ĐBQH NGUYỄN VĂN THÂN CHẤT VẤN VỀ GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ BAN ĐÊM

29/10/2020

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đã có ý kiến chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại nghị trường Quốc hội về chính sách phát triển nền kinh tế ban đêm.

Kinh tế ban đêm: Cơ hội và thách thức

Khách du lịch sẽ làm gì nếu ở lại đêm Đà Nẵng? Câu hỏi này đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có lời đáp. Các địa điểm được xem là sản phẩm du lịch đêm của Đà Nẵng chủ yếu là ngắm Rồng phun lửa, tour du lịch trên sông Hàn, khu công viên Châu Á, khu vực cầu Tình yêu, các quán Bar, pub dọc đường Bạch Đằng … phần lớn chỉ thu hút  khách đến 1 lần duy nhất. Trong khi đó, sản phẩm được Đà Nẵng xem là chủ lực là các khu như chợ đêm Helio, Chợ đêm Sơn Trà thì phát triển tự phát và vô cùng tẻ nhạt, phần lớn các dịch vụ này đều kết thúc khá sớm. Nhiều du khách đến Đà Nẵng phải thừa nhận, sau 22 giờ, thành phố du lịch này còn rất ít các hoạt động thú vị để cho du khách có thể trải nghiệm.  Anh Trần Văn Trung cư trú tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng chia sẻ:  “Nếu tăng thêm thời gian và tăng hình thức phục vụ khách du lịch thì chắc chắn sẽ đem lại mặt tích cực đó là kinh tế cho bà con, và quan trọng hơn là mang lại lợi ích cho khách du lịch, họ có khu để vui chơi và ấn tượng về Đà Nẵng sẽ tốt hơn.”

Chợ đêm Helio Đà Nẵng

Không chỉ thiếu dịch vụ vui chơi giải trí, hoạt động kinh doanh về đêm ở Đà Nẵng khá manh mún, thiếu quy hoạch và đầu tư chuyên nghiệp, bài bản. Nhiều cơ sở nằm lẫn trong các khu dân cư vừa ảnh hưởng đến đời sống người dân, vừa khó mở rộng khung giờ kinh doanh. Bên cạnh đó, thành phố cũng chưa có quỹ đất để xây dựng các khu giải trí quy mô lớn, nằm tách biệt khu dân cư. Một du khách người Anh tại Đà Nẵng, anh James Durowse cho biết,  “Có thể thấy là ở các bãi biển không có nhiều hoạt động về đêm, mặc dù đây là điểm thu hút chính cho khách du lịch khi đến đây. Buổi tối hầu như không có hoạt động gì, thậm chí cả ban ngày. Vì vậy, việc tạo dựng các dịch vụ ở bãi biển là một ý tưởng tốt để thu hút du khách vào buổi tối và biến nơi đây thành điểm du lịch hấp dẫn hơn.”

 Anh James Durowse Du khách người Anh tại Đà Nẵng

Hiện nay, Đà Nẵng đã có một số quy hoạch các khu chuyên biệt để phục vụ khách du lịch ban đêm mang tính đặc thù. Tuy nhiên, quy hoạch và thực tế triển khai vẫn còn khập khiễng. Đà Nẵng xác định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn nhưng bỏ qua tiềm năng phát triển của kinh tế ban đêm quả là một thiếu sót.

Ở Hà Nội thì kinh tế đêm cũng đã hình thành từ nhiều năm nay và diễn ra dưới các loại hình như là không gian đi bộ, chợ đêm, các tuyến phố ẩm thực, cửa hàng tiện lợi. Dù mới chỉ là những hoạt động thí điểm nhưng đã đem lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, các ngành nghề du lịch trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội,  “ … Ngành nghề mà dễ phát triển về đêm nhất đó là nghề dịch vụ. Qua thời gian mở cửa vừa rồi thì chúng tôi thấy là phù hợp với khách du lịch và là một động lực thu hút khách du lịch rất lớn …”

