ĐBQH TRẦN VĂN LÂM: CẦN LẤY Ý KIẾN CỦA BỘ TƯ PHÁP VỀ TÍNH HỢP HIẾN, HỢP PHÁP CỦA CÁC THỎA THUẬN QUỐC TẾ

17/12/2020

Cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng cần lấy ý kiến của Bộ Tư pháp về tính hợp hiến, hợp pháp của các thỏa thuận quốc tế, đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thỏa thuận quốc tế.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cơ bản tôi đồng tình rất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu của cơ quan soạn thảo và các cơ quan tham mưu trong quá trình tiếp thu các ý kiến của các vị đại biểu đóng góp từ kỳ họp trước cho tới nay. Quá trình tiếp thu các ý kiến này làm rất kỹ càng, thận trọng, chu đáo và các vấn đề tiếp thu, giải trình rất thuyết phục và dự thảo cho đến thời điểm này tôi cho rằng chất lượng.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể, đại  biểu cho rằng cần nghiên cứu, rà soát một số diễn đạt của câu, từ, chữ, nghĩa ở Điều 1, phạm vi điều chỉnh. Tại khoản 1 viết "luật này quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, gia hạn, chấm dứt hiệu lực". Tức là phạm vi chỉ có trong quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Đại biểu cho rằng quy định như vậy thì phạm vi hẹp, chưa đảm bảo toàn diện, bao trùm. Bởi trong nội dung dự thảo luật còn đề cập đến nhiều vấn đề rất quan trọng, bao gồm kể cả nguyên tắc, nội dung của việc ký kết, trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng. Đây đều là những nội dung quan trọng, xuyên suốt trong dự thảo luật. Ban soạn thảo cần bổ sung thêm một số cụm từ quy định về nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước trong khoản 1 Điều 1 này để toàn diện hơn, bao trùm hơn cho đúng nội dung dự thảo đã thể hiện ở các điều khoản phía sau. Diễn đạt đầy đủ là luật này quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan trong một số vấn đề.

Thứ hai, về bố cục, tại Điều 2, giải thích từ ngữ, tại khoản 2 có quy định bên ký kết Việt Nam bao gồm, sau đó có các điểm là bên ký kết Việt Nam; khoản thứ ba là cơ quan nhà nước ở trung ương gồm, khoản thứ tư là bên ký kết nước ngoài. Đại biểu cho rằng đây là những nội dung không hoàn toàn mang tính chất học thuật, không có nhiều ý nghĩa trong việc giải thích từ ngữ thuần túy, mà chính là các quy định của luật về thẩm quyền của một số cơ quan, tổ chức được phép ký kết và là chủ thể trong việc ký kết các thỏa thuận quốc tế. Như vậy không nên để nội dung này ở phần giải thích từ ngữ, nên tách chuyển về Điều 9, bởi Điều 9 chỉ đề cập đến thẩm quyền của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Trong Dự thảo luật có nhiều chủ thể của các cơ quan, các tổ chức từ trung ương cho đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nhưng chỉ đề cập đến thẩm quyền của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

Vấn đề thứ ba là lấy ý kiến của các cơ quan chức năng quy định trong trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế. Tại Chương II của dự thảo luật quy định về ký kết thỏa thuận quốc tế, trong đó các trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế đều bắt buộc phải lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao. Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng quy định như vậy là cần thiết, nhằm đảm bảo các thỏa thuận quốc tế được ký kết là phù hợp với chính sách đối ngoại của nhà nước Việt Nam trong mối quan hệ với các quốc gia khác và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các cam kết khác của nhà nước đối với quốc tế. Tuy nhiên, mặt khác thỏa thuận quốc tế không chỉ là yêu cầu phải phù hợp với chính sách đối ngoại mà còn phải đảm bảo có tính hợp hiến, hợp pháp đối với pháp luật Việt Nam. Do đó, việc lấy ý kiến của Bộ Tư pháp hay lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn về pháp luật ở các cấp về tính hợp hiến, hợp pháp của các thỏa thuận quốc tế hết sức cần thiết. Đại biểu đề nghị trong quy định về việc lấy ý kiến của các cơ quan chức năng trong trình tự, thủ tục để thực hiện ký kết thỏa thuận quốc tế nên lấy ý kiến của Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan tham mưu, tư vấn về luật pháp ở các cấp cho đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ hơn./.

Lan Hương

Các bài viết khác