ĐBQH ĐINH CÔNG SỸ: TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT, TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC VIỄN THÔNG, TIN HỌC

28/10/2020

Thảo luận trực tuyến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về báo cáo của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2020, đại biểu Đinh Công Sỹ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La chỉ rõ phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông và tin học đang tăng lên và diễn ra tràn lan, chưa được ngăn chặn hiệu quả. Đại biểu đề nghị cần có thêm đánh giá và tăng cường giải pháp giải quyết nhóm vi phạm này.

Chưa xử lý tận gốc đối với vi phạm trong lĩnh vực viễn thông, tin học

Phát biểu từ điểm cầu Nhà Quốc hội, đại biểu Đinh Công Sỹ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La phản ánh thực trạng xử lý cũng như kiến nghị xem xét, bổ sung về một số nhóm vi phạm pháp luật.

Đại biểu Đinh Công Sỹ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La

Đại biểu nêu rõ, về nhóm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin và mạng viễn thông. Qua theo dõi, nhận thấy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội thì vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực này vẫn đang tăng lên. Theo Báo cáo số 483 của Chính phủ nhận định: “Tội phạm trong lĩnh vực này diễn biến ngày càng phức tạp và có nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và gây thiệt hại lớn, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng, như tội đánh bạc lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng”. Trong năm nay, đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông và tin học cũng đã tăng lên 20% về số vụ, mặc dù đã có sự vào cuộc rất rốt ráo của lực lượng chức năng, nhưng có thể nói những vi phạm trong lĩnh vực này vẫn diễn ra khá tràn lan, chưa được ngăn chặn hiệu quả, diễn ra ở phạm vi và quy mô lớn hơn, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Thông qua mạng xã hội để bán hàng giả, hàng lậu, cho vay trực tuyến, đưa các thông tin thất thiệt không được kiểm chứng, các hình ảnh, clip nhảm nhí, phản cảm xuất hiện phổ biến trên các trang mạng.

Cử tri đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an trong điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng lập các trang web, Facebook, Zalo lừa đảo, trong đó, đáng lưu ý có hàng trăm vụ giả danh cả cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tài sản đã bị triệt phá.

Đáng chú ý hơn, trong những ngày cả nước đang cùng phòng, chống dịch bệnh COVID và gần đây là nhân dân miền Trung đang oằn mình chống lũ thì bên cạnh những tấm gương thiện nguyện có những kẻ mạo danh từ thiện, lợi dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và vô nhân đạo hơn là chiếm đoạt tài sản của chính cả người nhà của các nạn nhân lũ lụt, gây bức xúc trong dư luận và trong nhân dân.

Hiện tượng phản ánh không chính xác các sự kiện, các vụ việc được phát tán trực tuyến với những hình ảnh và lời bình sai lệch, dẫn dắt dư luận theo ý đồ riêng đã diễn ra khá nhiều. Trong đó, có rất nhiều hình ảnh gán ghép lời bình không đúng sự thật về sự tham gia của lực lượng công an, bộ đội và các lực lượng chức năng các địa phương tham gia phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống lũ, gây ra sự nhìn nhận chưa đúng, đánh giá thiếu khách quan của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội với các cơ quan, tổ chức và các cá nhân. Nguy hiểm hơn, các thông tin dạng này được lan truyền và chia sẻ vô cùng nhanh chóng, với nhiều lời bình luận tiêu cực, thiếu tính xây dựng, gây hoang mang trong xã hội. Đại biểu Đinh Công Sỹ cho rằng các loại hành vi này không đơn thuần là phản ánh sai, dẫn dắt người xem có nhận định sai lệch về các vấn đề, mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thậm chí là vi phạm pháp luật hình sự. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ đánh giá về tội phạm và vi phạm pháp luật cũng như các giải pháp để giảm, đấu tranh với nhóm tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực này cần phải được đề cập thêm.

Đại biểu cho rằng, cùng với những biện pháp nghiệp vụ của Bộ Công an rõ ràng là chưa đủ, không thể xử lý tận gốc được tình hình với các biện pháp xử phạt hành chính đối với vi phạm trong lĩnh vực viễn thông, tin học cũng như các loại vi phạm trên môi trường mạng điện tử. Do đó, cần được tiếp tục nghiên cứu để quy định bảo đảm tăng tính răn đe.

Đại biểu dẫn chứng thống kê trong 9 tháng qua, cả nước xử phạt hành chính 188 vụ với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng. Đại biểu cho rằng với mức xử phạt này chưa tương xứng với những hậu quả về mặt xã hội cũng như hậu quả về mặt tinh thần mà hành vi vi phạm gây ra cho cộng đồng cũng như gây cho ra cho các cá nhân. Mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe so với những lợi ích mà các cá nhân nhận được. Ngoài ra, công tác quản lý mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội vẫn còn nhiều bất cập đã được Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã chỉ ra.

Theo đại biểu Đinh Công Sỹ, cùng với các biện pháp nghiệp vụ của ngành công an, thông tin và truyền thông, về lâu, về dài cần có các giải pháp giáo dục toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa, với nhiều cách thức khác nhau như trong trường học và tuyên truyền trên các thông tin, báo chí, truyền hình, nhất là vào các giờ vàng trên Đài truyền hình quốc gia. Đồng thời, Chính phủ cần quan tâm thêm trang thiết bị và nguồn lực tốt để thực hiện các giải pháp kỹ thuật để đối phó với tính chất phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.

Đề nghị tăng mức xử phạt đối với các hành vi liên quan tới nhập cảnh trái phép

Về nhóm tội phạm pháp luật, nhóm vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, đại biểu Đinh Công Sỹ nêu rõ, báo cáo của Chính phủ cho thấy các hành vi vi phạm pháp luật, nhập cảnh trái phép, nhất là trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam đi các nước châu Âu có diễn biến phức tạp. Các hành vi vi phạm liên quan đến xuất, nhập cảnh trái phép, như xuất nhập cảnh trái phép vào nước ta để lao động, xuất, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam rồi sang nước thứ ba. Hậu quả có những hành vi vi phạm có khi rất nặng nề, thương tâm nhất là xuất, nhập cảnh trái phép liên quan tới các hoạt động mua bán người. Đặc biệt trong những ngày cả nước đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, phòng dịch COVID-19 thì các đối tượng phạm tội trong nước câu kết với người nước ngoài đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào nội địa hoặc để sang nước thứ ba, hậu quả sẽ không thể lường được nếu các đối tượng này nhiễm bệnh, lọt sâu vào nội địa, gặp gỡ nhiều người.

Đại biểu cho biết cử tri rất hoan nghênh các cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Điển hình như vụ bắt giữ 28 người nhập cảnh vào thành phố Hồ Chí Minh, 100 người vào Đà Nẵng. Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống các vi phạm trong lĩnh vực này của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý người nước ngoài cư trú trên địa bàn, có vụ việc người nước ngoài cư trú trái phép trong thời gian dài mới được phát hiện. Xuất hiện nhiều đường dây đưa người nước ngoài vào nước ta trái phép để thu lợi bất chính.

Đại biểu lưu ý dù đây không phải là vấn đề mới nhưng trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra vô cùng phức tạp hiện nay trong khu vực và trên thế giới, kiến nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể, có các giải pháp khắc phục tình trạng này, trong đó có đánh giá về tính tương xứng về mức xử phạt hành chính hiện nay đối với các hành vi liên quan tới nhập cảnh trái phép.

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã tăng mức xử phạt tối đa lên 40 triệu đồng, đại biểu kiến nghị các cơ quan tư pháp cần có ý kiến thêm về tính phù hợp của mức xử phạt này so với hậu quả hành vi vi phạm gây ra, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Đồng thời kiến nghị xem xét về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc phối hợp triển khai thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi người vi phạm cư trú ở địa phương theo Nghị định 167 như trong phiên thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính một số đại biểu đã nêu. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan cần tiếp tục tăng cường hoạt động nghiệp vụ phát hiện sớm, phát hiện từ xa các thủ đoạn phạm tội, đặc biệt là tăng cường tuyên truyền thông về các vụ việc đã được các cơ quan chức năng giải quyết để răn đe, phòng ngừa chung./.

Bảo Yến