ĐBQH PHẠM TẤT THẮNG: KHƠI DẬY TỰ HÀO DÂN TỘC, PHÁT HUY MẠNH MẼ GIÁ TRỊ VĂN HÓA CON NGƯỜI VIỆT NAM

08/11/2020

Ngày 05/11/2020, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng, bài học từ đại dịch COVID 19 cho thấy việc phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa con người Việt Nam, khơi dậy tự hào dân tộc, sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo.

 

 

Niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao.

Nhận định về kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội giải đoạn 2016 - 2020, đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016 - 2020, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới, với những bước tiến vượt bậc, 4 năm liên tiếp 2016 - 2019, chúng ta cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2020, Việt Nam đã vượt qua thành công một giai đoạn khó khăn chưa từng gặp phải, đó là đại dịch COVID 19. Mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch nhưng Việt Nam đã thành công trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trong bối cảnh cần thực hiện mục tiêu kép, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 trong ASEAN. Nhân dân được thụ hưởng kết quả rõ nét của phát triển kinh tế - xã hội. Niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao.

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đề nghị Chính phủ cần phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa con người Việt Nam, khơi dậy tự hào dân tộc.

Đạt được kết quả quan trọng đó, theo đại biểu Phạm Tất Thắng do có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đặc biệt từ đồng chí Tổng Bí thư và sự đồng hành của Quốc hội và hệ thống chính trị. Quốc hội đã đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã ban hành 65 luật và 122 nghị quyết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, sớm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng. Quyết định nhanh chóng nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đồng hành với Chính phủ điều hành tốt xã hội và nền kinh tế.

 Tuy vậy, đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng nguồn lực con người, nguồn lực quý giá nhất của chúng ta và là một trong 3 đột phá chiến lược thì chưa được chăm chút đúng mức và phát huy hết vai trò để thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước.

Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa con người Việt Nam, khơi dậy tự hào dân tộc thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa xã hội.

Để tiếp nối thành công trong thời gian qua, đại biểu Phạm Tất Thắng đề xuất trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo, Chính phủ cần chú trọng phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa con người Việt Nam, khơi dậy tự hào dân tộc, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa xã hội. Cần khẩn trương nghiên cứu, xác định một hệ tiêu chí chuẩn xác, xây dựng chuẩn mực văn hóa con người Việt Nam trong thời gian tới. Triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống việc chuyển giáo dục sang tiếp cận năng lực, nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực, củng cố niềm tin của xã hội, của cử tri vào đổi mới giáo dục.

Đại biểu Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, giáo dục phải góp phần quan trọng, khắc phục tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định đó là đạo đức lối sống của một bộ phận người dân, trong đó có nhiều thanh thiếu niên có biểu hiện sa sút, lệch lạc. Đây là giai đoạn cần tập trung xây dựng nền tảng về thể chế, về cơ cấu hệ thống, về đổi mới quản lý và về đội ngũ, để giáo dục Việt Nam đón được các yêu cầu mới về phát triển con người và đào tạo nhân lực trong bước chuyển đột phá của đất nước, dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Toàn cảnh phiên họp cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn tới, Chính phủ cần xác định mục tiêu của giáo dục, đào tạo đó là khắc phục cơ bản những hạn chế trong giáo dục. Phấn đấu đến năm 2025, chất lượng giáo dục trong toàn hệ thống. Đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có chuyển biến tích cực theo hướng phát triển con người đổi mới sáng tạo. Đóng góp có hiệu quả vào việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao ở mọi lĩnh vực để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước theo các mục tiêu phát triển bền vững và trên nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, tạo tiền đề để Việt Nam cơ bản trở thành quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, sáng tạo và dân chủ vào năm 2030.

Tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật giáo dục và đào tạo, tập trung vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và nhà giáo. Đẩy mạnh dân chủ trong các trường phổ thông và phát huy tự chủ trong giáo dục đại học. Nâng cao chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đáp ứng các yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo. Xây dựng hệ giá trị cá nhân và văn hóa học đường. Chú trọng phát hiện đào tạo, bồi dưỡng trọng dụng nhân tài, tiếp tục đổi mới công tác đánh giá và thi kiểm tra đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng và không gây ra áp lực.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Luật Giáo dục (sửa đổi) đã có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn để luật sớm và thực sự đi vào cuộc sống.

Với giáo dục đại học, đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, cần tiếp tục triển khai tinh thần yêu cầu của tự chủ đại học, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động rà soát đề nghị với Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ để chủ trương tự chủ được triển khai hiệu quả trong thực tiễn cả về sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, giảng viên. Chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động rà soát, đề nghị với Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ để chủ trương tự chủ được triển khai hiệu quả trong thực tiễn./.

Lan Hương