ĐBQH PHẠM VĂN HÒA CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG VỀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI

02/12/2020

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về vấn đề phát triển nhà ở xã hội.

 

Mới giải quyết được 41,5% yêu cầu

Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp tại cả khu vực đô thị và nông thôn. Trong đó, có Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội với các quy định cụ thể về hỗ trợ, ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các tổ chức, nước ngoài tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương đã và đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở cho đối tượng thuộc diện được ảnh hưởng chính sách cơ bản hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.

Khu đô thị Đặng Xá được đánh giá là khu nhà ở xã hội tiên phong của thủ đô Hà Nội 

Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030 là một chiến lược rất nhân văn, mang lại nhiều cơ hội có nhà ở đúng nghĩa cho người thu nhập thấp.

Ông Đặng Văn Tích, cư dân Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội chia sẻ: “Nhà ở xã hội là chủ trương hợp lòng dân, phù hợp với những hộ khó khăn về nhà ở, cán bộ công nhân viên làm việc ở Hà Nội không đủ tiền để mua nhà ở thương mại. Nhờ chính sách nhà ở xã hội mà người dân được vay với lãi suất ưu đãi, được trả góp kéo dài trong nhiều năm nên tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình thu nhập thấp có cơ hội mua nhà, ổn định cuộc sống”.

Ông Đặng Văn Tích, cư dân Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội 

Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân các khu công nghiệp, mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng được 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, công tác phát triển nhà ở xã hội hiện chưa đạt được yêu cầu đề ra trong Chiến lược. Cụ thể, đến hết năm 2019, chỉ có 207 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, tương đương hơn 4,3 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

Điểm nổi bật trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030 là diện tích nhà ở bình quân đạt khoảng 24m2/sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 26m2/sàn và tại nông thôn đạt 19m2 sàn/người; phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 6m2 sàn/người. Nhưng hiện nay, thị trường nhà ở tại Việt Nam cho thấy vẫn chưa bắt kịp với mức thu nhập của người lao động. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn quốc giai đoạn 2011-2030 là khoảng 440 nghìn căn hộ, nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được trên 30% kế hoạch. Đáng lưu ý là chương trình phát triển nhà ở xã hội đã được nâng lên thành Luật, trong đó quy định rõ các cơ chế hỗ trợ, cũng như nguồn lực hỗ trợ hàng năm hoặc theo giai đoạn. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai lại chưa đạt được mục tiêu như mong muốn.

Từ cuối tháng 12/2016 đến nay, việc triển khai chương trình nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã bị ách tắc do thiếu nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội và người dân không vay được tiền để thuê, mua.

Vì không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay nên hầu hết các dự án nhà ở xã hội đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công là 221 dự án, trong đó có một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nhu cầu xin chuyển đổi sang dự án nhà ở thương mại. Số lượng nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây rất hạn chế.

Hiện nay, Chiến lược phát triển nhà ở xã hội quốc gia đã đi vào được 3/4 chặng đường. Theo kế hoạch, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội phải đạt mục tiêu 12,5 triệu m2 sàn nhưng hiện chỉ thực hiện 4,6 triệu m2 sàn.

Nguyên nhân khiến các chủ đầu tư không mặn mà xây nhà xã hội chủ yếu do thiếu nguồn vốn hỗ trợ, chính quyền địa phương chưa quan tâm nhất là tạo quỹ đất cho các chủ đầu tư. Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, nguyên nhân là các nguồn vốn hỗ trợ cho các đối tượng thu nhập thấp từ ngân sách còn hạn chế. Theo quy định của Luật đầu tư công, việc bố trí, hỗ trợ ngân sách phải đưa vào kế hoạch trung hạn, nhưng trong danh mục hỗ trợ của các chương trình dự án giai đoạn 2016-2020 chưa có danh mục hỗ trợ về nhà ở. Do đó, việc triển khai vốn hỗ trợ gặp khó khăn. Đây là khó khăn nhất trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp không “mặn mà” đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vì nhà ở xã hội được ưu dãi thuế đất, nhưng không bị khống chế về giá, lợi nhuận, trong khi giá vật liệu xây dựng, nhân công… không giảm. Cùng với đó, lãi suất vay vốn cao, lợi nhuận do bị khống chế giá bán; thời gian thu hồi vốn chậm do quy định để lại 20% quỹ nhà dành cho thuê trong 5 năm…Quy định như vậy khiến doanh nghiệp bị đọng vốn nhiều.

