GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: THAY ĐỔI ĐỊNH KIẾN GIỚI, PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

17/12/2020

Định kiến giới là vấn đề nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ. Định kiến giới đang là nguyên nhân của bạo lực gia đình và khiến hàng ngàn trẻ em gái không được sinh ra mỗi năm. Theo ý kiến của một số đại biểu cần có các giải pháp căn cơ để thay đổi định kiến giới, xóa bỏ sự bất bình đẳng giới, ngăn chặn bạo lực gia đình hiện nay.

Bất bình đẳng giới là nguyên nhân của bạo lực gia đình.

Những tiếng nấc nghẹn, đau đớn, tủi hờn của một bé gái bị cha bạo hành; hay lời tâm sự nhói lòng về việc đối xử không công bằng giữa trẻ em gái và trẻ em trai trong cùng một gia đình… Đó là nội dung của nhiều cuộc gọi đến cầu cứu các nhân viên tư vấn của Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111, trực thuộc Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhờ tư vấn, giúp đỡ. Theo thống kê của Cục Trẻ em, 6 tháng đầu năm 2020, Tổng đài 111 tiếp nhận 394.458 cuộc gọi, trong đó có hơn 14.000 ca tư vấn và 407 trường hợp cần hỗ trợ, can thiệp. Trong số đó, có nhiều trường hợp trẻ em gái bị bạo lực bởi chính người thân trong gia đình.

Chị Lê Thị Mai Quyên, Nhân viên tư vấn Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111.

Chị Lê Thị Mai Quyên, Nhân viên tư vấn Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 cho biết: “Có nhiều trường hợp trẻ em gọi đến phản ánh về tình trạng thường xuyên bị bố đánh, mắng thậm chí đánh vô cớ, trong khi cùng mắc lỗi nhưng bé trai không bị đánh mà nạn nhân lại là bé gái. Mặc dù trẻ không nhận thức được vấn đề nhưng những hành vi như vậy cho thấy có định kiến giới, phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong gia đình. Có trường hợp gọi đến tổng đài, chúng tôi đã phải kết nối với cơ quan chức năng đưa em đi trị liệu tâm lý vì phải chứng kiến cảnh mẹ và bà bị bố đánh mỗi lần bố em uống rượu. Bản thân em cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình”.

Định kiến giới không chỉ là nguyên nhân của tình trạng bạo lực gia đình đối với trẻ em gái và phụ nữ, mà còn làm mất cân bằng giới tính khi sinh, khiến hàng chục ngàn trẻ em gái không được sinh ra mỗi năm. Theo báo cáo dân số thế giới năm 2020 do Qũy Dân số Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong ba quốc gia đang có tỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất. Ước tính, mỗi một năm ở Việt Nam có khoảng 40.800 trẻ em gái không được sinh ra.

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Chương trình và Đối tác, Tổ chức Plan International Việt Nam nêu thực tế có rất nhiều em gái không được lựa chọn ra đời, trong trường hợp bé gái được sinh ra đời mà không được mong chờ sẽ dẫn tới bạo lực đầu tiên đối với người mẹ, người vợ về mặt tinh thần, sau đó là nhiều hành vi bạo lực về thể chất. Tiếp theo là em gái trong cả quá trình lớn lên phải chịu áp lực rất lớn từ gia đình và dòng họ. Bà Lê Quỳnh Lan khẳng định: Nguyên nhân sâu xa, gốc rễ là thay đổi được quan niệm, nhận thức của người dân để mọi người thấy được vị thế của em gái. Chừng nào giải quyết những áp lực về mặt xã hội thì sẽ giải quyết được vấn đề. Bên cạnh đó quá trình nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi rất quan trọng. Thời gian qua chúng ta cố gắng nâng cao vị thế của em gái, tiếng nói của phụ nữ nhưng yếu tố vô cùng quan trọng là huy động sự tham gia của nam giới sẽ tạo sự thay đổi về lâu dài.

