GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TỶ LỆ THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH CÒN THẤP

28/10/2020

Cơ bản đồng tình với báo cáo công tác của Chính phủ, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, công tác phòng ngừa, chống tội phạm; vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2020, đạt nhiều kết quả tích cực.

Sáng ngày 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến về về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Bên lề hành lang Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về công tác này thời gian vừa qua:

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về kết quả công tác phòng ngừa, chống tội phạm; vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2020 của Chính phủ?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội, nhưng trong năm 2020, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Không những vậy còn  đạt và vượt nhiều chỉ tiêu của Quốc hội về công tác tư pháp, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt kết quả tích cực; công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự tiếp tục được tăng cường; công tác giải quyết, xét xử các loại án đạt nhiều kết quả tốt, nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2019. Kết quả này đã tạo tiền đề quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được thì đâu là những tồn tại, vướng mắc cần khắc phục trong công tác phòng ngừa, chống tội phạm; vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2020, thưa đại biểu?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì công tác phòng ngừa, chống tội phạm; vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2020 vẫn còn một số vướng mắc, tồn tại cần tiếp tục khắc phục. Mặc dù tình hình chung vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng, như: hiếp dâm tăng 13,51% (trong đó hiếp dâm trẻ em tăng 30,38%); gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%; chống lại lực lượng Công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 260%. Ngoài ra, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm, vi phạm pháp luật về chức vụ, tham nhũng. Trong công tác điều tra xử lý tội phạm, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn có vi phạm.

Phóng viên: Một trong những tồn tại được chỉ rõ là tỷ lệ thi hành án hành chính còn thấp. Vậy theo quan điểm của đại biểu đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Hiện tỷ lệ thi hành án hành chính còn thấp. Cụ thể: trong công tác thi hành án hành chính, tỷ lệ thi hành án đạt thấp (43,73%), số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng. Đáng lưu ý phần lớn các bản án hành chính chậm được thi hành thì người phải thi hành án lại là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thi hành án hành chính còn thấp, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân rất đến tồn tại này. Trong đó phải kể đến, việc xác định được án hành chính đó có thi hành được hay không cũng là vấn đề gặp vướng mắc. Một lý do khác là liên quan đến việc đôn đốc thi hành án hành chính chưa thực sự quyết liệt dẫn đến những tồn tại, chậm trễ. Ngoài ra, còn do khó khăn trong việc triệu tập người bị kiện (là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân) tham gia tố tụng tại Tòa án; một nguyên nhân khác là số lượng Thẩm phán của Tòa án hiện nay rất thiếu so với khối lượng công việc phải đảm trách.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, chống tội phạm; vi phạm pháp luật và công tác thi hành án, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng kiến nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng tiếp tục kiên trì, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu và chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân;…/.

 

Lê Anh