ĐBQH NGUYỄN MAI BỘ GÓP Ý VÀO DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GIỮ GÌN HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC

24/12/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã có ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nhất trí với dự thảo nghị quyết với các lý do: Thứ nhất, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là việc làm thể hiện quan điểm của Đảng, Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Thực tế, Việt Nam đã cử quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các phái bộ Liên Hợp Quốc nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh. Việc ban hành nghị quyết này không chỉ ghi nhận về mặt pháp lý hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian qua mà còn tạo cơ sở pháp lý để chúng ta đưa lực lượng khác đi tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.


Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.

Thứ hai, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc hoàn toàn là mang tính chất nhân đạo, phù hợp với Điều 65, Điều 89 của Hiến pháp và kết quả tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình trong thời gian vừa qua đã góp phần rất lớn vào hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, qua đó nâng cao được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Về kinh tế đã khẳng định là chúng ta không bị thiệt, vì lý do là toàn bộ chi phí này đã được Liên Hợp Quốc bồi hoàn lại cho Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ ba, về hồ sơ và dự thảo luật được chuẩn bị đầy đủ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các cơ quan và chúng tôi thấy chỉ còn một số câu chữ cần chỉnh sửa. Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đề nghị nghiên cứu Điều 6 xử lý vi phạm, khiếu nại theo hướng là khi quân của chúng ta tham gia lực lượng này là chúng ta nhân danh Liên Hợp Quốc cho nên mọi trường hợp vi phạm pháp luật thì việc đối xử hay xử lý phải theo nguyên tắc ngoại giao, đặc biệt trong trường hợp nếu phạm tội thì thẩm quyền xét xử phải thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam, bởi 2 lý do. Lý do thứ nhất, các nước chúng tôi nghiên cứu thì họ đều đưa người của mình về để họ xét xử. Lý do thứ hai, Việt Nam chưa tham gia Công ước Rome về Tòa án Hình sự quốc tế./.

Bích Lan