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Chương trình và Đối tác, Tổ chức Plan International Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc công bố cho thấy, cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có 1 người từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Nếu xem xét đến cả ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng đó là thể xác, tình dục và tinh thần thì có 58% phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, cứ 4 phụ nữ có con dưới 15 tuổi thì có một người cho biết con của họ đã từng bị chồng họ bạo hành thể xác. Ông Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, nếu vẫn còn tồn tại định kiến trọng nam khinh nữ, “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” dẫn tới sự phân biệt đối xử về giới để lại hệ lụy lớn. Nếu cứ quan niệm phụ nữ làm việc nhà tốt hơn đàn ông thì trẻ em lớn lên sẽ hành xử như thế nào? Phải chăng sẽ lặp lại hành vi mà cha mẹ đã cư xử và bạo lực, định kiến giới như một vòng luẩn quẩn và không biết bao giờ sự bình đẳng thật sự sẽ có trong mỗi gia đình và trong xã hội.

Thay đổi định kiến giới phòng chống bạo lực gia đình.

Những năm qua, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và được coi là động lực và mục tiêu phát triển quốc gia. Tỷ lệ phụ nữ tham gia các quản lý, lãnh đạo trong lĩnh vực chính trị ngày càng tăng, nhiều người giữ vị trí chủ chốt. Tại cơ quan dân cử, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tỉ lệ nữ đại biểu quốc hội là 27,6%, cao nhất trong 2 nhiệm kỳ gần đây.

Bên cạnh đó, vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cũng được cụ thể hóa trong các Luật như: Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007… Cụ thể:

- Điều 33 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định một trong những trách nhiệm của gia đình là “Đối xử công bằng, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, lao động và tham gia các hoạt động khác”.

- Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11 tại Điều 14 có quy định: “Trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự”….

Ông Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nhiều nhức nhối, khiến tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái bị xâm hại, bạo lực vẫn còn ở mức cao.

Mặc dù cơ chế, chính sách, pháp luật phòng ngừa bạo lực gia đình đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nhiều nhức nhối, khiến tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái bị xâm hại, bạo lực vẫn còn ở mức cao. Để thay đổi định kiến giới cần một quá trình dài và cần bắt đầu từ hành vi, ứng xử hàng ngày của mỗi gia đình và từ người đàn ông. Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, tuy nhiên vấn đề quan trọng là thực hiện chính sách nghiêm túc, Ông Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nói.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán, trong đó có tục “trọng nam, khinh nữ”, với quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Những quan niệm này đã hình thành từ lâu đời, lâu dần tạo nên những suy nghĩ cố hữu về vai trò, khả năng, loại công việc mà phụ nữ và nam giới có thể thực hiện.

Thời gian qua, các giải pháp cũng nhiều hoạt động được triển khai, nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, thế nhưng sự tham gia của nam giới vào các hoạt động này vẫn còn hạn chế nên chưa tạo sự chuyển biến rõ nét trong thay đổi định kiến giới, ngăn ngừa bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới trong xã hội. Cần làm gì để thay đổi định kiến giới làm tổn hại tới phụ nữ và trẻ em gái? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi lại ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về nguyên nhân cũng như giải pháp để xóa bỏ định kiến giới, ngăn chặn và phòng ngừa bạo lực gia đình:

