GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: QUY ĐỊNH RÕ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ CƠ SỞ

12/10/2020

Trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, kiện toàn, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối; bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Theo dự kiến, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10. Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 06 chương, 36 điều. Dự thảo Luật quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ phối hợp, xây dựng lực lượng, bồi dưỡng, hỗ trợ, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp xung quanh một số nội dung của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Chủ trương xây dựng lực lượng Công an xã chính quy, điều đó làm phát sinh thực tế là có 126.084 Công an bán chuyên trách đang dôi dư và phải bố trí tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã. Dự thảo luật ra đời sẽ kịp thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng này tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.

Trên thực tế, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tác động đến quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, xây dựng Luật vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng, vừa bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp là rất cần thiết.

Ngoài ra, việc ban hành luật cũng góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và của Bộ Công an, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong toàn quốc đã được củng cố, kiện toàn. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách cũng như phải huy động được quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để giữ vững an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở, giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự.

Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu tính chất, phạm vi, chức năng của lực lượng này trong việc tham gia phối hợp với lực lượng công an xã chính quy cần được hiểu như thế nào để tránh chồng chéo?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Đây là lực lượng tự nguyện làm nhiệm vụ tham gia phối hợp với lực lượng công an xã chính quy giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở nên tính chất, phạm vi, chức năng hoạt động của lực lượng này là không tác chiến độc lập mà chỉ làm nhiệm vụ khi có yêu cầu phối hợp của các đơn vị, tổ chức có thẩm quyền khác. Lực lượng này chỉ thực hiện trong phạm vi khóm, ấp, thôn, bản để giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy và các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Uỷ ban nhân dân cấp xã, mà cụ thể là công an phường, xã, chứ không thể tự hành động mà không có ý kiến của lực lượng công an cơ sở hoặc của Uỷ ban nhân dân cấp xã. Như vậy, sẽ không chồng chéo và cũng không có lạm quyền.

Phóng viên: Việc hình thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở đặt trong điều kiện tình hình mới cần lưu ý gì thưa đại biểu?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Cần phải hiểu rõ, đây chỉ là lực lượng tự nguyện của người dân thành lập phục vụ cho dân tham gia phối hợp với các lực lượng chính quy, đơn vị, tổ chức trên địa bàn nhằm hỗ trợ việc giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở. Vì vậy, các quy định về thẩm quyền cho lực lượng này cần minh bạch rõ ràng, tránh trường hợp lạm quyền, vi phạm quyền công dân, quấy nhiễu nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ; chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cơ sở và hướng dẫn chuyên môn của cơ quan công an.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh