ĐBQH ĐỖ VĂN BÌNH ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ 100% KINH PHÍ CHO PHỤ NỮ MANG THAI TỰ NGUYỆN XÉT NGHIỆM HIV

28/11/2020

Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, đại biểu Đỗ Văn Bình - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng nhận định, việc xét nghiệm cho phụ nữ mang thai là rất quan trọng và cần thiết cho việc phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giải pháp đảm bảo hỗ trợ 100% kinh phí cho phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV.

Qua nghiên cứu hồ sơ của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), đại biểu Đỗ Văn Bình bày tỏ sự trân trọng đối với Ban soạn thảo, với tinh thần trách nhiệm cao đã làm việc kỹ lưỡng, công phu trong quá trình tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện luật và xây dựng nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo luật để trình Quốc hội.

Đại biểu Đỗ Văn Bình nhận định, sau 13 năm thực hiện luật, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng như trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu, không chỉ số người nhiễm HIV/AIDS liên tục giảm, nhận thức của người dân về HIV được nâng cao. Đặc biệt, sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV giảm đáng kể. Nhiều người nhiễm HIV đã thực sự hòa nhập cộng đồng và trở thành nhân tố tích cực trong phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, việc chỉ ra những yếu tố bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn sau một thời gian triển khai thực hiện luật như trong Tờ trình của Chính phủ là chính xác và rất cần thiết cho việc xây dựng các nội dung sửa đổi, bổ sung luật để tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống bệnh dịch HIV/AIDS thời gian qua.

Đại biểu Đỗ Văn Bình – Đoàn ĐBQH T. Hải Phòng phát biểu từ điểm cầu trực tuyến. 

Theo đại biểu Đỗ Văn Bình, về cơ bản, những nội dung sửa đổi, bổ sung luật do Ban soạn thảo xây dựng với những giải pháp như đẩy mạnh bảo vệ quyền an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV; bổ sung một số đối tượng có nguy cơ cao được ưu tiên áp dụng các biện pháp tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; điều chỉnh mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có nguy cơ cao được tham gia một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; bổ sung biện pháp can thiệp mới giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em; bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của nhiều người nhiễm HIV trong điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm; bổ sung phạm nhân là đối tượng được điều trị miễn phí, không chỉ là những giải pháp có nghĩa thực tiễn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc, khẳng định mạnh mẽ sự ưu việt trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân trong việc chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS. Do vậy, đại biểu Đỗ Văn Bình nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật và cơ bản nhất trí với những nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật.

Về việc xét nghiệm tự nguyện, đại biểu Đỗ Văn Bình chỉ rõ, tại khoản 8 Điều 1 về sửa đổi, bổ sung Điều 27 quy định người tự nguyện xét nghiệm HIV phải từ 15 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự, như vậy, so với luật hiện hành thì người tự nguyện xét nghiệm HIV giảm một tuổi và vẫn còn là trẻ em. Luật hiện hành quy định người tự nguyện phải từ 16 tuổi trở lên và Luật Trẻ em thì quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Trẻ em bị lây nhiễm HIV có thể nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ là do quan hệ tình dục sớm. Việc xét nghiệm sớm và từ đó có thể phát hiện sớm lây nhiễm HIV tạo điều kiện cho việc điều trị và đảm bảo cho công tác phòng ngừa được tốt hơn. Đại biểu cũng nhất trí với lý do nêu tại Tờ trình của Chính phủ khi xây dựng quy định này trong dự thảo luật. Tuy nhiên theo đại biểu, nếu có thể thực hiện việc xét nghiệm sớm hơn như đối với trẻ em dưới 15 tuổi hoặc dưới 14 tuổi như một số nước đã làm thì có thể sẽ tốt hơn cho công tác phát hiện và điều trị. Do vậy, đại biểu Đỗ Văn Bình đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn cơ sở của việc quy định người xét nghiệm tự nguyện phải từ 15 tuổi trở lên để hoàn thiện dự thảo luật.

Về phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, đại biểu Đỗ Văn Bình chỉ rõ, Khoản 11 Điều 2 sửa đổi, bổ sung Điều 55 quy định: phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn được quỹ bảo hiểm y tế chi trả, đối với người... có thể phải chi trả một phần kinh phí vì bảo hiểm y tế có thể không chi trả 100% kinh phí xét nghiệm. Theo đại biểu, điều này chưa thực sự khuyến khích người phụ nữ mang thai có thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện xét nghiệm HIV. Việc xét nghiệm cho phụ nữ mang thai là rất quan trọng và cần thiết cho việc phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Theo đại biểu, đây là một chính sách hết sức ưu việt và cũng là giải pháp can thiệp sớm, không chỉ để điều trị sớm cho người mẹ nếu bị nhiễm HIV mà còn là để phòng tránh trẻ em không bị lây nhiễm HIV từ mẹ, rất cần được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện. Do vậy, đại biểu Đỗ Văn Bình đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giải pháp đảm bảo hỗ trợ 100% kinh phí cho phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV.

Về đối tượng ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV quy định tại khoản 3 Điều 1 (sửa đổi Điều 11) của dự thảo, đại biểu Đỗ Văn Bình đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung đối tượng là người đang cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện là đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống nhiễm HIV/AIDS, vì thực tế đây là những đối tượng có nguy cơ cao trong việc lây nhiễm HIV/AIDS. 

Đại biểu Đỗ Văn Bình cũng cho rằng dự thảo Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo quy định; do đó đề nghị Quốc hội xem xét để thông qua tại một kỳ họp.

Hồ Hương

Các bài viết khác