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Theo quan điểm của tôi, lâu nay nhiều gia đình vẫn có quan niệm chuyện gia đình đóng cửa bảo nhau, thậm chí vợ biết chồng xâm hại con mình nhưng không dám lên tiếng vì cho rằng xấu chàng hổ ai, sợ vạch áo cho người xem lưng. Đây là khó khăn cho công tác phát hiện và xử phạt tình trạng bạo lực gia đình. Khó khăn nữa cũng cần nhắc đến, đó là về mặt tâm lý cho rằng việc gia đình không quan trọng bằng việc xã hội, nhưng nhiều người không biết rằng gia đình là tế bào của xã hội, gia đình không vững mạnh thì ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Tôi cho rằng, muốn phòng, chống bạo lực gia đình thì cần giáo dục mạnh mẽ hơn ý thức tôn trọng chính bản thân mình, đề cao giá trị gia đình của mỗi người; đồng thời sử dụng cả đạo lý của xã hội, làng bản, dân tộc, vùng quê và áp dụng các quy định của pháp luật để giúp người dân thay đổi nhận thức, là việc của toàn xã hội, chứ không riêng gì của mỗi gia đình. Thứ hai, cần có giải pháp giúp trẻ em và phụ nữ vượt được qua nỗi đau của tình trạng bạo lực gia đình để sẵn sàng lên án, tích cực tham gia phòng chống bạo lực gia đình. Thứ ba, cần có chế tài đối với chính những người trong gia đình, những người không tham gia tối giác tội phạm nếu phát hiện hành vi bạo lực trong gia đình. Đồng thời, huy động sự tham gia của toàn xã hội, các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ… để tuyên truyền thay đổi nhận thức và hành vi, phòng ngừa bạo lực gia đình.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Theo tôi, hiện nay hệ thống pháp luật của Việt Nam về phòng chống bạo lực gia đình đã tương đối đầy đủ, hoàn thiện. Những hành vi bạo lực gia đình đều được quy định trong hệ thống pháp luật, từ hành vi hành hạ, ngược đãi, làm nhục người lệ thuộc trong gia đình, đến những hành vi nguy hiểm hơn như gây thương tích, giết người hoặc các hành vi xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, tình dục của người trong gia đình đã được pháp luật quy định…. Vấn đề quan trọng ở đây là tổ chức, thi hành, giáo dục phổ biến pháp luật để mỗi người nhận thức được việc làm của mình là đúng, là sai để họ biết điều đúng để thực hiện, biết hành vi sai trái để tránh; cũng như biết hậu quả pháp lý mà họ sẽ phải gánh chịu nếu thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XII.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XII: Tình trạng phân biệt nam nữ, bất bình đẳng giới ăn sâu từ các thế hệ trước. Đến nay đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng này triệt để. Nếu tình trạng bất bình đẳng giới tiếp diễn thì sẽ làm mất động lực của mỗi giới và không được khai thác đầy đủ, làm triệt tiêu yếu tố tích cực. Việc phân biệt nam nữ khiến cách đối xử, giải quyết vấn đề sẽ không bình đẳng, khiến sức tồn tại, thi đua sẽ bị hạn chế, làm giảm tính tích cực của mỗi người trong xã hội, không phát huy tài năng, lợi thế, yếu tố tiềm năng của từng giới tính.

Ông Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Quốc hội, Chính phủ, các bộ ban ngành đều rất quan tâm đến vấn đề bạo lực gia đình và cũng tìm cách để hạn chế nhưng tôi nghĩ những giải pháp đang triển khai chưa ngang tầm không chỉ về hình phạt mà còn về công tác tuyên truyền giáo dục. Theo tôi, cần giáo dục làm sao để thanh niên khi họ lớn lên thì họ nhận thức được bạo lực gia đình không những là hành động cấm kỵ mà đó là điều đáng xấu hổ. Có như vậy, tình trạng bạo lực gia đình mới được giải quyết chưa hiệu quả rõ rệt trong thực tế.

Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội có thể thấy, nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình chính là định kiến giới, tâm lý mong muốn con trai hơn con gái vẫn luôn tồn tại trong mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng, mỗi gia đình và mỗi dòng họ. Tư tưởng đó ăn sâu vào tiềm thức của nhiều gia đình Việt Nam. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, định kiến giới đã tác động đến mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh sống. Do vậy cần thay đổi từ nhận thức đến hành động, đặc biệt là tăng cường tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới, trong đó, nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa giáo dục tại nhà trường, gia đình và xã hội, những nơi mà định kiến giới đang tồn tại. Muốn xóa bỏ định kiến giới phải xem giáo dục bình đẳng giới là một trong những nội dung giáo dục chính và được lồng ghép trong chương trình của các cấp học, từ mầm non đến đại học./.

Lan Hương

Các bài viết khác