của Quốc hội về giảm nghèo bền vững để chúng ta rút ra những bài học một cách căn bản và những giải pháp hết sức thiết thực. Quan trọng nhất là chúng ta phải có giải pháp làm chuyển biến nhân thức của người dân về vấn đề giảm nghèo bền vững. Bên cạnh nhà nước hỗ trợ, cộng đồng xã hội tham gia ủng hộ thì chính bản thân người nghèo phải vươn lên để tự mình quyết định những vấn đề giảm nghèo bền vững của hộ gia đình.

Giảm nghèo càng về sau càng khó khăn do hạ tầng cơ sở, điều kiện kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số hết sức khó khăn cho nên chúng ta phải tập trung nguồn lực. Chúng ta không thể giảm nghèo theo cách thức như trước đây đi theo hàng ngang mà bây giờ phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể là tập trung vào lõi nghèo để xử lý các vấn đề căn bản, căn cơ. Giảm nghèo bền vững là phải chọn đúng các yếu tố quyết định để giảm nghèo cho từng vùng. Chúng ta phải đánh giá thực trạng kinh tế xã hội của từng địa bàn để có kế hoạch triển khai cụ thể cho từng khu vực như trồng cây gì, nuôi con gì và phát triển kinh tế xã hội như thế nào cho căn cơ, phù hợp.

Vấn đề thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất cũng cần phải có những giải pháp bởi nếu không có công cụ lao động thì không thể giảm nghèo bền vững được. Và Chính phủ nên tổng kết đánh giá lại tình hình đất ở, đất sản xuất của các hộ nghèo hiện nay để có giải pháp thu hút nguồn lực đất đai. Điều tiết phân bổ lại, cân đối lại đất đai trên cơ sở sử dụng đất đai có hiệu quả để hộ nghèo, hộ hộ cận nghèo có đất sản xuất, tự thoát nghèo bền vững.

Giảm nghèo bền vững không thể không tập trung sức mạnh tổng hợp. Chúng ta phải tập trung sức mạnh của cả hệ thống chính trị để giải quyết dứt điểm không chỉ về vấn đề tài chính mà cả vấn đề về năng lực trình độ cán bộ, nguồn nhân lực. Nếu cán bộ không giỏi, không điều hành tốt thì chúng ta cũng sẽ lãng phí nguồn lực và hiệu quả trong đầu tư không cao.

Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng phải đồng bộ, gắn bó chặt chẽ với nhau, cụ thể như chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tập trung nguồn lực đồng bộ để giải quyết một cách căn cơ. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là ưu tiên đầu tư cho khu vực miền núi, chăm lo nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số - không để ai bị bỏ lại phía sau cho nên càng về sau này thì chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cần phải tập trung có nguồn lực, có nhân lực và phải tập trung dứt điểm cuốn chiếu từng vấn đề, giải quyết từng nút thắt một và không nên phân bổ nguồn lực một cách dàn trải.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Như vậy, để công tác giảm nghèo thực sự hiệu quả, bền vững cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và có mục tiêu, kế hoạch sử dụng phù hợp đội ngũ cán bộ qua đào tạo là chìa khóa thành công trong việc giải quyết vấn đề nghèo đói theo hướng bền vững ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chính sách kết hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ về y tế, điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách bảo hiểm y tế để bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi./.

 

 

 

Lê Phương