Hiện nay, đề án phát triển kinh tế ban đêm của Hà Nội vẫn đang chờ phê duyệt. Một trong những vấn đề ở đây được đặt ra là quản lý. Chúng ta vẫn có thói quen tư duy, không quản được thì cấm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đêm nếu tư duy của những người hoạch định không cởi mở. Bởi khi phát triển kinh tế đêm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn trật tự, thậm chí là cả các tệ nạn xã hội. TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng “Hiện nay chúng ta chưa quan tâm nột cách đúng mức vai trò và tầm vóc của kinh tế ban đêm. Biểu hiện ở chỗ, chúng ta thực sự hiểu rõ về kinh tế ban đêm, trong nhận thức chúng ta thường hay suy nghĩ đến việc không lành mạnh, chỉ hiểu đơn giản kinh tế ban đêm là vũ trường và rất khó quản lý hoạt động, nhưng thực ra nó không phải thế… ”

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Vấn đề của Đà Nẵng và Hà Nội là những ví dụ điển hình cho thấy, tại Việt Nam, các loại hình kinh tế đêm phổ biến trên thực tế đã được triển khai ở một số thành phố lớn. Ngoài đóng góp lớn về mặt kinh tế, kinh tế ban đêm có thể tạo ra những bước chuyển lớn cho các ngành dịch vụ, du lịch trong nước, tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế, đặc biệt sau những thoái trào do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hiện nay. Đánh giá về tiềm năng của kinh tế đêm, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định Chúng ta biết là Việt Nam chúng ta thì một trong những tăng trưởng về mặt dịch vụ đó chính là du lịch. Lúc trước thời điểm Covid-19, chúng ta có 16tr khách du lịch. Nếu một tính toán riêng của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thì khu vực khách du lịch này có khả năng phát triển vào kinh tế ban đêm rất là mạnh  … ”

Nhận thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của kinh tế đêm, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129 phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển được kinh tế ban đêm, nhất thiết phải xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế ban đêm, vừa bảo đảm phát triển kinh tế nhưng cũng kiểm soát tốt các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự. Cần có quy chế đặc thù đối với các loại hình kinh doanh quán bar, nhà hàng, cơ sở Casino, giải trí và các lĩnh vực vui chơi văn hoá, ca nhạc khác nhằm phát triển các loại hình trên một cách phù hợp, tránh bị lệch hướng và vi phạm các quy định của pháp luật.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế, điều kiện thực tiễn ở địa phương, đặc biệt phù hợp với khả năng xây dựng các cơ sở hạ tầng hỗ trợ, nguồn lực đầu tư và khả năng huy động, thu hút đầu tư ở từng địa điểm cụ thể. Các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm cần có sự tính toán kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng, tác động kinh tế ban đêm đến địa phương (cả tác động tích cực và tiêu cực) dựa trên nhu cầu và việc khai thác tối đa thế mạnh, cũng như yêu cầu và khả năng bố trí nguồn lực quản lý và hỗ trợ của địa phương.

Đề án cho phép triển khai thí điểm kéo dài thời gian hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở các tỉnh, thành phố đông khách du lịch, bao gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ đánh giá hiệu quả và công tác quản lý hoạt động KTBĐ ở những địa phương này, từ đó xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm để nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác.

Lợi ích của việc phát triển kinh tế ban đêm mang lại là rất lớn,  và được kỳ vọng có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, khai thác tiềm năng hoạt động du lịch, dịch vụ, quảng bá văn hóa và nền ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Vấn đề được đặt ra lúc này đó là muốn phát triển kinh tế ban đêm thì phải cần có các chính sách như thế nào cho phù hợp? Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình:

