ĐBQH NGUYỄN HOÀNG MAI: ĐỀ NGHỊ BỎ BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐỐI VỚI NGƯỜI SỬ DỤNG TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY.

27/11/2020

Cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị bỏ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang.

Tán thành với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là sẽ bỏ biện pháp giáo dục, giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng, việc xác định đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ do Luật Phòng chống ma túy xác định. Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ xác định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền là đủ.

Đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, Dự thảo Luật sửa Điều 90 là bổ sung áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, tức là chưa phải là người nghiện ma túy. Đại biểu đề nghị bỏ biện pháp này đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, vì 03 lý do:

Thứ nhất, tại khoản 5, Điều 90 quy định người đủ 14 tuổi trở lên, trong thời hạn 6 tháng đã 2 lần bị xử phạt hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính lần thứ ba về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì sẽ áp dụng biện pháp đưa vào giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, sau khi đối tượng được đưa vào giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu tiếp tục vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà xác định không phải là người nghiện thì trong dự thảo luật chưa có chế tài xử lý. Theo dự thảo luật này chỉ đưa vào cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Do đó, đề nghị cần có quy định cụ thể các trường hợp đã và đang trong thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục vi phạm thì sẽ xử lý như thế nào.

Thứ hai, khi sửa Điều 90, có khoản 7 không khả thi, tức là người 18 tuổi trở lên không có nơi cư trú ổn định thì giao Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy để quản lý người này. Quy định như vậy không khả thi, bởi người không có nơi cư trú ổn định, hôm nay ở chỗ này, ngày mai ở chỗ khác mà xác định nơi phát hiện thì không khả thi.

Lý do thứ ba, tại khoản 1 Điều 140: "Đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ 14 tuổi đến 18 tuổi mà có nơi cư trú ổn định và tự nguyện khai báo thành khẩn, có môi trường thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp quản lý tại gia đình thì giao gia đình quản lý". Việc giao gia đình quản lý, giáo dục rất khó, bởi bản thân gia đình cũng chưa hiểu sâu sắc về nguy cơ của việc sử dụng ma túy như thế nào, việc giúp đỡ người bắt đầu sử dụng trái phép chất ma túy cần phải có các cán bộ chuyên môn, hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề này.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho rằng việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy chưa thực sự phù hợp. Tại kỳ họp thứ 10, Chính phủ đã trình ra dự án Luật Phòng, chống ma túy mới, theo đó Điều 24 của dự thảo luật quy định về vấn đề quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Quy định trong dự thảo Luật Phòng chống ma túy có hiệu quả hơn rất nhiều. Bởi vì so với quản lý giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì hai vấn đề này đều giao Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện hết. Thế nhưng giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Luật Xử lý hành chính thì phải đến lần thứ ba mới áp dụng, 2 lần đầu là xử phạt, lần thứ ba lập biên bản vi phạm và áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Nhưng theo Luật Phòng chống ma túy thì sử dụng trái phép chất ma túy là cho áp dụng ngay biện pháp quản lý. Trong đó, quy định rõ nội dung quản lý thế nào. Đó là tổ chức xét nghiệm 3 lần; xác định tình trạng nghiệp; tư vấn, động viên và giáo dục người nghiện. Cách tiếp cận và quy định như trong Dự thảo Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) đang được Chính phủ trình sẽ hiệu quả hơn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy./.

Lan Hương

Các bài viết khác