ĐBQH NGUYỄN BÁ SƠN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NN & PTNT VỀ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI MÔI TRƯỜNG

12/10/2020

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng, về những giải pháp để ngành nông nghiệp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Sơn ngày 26/5/2020. Đại biểu Nguyễn Bá Sơn phản ánh, Nông nghiệp nước ta hiện nay đang có nhiều rủi ro với biến đổi khí hậu bên cạnh rủi ro về thị trường, đó là thách thức kép. "Trước thực trạng xâm nhập mặn ngày càng trầm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng đã có những giải pháp nào để ngành nông nghiệp ứng phó với thách thức này?", đại biểu Nguyễn Bá Sơn nêu chất vấn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Sơn, ngày 16/6/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, xâm nhập mặn mùa khô năm nay ở ĐBSCL, tất cả các chỉ số đều cao hơn mùa khô năm 2015-2016 (được đánh giá cao nhất trong lịch sử 90 năm), như: xuất hiện sớm hơn khoảng 01 tháng, tổng thời gian xâm nhập mặn dài gấp 2,0-2,5 lần, ranh mặn 4g/l ở vùng các cửa sông Cửu Long lớn nhất đến 78 km, cao hơn trung bình nhiều năm từ 30-40 km, sâu hơn năm 2015-2016 từ 3-9 km.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, để ứng phó với đợt hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức theo dõi, giám sát, dự báo tình hình nguồn nước liên tục từ tháng 6/2019 để xác định cụ thể phạm vi và mức độ ảnh hưởng của xâm nhập mặn, kịp thời cảnh báo các địa phương chuẩn bị kế hoạch ứng phó và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện sớm, quyết liệt các giải pháp ứng phó phù hợp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức thực hiện một số giải pháp chính như sau: Chỉ đạo tổ chức xuống giống vụ Đông - Xuân năm 2019-2020 sớm hơn so với thời vụ các năm trước từ 10 đến 20 ngày để bảo đảm né thời điểm xâm nhập mặn lên cao; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng do Bộ quản lý vượt kế hoạch từ 6-13 tháng để kịp đưa vào vận hành phòng, chống xâm nhập mặn, chủ động kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000 ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn cho 300.000 ha; phối hợp với các địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi, gôm: lắp đặt trạm bơm dã chiến, nạo vét kênh mương, đắp đập tạm, đào ao, giếng trữ nước ngọt, kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ người dân mua thiết bị lọc, trữ nước, vận chuyển nước cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ ngay sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ưu tiên vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 tổng cộng khoảng 28.200 tỷ đồng cho vùng ĐBSCL, chiếm khoảng 29% tổng nguồn vốn do Bộ quản lý; các dự án này đã góp phần tích cực trong việc kiểm soát xâm nhập mặn, cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Kết quả thực hiện các giải pháp trên, mặc dù xâm nhập mặn ở mức nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016, nhưng tổng thiệt hại đối với lúa là 58.400 ha, bằng 14,4 % so tổng thiệt hại năm 2015-2016 (tổng diện tích bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016 là 405.000 ha), cây ăn trái chỉ có 6.650 ha (chiếm khoảng 1,8% diện tích canh tác) bị ảnh hưởng, trong đó có 355 ha bị thiệt hại từ 70% trở lên. Số hộ thiếu nước sinh hoạt ở thời điểm cao nhất (tháng 3/2020) tổng cộng khoảng 96.000 hộ (430.000 dân), giảm khoảng 114.000 hộ (tương đương 54%) so với năm 2015-2016 (210.000 hộ).

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Quyết định số 324/QD-TTg ngày 02/03/2020); Đề án “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đối, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long” (Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 12/5/2020). Trong đó, sẽ tăng cường thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Hồ Hương