ĐBQH VƯƠNG NGỌC HÀ: CHUYỂN QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐẾN CƠ QUAN CÙNG CẤP ĐỂ TỔ CHỨC THI HÀNH

27/11/2020

Trong phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 10, đại biểu Vương Ngọc Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến UBND cấp huyện, nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành.

Cơ bản đồng tình với những sửa đổi, bổ sung mà Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, đại biểu Vương Ngọc Hà cho rằng, với những sửa đổi, bổ sung này đã khắc phục được những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn ở địa phương. Đại biểu góp ý 3 vấn đề cụ thể nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo luật.

Theo đại biểu Vương Ngọc Hà, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định tại khoản 2 Điều 71 trong trường hợp vi phạm hành chính xảy ra ở địa bàn cấp huyện này nhưng cá nhân cư trú tổ chức đóng trụ sở ở địa bàn cấp huyện khác và thuộc phạm vi ở một tỉnh miền núi, hải đảo, vùng xa xôi hẻo lánh mà việc đi lại gặp khó khăn và các cá nhân, tổ chức này không có điều kiện để chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định xử phạt được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành.

Đại biểu cho rằng, với đặc thù của một tỉnh miền núi biên giới thì thực tế lực lượng biên phòng đã xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại theo Điều 17 của Nghị định số 167. Tuy nhiên, người vi phạm không có điều kiện để chấp hành quyết định xử phạt tại nơi xử phạt và thực tế các đồn biên phòng trên các khu vực biên giới đã gửi quyết định xử phạt đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người vi phạm để đề nghị thi hành, nhưng hiệu quả để thi hành chưa cao. Vì không quy định rõ trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân tại nơi đó, nhưng đến nay cũng không có cách giải quyết nào khác. Bởi tại địa phương nơi cư trú không có cơ quan cùng cấp, tức là không có đồn biên phòng. Vì vậy, đại biểu Vương Ngọc Hà mong muốn Ban soạn thảo nghiên cứu và bổ sung tại khoản 2 Điều 71 của luật hiện hành thay từ “cơ quan cùng cấp” bằng “Ủy ban nhân dân cấp huyện” để rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tuy đây là vấn đề luật không đưa ra sửa đổi nhưng từ thực tiễn có vướng mắc cần được nghiên cứu, xem xét, bổ sung vào Dự thảo luật.

Đại biểu Vương Ngọc Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Đối với quy định tại khoản 28 Điều 1 của Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 58, ở tại khoản 1 hiện đang quy định là trường hợp vụ việc phức tạp thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời gian không quá 48 giờ, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính hoặc từ khi xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm. Đại bieur cho rằng, đối với các tỉnh miền núi do điều kiện địa hình đi lại khó khăn, có những vi phạm diễn ra tại rừng sâu và các điều kiện về thông tin như sóng điện thoại không đảm bảo và nhất là việc đo đếm các tang vật vi phạm chủ yếu là thô sơ và nếu như số lượng tang vật lớn, cần thời gian để đo đếm, để thống kê lập vào biên bản vi phạm hành chính thì phải cần thời gian tương đối lớn để đảm bảo chính xác bởi vì nếu đo đếm không chính xác thì khung xử phạt là hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, để phù hợp với điều kiện của các tỉnh miền núi, trong khi trang bị phương tiện còn chưa đảm bảo, nhất là xử lý các vi phạm về lĩnh vực bảo vệ rừng, đại biểu đề nghị cân nhắc thời hạn trong trường hợp này có thể là không quá 72 giờ.

Góp ý về khoản 9 Điều 1 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 23 về quy định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định với hành vi đó, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung hình phạt. Đại biểu nêu thực tế, khi thực hiện hành vi vi phạm hành chính có thể có người vừa có tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng hoặc có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng có một tình tiết tăng nặng hoặc ngược lại. Vậy, căn cứ nào để xác định mức tiền phạt, trong khi thực tế có nhiều hành vi mức tiền phạt tối thiểu và tối đa hiện nay được quy định có sự chênh lệch tương đối rộng nên rất cần có những căn cứ để tránh sự tùy tiện, cũng cần phải tính đến tính chất, mức độ của tình tiết tăng nặng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu trong luật quy định chi tiết về căn cứ này để áp dụng một cách chính xác, khách quan, công bằng, thống nhất và đúng với mục đích của việc xử phạt tiền.

Ngoài ra, hiện nay, trong một số lĩnh vực cụ thể đã có những căn cứ để quy định rất cụ thể và hiệu quả đạt được sự thống nhất. Tại Nghị định số 109 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí và hóa đơn có những quy định để giải quyết vấn đề này. Đại biểu nêu ví dụ, trường hợp có 2 tình tiết tăng nặng thì áp dụng mức tối đa của khung hình phạt tiền, vừa có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì bù trừ theo nguyên tắc là 1 tình tiết tăng nặng thì trừ cho một tình tiết giảm nhẹ. Thực tế, khi thực hiện nội dung này đã tạo được sự thống nhất, do vậy cần nghiên cứu, xem xét để sửa đổi, bổ sung./.

Lan Hương

Các bài viết khác