Mặc dù, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở xã hội đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện về cơ bản đã hình thành khung pháp lý tương đối đầy đủ và đồng bộ để điều chỉnh việc phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy, thời gian tới Bộ Xây dựng cần tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ giải bài toán thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Tạo các cơ chế, chính sách đột phá hơn

Trả lời câu hỏi chất vấn về phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, yêu cầu về phát triển nhà ở xã hội rất lớn. Theo tính toán thì đến năm 2020, cần khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội và vấn đề này Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có một chương trình riêng là phát triển nhà xã hội với nhiều chính sách ưu đãi. Tổng quát lại thì có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng nhà xã hội, bao gồm các chính sách về miễn, giảm tiền sử dụng đất, miễn, giảm một số các loại thuế, trợ giúp đầu tư hạ tầng của khu vực cho dự án phát triển nhà ở xã hội. Đối với người mua thì có chính sách hỗ trợ lãi suất để người dân vay mua nhà ở xã hội. Thực hiện các chính sách với sự cố gắng rất cao của các địa phương, hiện nay kết quả dã xây dựng được 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và khu vực đô thị là 2,8 triệu và cho công nhân ở khu công nghiệp là khoảng 2,3 triệu.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn 

Theo Bộ trưởng, kết quả đạt được cũng rất cố gắng nhưng còn thấp so với yêu cầu và nếu như kết quả này chúng ta mới giải quyết được 41.5% so với yêu cầu tổng số là 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Hạn chế, tồn tại  hiện nay trong phát triển nhà ở xã hội là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội. Nguyên nhân do cơ chế chính sách hiện nay chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội ....

Cho biết về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh:

.Thứ nhất, cần rà soát, bổ úng, hoàn chỉnh các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch 1/500 ở các đô thị để tạo điều kiện phê duyệt các dự án cấp phép, các dự án nhà ở xã hội.

.Thứ hai, bố trí đủ quỹ đất. Hiện nay, một số địa phương nhu cầu nhà ở xã hội rất nhiều nhưng chưa bố trí đủ quy định để cho phát triển nhà ở xã hội. Chúng ta phải tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào để có tính kết nối giữa khu vực phát triển nhà ở xã hội và các khu vực khác của đô thị. Tới đây, sẽ sửa đổi căn bản Nghị định 100 để tạo các cơ chế, chính sách đột phá hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tạo các cơ hội thuận lợi cho người dân mua nhà ở xã hội

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, hiện Bộ đang báo cáo Chính phủ để ra một chính sách hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán khoảng từ 15 triệu đồng/1 m2.

Chú trọng tháo gỡ khó khăn về nguồn lực 

Có thể khẳng định chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030 là một chiến lược rất nhân văn, mang lại nhiều cơ hội có nhà ở đúng nghĩa cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như kế hoạch đề ra, liệu những giải pháp Bộ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra trong phần trả lời chất vấn có tháo gỡ được những khó khăn hiện này? Cơ quan chủ quản cần chủ trì, tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế chính sách như thế nào để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước và khả năng chi trả của từng đối tượng? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa về vấn đề này:

