BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TRẢ LỜI CHẤT VẤN ĐẠI BIỂU NGUYỄN BÁ SƠN VỀ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG TRONG CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ QUY MÔ LỚN HIỆN NAY

18/11/2020

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chính thức trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Đà Nẵng về trách nhiệm của Bộ trưởng khi để xảy ra những sự cố môi trường trong các dự án đầu tư quy mô lớn hiện nay.

 

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng phát biểu tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV, đại biểu Nguyễn Bá Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Đà Nẵng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về trách nhiệm của Bộ trưởng khi để xảy ra những sự cố môi trường trong các dự án đầu tư quy mô lớn hiện nay. Trong khi đó, các dự án đầu tư quy mô lớn hiện nay đều được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định Báo cáo ĐTM.

Trả lời đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề đại biểu chất vấn là xác đáng vì báo cáo đánh giá tác động là dự báo các tác động đồng thời đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường của Dự án. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, vận hành thử nghiệm và vận hành chính thức vẫn còn xảy ra các sự cố gây ô nhiễm môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nguyên nhân chính của vấn đề trên do đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là công cụ để dự báo các tác động môi trường của một dự án đầu tư, do vậy các dự báo này rất khó có thể chính xác hoàn toàn trong giai đoạn thi công và vận hành của Dự án, đặc biệt các sự cố có thể xảy ra. Bên cạnh đó, chủ đầu tư không thực hiện đúng các biện pháp giảm thiểu tác động, các cam kết thực hiện đã nêu tại báo cáo ĐTM được phê duyệt.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, nhận thấy những bất cập, tồn tại nêu trên, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 40/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi bổ sung một số điều các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường trong đó quy định rất cụ thể, chi tiết các biện pháp ứng phó sự cố đối với nước thải, chất thải; quan trắc tự động đối với khí thải, nước thải; truyền số liệu quan trắc tự động về cơ quan quản lý môi trường địa phương đối với các dự án có nguồn thải lớn...

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được Chính phủ giao xây dựng Dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2014 (Dự thảo đã được Chính phủ trình Quốc hội) trong đó có nhiều bổ sung để khắc phục những bất cập, tồn tại mà đại biểu nêu. Cụ thể, công tác lập, thẩm định, phê duyệt ĐTM được quy định chặt chẽ hơn để nâng cao chất lượng báo cáo ĐTM; cấp giấy phép môi trường đối với các dự án có nguồn thải lớn; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra; tăng chế tài xử phạt./.

Minh Thành - Thế Hà