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, là một trong nhiều Đại biểu Quốc hội đã có ý kiến chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại nghị trường Quốc hội. Xin Đại biểu cho biết, xuất phát từ nguyên nhân nào Đại biểu lại chất vấn Thủ tướng Chính phủ về vấn đề phát triển kinh tế ban đêm?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Kinh tế ban đêm rất quan trọng nhất là đối với kinh tế nội địa. Xuất phát từ thực tiễn nhiều nước cho thấy, các nước Châu Âu khí hậu ôn đới, kinh tế ban đêm cũng phát triển mạnh chưa kể các nước Châu Âu thuộc về các vùng địa trung hải thì kinh tế ban đêm người ta có thể sinh hoạt cả đêm luôn. Ngoài ra, các vùng lân cận của chúng ta, tôi thấy kinh tế ban đêm cũng rất phát triển. Vì vậy, tôi đặt vấn đề cần nghiên cứu và có những giải pháp để quản lý cũng như phát triển kinh tế ban đêm.

Phóng viên: Ngay sau khi Đại biểu có ý kiến chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã đăng đàn trả lời. Với vai trò lại Đại biểu dân cử, Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Ngay sau khi nhận được câu hỏi chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có phần trả lời trước nghị trường Quốc hội. Tôi hoàn toàn đồng tình với nội dung trả lời của Thủ tướng Chính phủ. Về mặt quan điểm Thủ tướng ủng hộ phát triển kinh tế ban đêm nhưng Thủ tướng yêu cầu cần phải có khảo sát, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. Tôi cho rằng, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn xác đáng vì kinh tế ban đêm bên cạnh những mặt tích cực cũng có những hệ lụy cần được nhận diện và kiểm soát tốt.

Phóng viên: Thưa Đại biểu, lợi ích mà kinh tế ban đêm mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, cho đến nay kinh tế đêm vẫn chủ yếu mang tính tự phát. Đại biểu đánh giá thế nào về tiềm năng của kinh tế đêm ở Việt Nam ?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Kinh tế ban đêm là tự phát,  hiện nay các tỉnh ví dụ như Hà Nội đến một giờ nào đó (khoảng 22h) thì đều có loa của phường cấm kinh doanh trên đường phố nhưng thực ra người dân vẫn làm. Chưa nói là các tỉnh nhất là các tỉnh khu vực ven biển. Tôi cho rằng, kinh tế ban đêm đã tự có và là  tự phát. Vì vậy, Chính phủ, Quốc hội cần đưa vào những Thông tư, Nghị định và xác định những tiêu chí cụ thể để quản lý vì thực tế bản thân người dân do nhu cầu cuộc sống đang rất cần phát triển kinh tế đêm.

Lợi ích của việc phát triển kinh tế ban đêm mang lại là rất lớn, và được kỳ vọng có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, khai thác tiềm năng hoạt động du lịch, dịch vụ, quảng bá văn hóa và nền ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Vấn đề được đặt ra là cần phải thể chế hóa nền kinh tế ban đêm để nhà nước có nguồn thu ngân sách đồng thời người dân có mảnh đất làm ăn hợp pháp; tác dụng của kinh tế đêm là vô cùng cần thiết. Phát triển kinh tế đêm sẽ góp phần giải quyết được công ăn việc làm cho lao động; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể phát triển kinh tế. Vì vậy, việc quan trọng là phải xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế ban đêm, vừa bảo đảm phát triển kinh tế nhưng cũng kiểm soát tốt các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự.

