ĐBQH TRƯƠNG ANH TUẤN ĐỀ XUẤT PHÂN NHÓM ĐỐI TƯỢNG ƯU TIÊN TRONG CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG, CHỐNG HIV

30/11/2020

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, đại biểu Trương Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, các đối tượng ưu tiên trong công tác truyền thông về phòng, chống HIV nên được phân nhóm, không nên trộn lẫn một cách ngẫu nhiên để thể hiện rõ thái độ của xã hội đối với các nhóm được ưu tiên này.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trương Anh Tuấn thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung dự án luật, đồng thời đóng góp một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11 có nêu rõ 14 đối tượng ưu tiên trong công tác truyền thông về phòng, chống HIV; trình tự, sắp xếp được xây dựng theo trình tự ngẫu nhiên. Tuy nhiên, theo đại biểu, trình tự này cần được cân nhắc, vì với 14 đối tượng đã nêu thì thái độ xã hội với các nhóm đối tượng này có khác nhau. Theo đại biểu, cần được thể hiện rõ như sau: thái độ trân trọng, ưu ái đối với nhóm như người phụ nữ mang thai, thái độ chia sẻ như ở vùng sâu, vùng xa, nhóm người nhiễm HIV và những thân nhân của họ. Có nhóm xã hội đành phải chấp nhận như nhóm chuyển đổi giới tính, nhóm quan hệ đồng giới. Có nhóm cần phải phê phán, ví dụ như người mại dâm, người phạm tội bị giam giữ. Như vậy, bố cục này nên chia làm 4 nhóm như đã nêu trên, không nên trộn lẫn một cách ngẫu nhiên để thể hiện rõ thái độ của xã hội đối với các nhóm được ưu tiên này.

Đại biểu Trương Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Thứ hai, về độ tuổi tối thiểu tự nguyện xét nghiệm HIV, đại biểu Trương Anh Tuấn nêu ý kiến, thực tế hiện nay, trẻ em ở độ tuổi 15 cơ bản đã nhận thức được sự nguy hiểm của HIV, của nguy cơ bản thân mình bị dương tính. Nhưng do đặc điểm tâm lý vẫn rất sợ bị người khác, kể cả cha mẹ mình cũng như người giám hộ biết mình có khả năng hoặc bị lây nhiễm HIV. Đại biểu cho rằng cần cho trẻ em ở độ tuổi 15 trở lên có cơ hội tự quyết định việc xét nghiệm HIV được giữ bí mật theo quy định của pháp luật, nếu bị dương tính. Vì vậy, đại biểu Trương Anh Tuấn tán thành như sửa đổi ở Điều 27, đó là giảm độ tuổi được tự quyết định xét nghiệm HIV xuống từ đủ 15 tuổi mà không cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Thứ ba, khoản 1 Điều 35 của luật quy định: "Phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí". Đây là quy định của luật hiện hành. Đại biểu Trương Anh Tuấn cho rằng quy định này thể hiện quyết tâm cao và sự ưu việt của nước ta trong phòng, chống HIV và điều này cần phải được giữ vững. Trong báo cáo tổng kết thi hành luật có nhận định, kinh phí Nhà nước cung cấp xét nghiệm miễn phí không khả thi. “Vậy thời gian qua, việc thực hiện quy định này có được thực hiện không và nếu được thực hiện thì thực hiện đến mức độ nào? Về vấn đề này, tôi đề nghị cần phải được giải trình cụ thể”, đại biểu Trương Anh Tuấn nêu quan điểm.

Cũng theo đại biểu, trong sửa đổi điều luật này có nêu "phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm theo yêu cầu chuyên môn được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm thuộc các trường hợp khác được miễn phí". Đại biểu Trương Anh Tuấn cho rằng “trường hợp khác” ở đây có 2 đối tượng, đó là phụ nữ mang thai, có bảo hiểm xã hội, tự nguyện xét nghiệm nhưng không được chỉ định chuyên môn; và phụ nữ mang thai nhưng không có bảo hiểm xã hội và cũng tự nguyện xét nghiệm HIV. Như vậy, mọi đối tượng là phụ nữ mang thai nếu tự nguyện xét nghiệm HIV thì không phải trả phí dịch vụ. Vì vậy, đại biểu đề nghị luật cần khẳng định rõ: phụ nữ mang thai nếu tự nguyện xét nghiệm HIV không phải trả phí dịch vụ. Phụ nữ mang thai có bảo hiểm tự nguyện, xét nghiệm, có chỉ định chuyên môn thì được bảo hiểm y tế thanh toán, các đối tượng còn lại thì được miễn phí. Như vậy vẫn đảm bảo nguyên tắc là phụ nữ mang thai nếu tự nguyện xét nghiệm HIV thì không phải trả phí dịch vụ.

 Cuối cùng, đại biểu Trương Anh Tuấn cho rằng hồ sơ dự án luật đã được xây dựng, chuẩn bị một cách công phu, với 19 văn bản do cơ quan soạn thảo trình, gửi tới; có 10 văn bản do các cơ quan thẩm tra cho ý kiến, trong đó có văn bản thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội; có các văn bản cho ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Điều đó thể hiện rõ trách nhiệm cao của cơ quan soạn thảo, của các cơ quan có liên quan, của Chính phủ cũng như các cơ quan của Quốc hội. Theo đại biểu, mặc dù dự án luật còn có nhiều ý kiến tham gia đóng góp, nhưng những vấn đề tham gia không phải là vấn đề lớn liên quan đến quan điểm. Những ý kiến tham gia có thể nhanh chóng được giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa và vì vậy, đại biểu Trương Anh Tuấn đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự án luật này theo quy trình rút gọn trong một kỳ họp.

Hồ Hương

Các bài viết khác