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Được biết tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về phát triển nhà ở xã hội. Vậy xuất phát từ thực tế nào, đại biểu lại đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng về nội dung nêu trên?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tôi cho rằng chính sách phát triển nhà ở đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập thấp là vô cùng quan trọng. Hiện nay, đối tượng này rất là khó khăn về nhà ở. Những đối tượng này thu nhập thấp, do đó họ chỉ có khả năng thuê nhà trọ mà hiện nay diện tích m2 nhà trọ rất hạn chế. Tuy nhiên, đối với các thành phố lớn đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Hà Nội trong thời gian qua có đề ra chính sách phát triển nhà ở xã hội nhưng thực tế thì hiện nay hiệu quả chưa cao. Chủ trương chính sách về vấn đề này đã có nhưng nhà đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế, thậm chí nhà đầu tư có tham gia thì họ vẫn chú trọng mảng nhà ở thương mại nhiều hơn còn nhà ở cho người có thu nhập thấp chưa được coi trọng đúng mức. Thêm vào đó, mặc đù khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch covid -19 nhưng giá bất động sản nhà ở vẫn không hạ nhiệt, vẫn cao nên rất khó khăn cho người có thu nhập thấp có thể sở hữu được nhà ở.

Phóng viên: Ngay sau khi nhân được câu hỏi chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có phần giải trình trước nghị trường. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội đung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Cách thức Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải trình rất là cầu thị, rất quyết tâm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay. Tôi rất tin tưởng, yên tâm với giải trình của Bộ trưởng. Hy vọng vấn đề tôi chất vấn sẽ được Bộ sớm triển khai các giải pháp như đã nêu để thúc đẩy thực hiện hiệu quả chính sách nhà ở xã hội. Phần trả lời của Bộ trưởng được nhiều đại biểu hài lòng và cử tri nghe được tôi nghĩ cử tri cũng hài lòng. Bởi Bộ trưởng không chỉ nêu lên thực trạng hiện nay mà còn phân tích, chỉ rõ những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân cũng những hạn chế, tồn tại hiện nay. Từ đó, chỉ rõ những giải pháp căn cơ nhằm khắc phục và phát huy hiệu quả chính sách nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp trong thời gian tới.

Phóng viên: Tại phần trả lời, Bộ trưởng đã nêu ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay. Vậy đại biểu có đánh giá như thế nào về những giải pháp này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Bộ trưởng đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện nay. Trong đó, giải pháp tôi đặc biệt quan tâm và kỳ vọng là, hiện Bộ đang báo cáo Chính phủ để ra một chính sách hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán khoảng từ 15 triệu đồng/1 m2./. Tôi mong rằng chính sách này của Bộ sẽ được Chính phủ ủng hộ và sớm thực thi trên thực tế. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác như: cần rà soát, bổ úng, hoàn chỉnh các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch 1/500 ở các đô thị để tạo điều kiện phê duyệt các dự án cấp phép, các dự án nhà ở xã hội; bố trí đủ quỹ đất... Tôi hoàn toàn tán thành và tin tưởng vào giải pháp Bộ trưởng nêu ra.

Phóng viên: Bên cạnh những giải pháp do Bộ Xây dựng đề xuất, Đại biểu có kiến nghị giải pháp gì để việc thực hiện chủ trương phát triển nhà ở xã hội đạt được như mục tiêu đề ra?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tôi cho rằng cần chú trọng tháo gỡ khó khăn về nguồn lực, đặc biệt quan tâm các chính sách thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vục này để thực hiện xã hội hóa một cách hiệu quả vừa thực hiện được mục tiêu nhân văn là có nhà ở cho người có thu nhập thấp đồng thời vẫn mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội,...

 Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Cơ bản đồng tình với nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng: Nhà ở xã hội là chủ trương, chính sách đúng đắn, với những đột phá từ quan điểm, tư tưởng, cách thức tiếp cận cho tới giải pháp thực thi. Tuy nhiên, để xây dựng chính sách tổng thể phát triển nhà ở xã hội, đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội; chú trọng tháo gỡ khó khăn về nguồn lực. Bên cạnh đó, để cải thiện hiệu quả các chính sách nhà ở xã hội cũng đòi hỏi phải có số liệu thống kê chính xác nhu cầu thực tế, rà soát các quy định để xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước./.

Lê Anh

Các bài viết khác