Phóng viên: Tiềm năng và lợi ích là vậy, thế nhưng kinh tế đêm hiện cũng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Theo Đại biểu thì đâu là nguyên nhân dẫn tới vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Chúng ta đang nằm trong khu vực kinh tế thị trường tất nhiên là có định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng đã là kinh tế thị trường thì phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, có cầu thì có cung. Hiện nay, chúng ta cũng đang mở rộng công nghiệp du lịch, vậy tại sao mà chúng ta lại không phát triển kinh tế đêm. Ý kiến trái chiều ở đây là người ta băn khoăn các hoạt dộng vui chơi giải trí trong kinh tế như sàn nhảy, casinos,...  thường tiềm ẩn những rủi ro, hệ lụy về mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể tăng cường  kiểm tra, giám sát và đưa ra các chế tài, quy định quản lý phù hợp để khắc phục những bất cập này. Trước một vấn đề, bao giờ cũng có mặt trái và mặt phải,vì vậy nếu cứ sợ sệt thì không thể làm được. Thủ tướng Chính phru cũng đã yêu cầu cần phải nghiên cứu kỹ tác động ảnh hưởng xã hội của phát triển kinh tế ban đêm. Đây là điều rất cần thiết để có căn cứ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, có thể kiến nghị xây dựng Luật Kinh tế ban đêm để làm sao người dân kinh doanh căn cứ vào luật đó dể thực hiện công việc kinh doanh cũng như thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước.

Phóng viên: Chúng ta cũng cần lắng nghe những luồng ý kiến nhiều chiều để tìm được tiếng nói chung nhằm phát triển kinh tế đêm hay không, thưa Đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Cần phải lắng nghe và lắng nghe với tinh thần có chọn lọc thậm chí lấy ý kiến của người dân. Đứng về góc độ doanh nghiệp thì phát triển kinh tế ban đêm là cần thiết. Đây là lĩnh vực mà nếu chúng ta không làm thì người dân vẫn chui lủi để làm vì cuộc sống mưu sinh đòi hỏi. Vậy tại sao chúng ta không đưa vào quản lý để tạo điều kiện cho người dân làm. Không có vấn đề mới ở đây cả, người dân đã làm trước rồi bây giờ nhà nước chỉ là luật hóa để quản lý. Còn ý kiến trái chiều, tôi nghĩ bất cứ vấn đề gì mới đều có ý kiến thuận và ý kiến không thuận vì vậy cần sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.

Phóng viên: Theo Đại biểu thì chúng ta cần phải có những giải pháp căn cơ gì để có thể phát triển tốt kinh tế ban đêm so với những tiềm năng mà chúng ta sẵn có?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái BìnhKhông có 1 dự án, đề tài mới nào mà không có mặt trái cả nhưng chúng ta nhìn mặt trái ít hơn mặt phải và khi tổng kết lại thì mặt tốt nhiều hơn thì nên triển khai. Cần phải đả phá tư tưởng không kiểm soát được thì cấm, đó là tư tưởng không phù hợp đặc biệt trong thời kỳ kinh tế hội nhập, mở cửa với toàn cầu. Ngoài ra, cần tăng cường các lực lượng như công an, bảo vệ đường phố trong kiểm tra, giám sát hoạt động kinh tế đêm thì tôi tin rằng hiệu quả kinh tế ban đêm là rất lớn. Cần lưu ý có quy chế đặc thù đối với các loại hình kinh doanh quán bar, nhà hàng, cơ sở Casino, giải trí và các lĩnh vực vui chơi văn hoá, ca nhạc khác nhằm phát triển các loại hình trên một cách phù hợp, tránh bị lệch hướng và vi phạm các quy định của pháp luật.

Ở Việt Nam, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm khi hoạt động du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế ban đêm hiện nay mới chỉ khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính tự phát, riêng lẻ, manh mún tại một số đô thị và trung tâm du lịch lớn nên chưa được ghi nhận như một mô hình kinh tế có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế ban đêm có thể đối mặt với thách thức liên quan tới vấn đề an ninh trật tự, áp lực hạ tầng, tệ nạn xã hội, rác thải… Để kinh tế ban đêm phát triển như kỳ vọng, cần phải bám sát tính đặc thù của kinh tế ban đêm để tạo điều kiện về mọi mặt cho sự phát triển và quản lý kinh tế ban đêm. Cùng với đó, cải tạo môi trường kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng và đặc biệt là nâng cao năng lực quản lý nhà nước tạo dựng liên kết bền vững trong hoạt động kinh tế đêm./.

 

Lê Anh - Trần Tiến