THỰC HIỆN THU PHÍ KHÔNG DỪNG: LIÊN TỤC CHẬM TRỄ

24/12/2020

Năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 437, đặt ra yêu cầu đến năm 2019 phải triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước. Tuy nhiên đến nay việc triển khai thu phí tự động không dừng vẫn chậm, không thể về đích đúng thời hạn. Vậy nguyên nhân của vấn đề này do đâu? Cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ này?

Tháng 6 năm 2019, tại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá 14. Đại biểu Trương Minh Hoàng – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể về việc thực hiện thu phí không dừng với nội dung “ Về việc thực hiện thu phí không dừng, xin bộ trưởng cho biết tại sao hiện nay trên toàn quốc mới triển khai đạt 30%? Do Bộ GTVT không cương quyết hay còn có một thoả thuận nào khác?”

\

Đại biểu Trương Minh Hoàng – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau chất vấn tại kỳ họp thứ 7

Trả lời chất vấn này của Đại biểu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết “ Hạn cuối cùng thực hiện thu phí tự động không dừng là 31/12 cho tất cả các trạm thu phí. Bộ Giao thông vận tải chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên đã thực hiện được 28 trạm, còn 15 trạm đang triển khai. Giai đoạn 2, Bộ Giao thông vận tải đấu thầu công khai, hiện các đơn vị tham gia đã khảo sát 33 trạm thu phí, theo cam kết thì nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 12/2019”

Ngày 15-7-2019  Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 849 yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, chậm nhất trước ngày 31/12/2019.

Đến cuối năm 2019, Bộ Giao thông vận tải xin lùi việc hoàn thành thu phí tự động tại một số cao tốc sang năm 2020 do các trạm BOT tại đây chưa có tiền đầu tư thiết bị. Nguyên nhân mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là nguồn vốn để đầu tư hệ thống thiết bị không dừng (ETC) tại các trạm này không có trong khi hiệp định vay vốn đã hết. Việc chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước khiến việc phân cấp quản lý với Bộ Giao thông Vận tải không rõ ràng, cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hệ thống ETC.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn tại kỳ họp 7

 Như vậy lời khẳng định của Tư lệnh ngành GTVT trước các ĐBQH và cử tri cả nước về tiến độ hoàn thành các trạm thu phí không dừng vào cuối năm 2019 đã không được thực hiện.

Mới đây, Thủ tướng chính phủ  tiếp tục ban hành quyết định số 19 quy định chậm nhất đến ngày 31/12/2020 các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang hoạt động, chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng. Tuy nhiên chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là hết năm 2020 nhưng vẫn còn 4 trạm còn lại của giai đoạn 1 chưa triển khai được là các trạm thuộc hệ thống đường cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang quản lý thực hiện, do những vướng mắc về do nguồn vốn triển khai, tái cơ cấu các dự án và sự chỉ đạo điều hành của VEC sau khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp việc thực hiện đầu tư, vận hành hệ thống thu phí không dừng chậm và không thể hoàn thành trong năm 2020.

Liên tục lùi tiến độ, và sau mỗi lần chậm trễ , Bộ GTVT đều liệt kê ra hàng loạt những khó khăn, vướng mắc. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng 12 vừa qua, Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải cho biết Lý do còn 4 trạm chưa được thực hiện là do hiện tại còn có một số công nghệ thu phí khác nhau, ví dụ như cao tốc Long Thành – Dầu Giây cũng có hệ thống thu phí  nhưng do không tiện dụng nên không được khai thác nhiều. Còn lại các tuyến khác là chưa có tiền để triển khai. Chưa có tiền ở đây là do tái cơ cấu của tổng công ty phát triển đường cao tốc nên đề án chưa được phê duyệt.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải

Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 ( BOO2) có tổng số 33 đã hoàn thành 25 trạm, vẫn còn tới 8 nhà đầu tư BOT chưa ký hợp đồng dịch vụ thu phí tự động không dừng. Theo Ông Khương Kim Tạo, Nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia nguyên nhân của sự chậm trễ trên chính là do cách thức triển khai tiến độ dự án của Bộ GTVT chưa đúng cách. Hiện ở giai đoạn 1 của dự án thu phí tự động không dừng, có 38/44 trạm đã lắp đặt vận hành tối thiểu 2 làn thu phí không dừng ở mỗi chiều đường. Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tới nay mới chỉ có gần 1 triệu xe ô tô dán thẻ thu phí tự động không dừng (E-tag) trên tổng số 3,8 triệu ô tô cả nước. Đặc biệt, mới chỉ có 400.000 trong tổng số 1 triệu phương tiện ô tô đã dán thẻ nạp tiền sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết Hiện nay các nhà Boo đang làm việc với các ngân hàng để khắc phục cơ chế vận hành, có nghĩa chủ phương tiện có thể mở tài khoản ngân hàng trong đó, tài khoản này vừa có thể thanh toán thu phí k dừng, vừa có thể thanh toán chi tiêu, tạo thuận lợi cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam

Con số trên thể hiện các chính sách thu hút người dân sử dụng dịch vụ còn yếu. Rõ ràng trách nhiệm của bộ GTVT trong việc làm chậm tiến độ dự án cần xem xét, nhìn nhận. Ông Bùi Danh Liên, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng phải nhìn rõ nguyên nhân khiến dự án thu phí tự động không dừng kéo dài. Trước tiên là các văn bản quy định của Nhà nước về BOT. Suốt mấy chục năm, các dự án BOT giao thông ở Việt Nam thực hiện thu phí thủ công, giờ đây khi chuyển sang thời kỳ công nghệ, hình thức thu phí cũ kỹ, lạc hậu trên không thể áp dụng được nữa. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải bổ sung các văn bản pháp luật, trong đó quy định rõ chủ đầu tư BOT chỉ được thu phí khi lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng. Việc này cũng cần được cam kết trong hợp đồng để khi chủ đầu tư dự án BOT giao thông không thực hiện thì cơ quan chức năng mới có căn cứ pháp lý để xử.

Thu phí tự động không dừng giúp rút ngắn thời gian, minh bạch, quản lý tiện lợi...đó là những lợi ích không ai phủ nhận được và các nhà đầu tư BOT chắc chắn phải thực hiện. Tuy nhiên, việc thu phí tự động không dừng đã kéo dài suốt 5 năm nay vẫn chưa hoàn thành. Đã đến lúc, cần phải qui trách nhiệm cá nhân hay tập thể đã không làm tròn nhiệm vụ của mình, để xảy ra tình trạng kéo dài thời gian triển khai, gây lãng phí ngân sách và đình trệ quá trình phát triển hạ tầng giao thông của nước ta.

Mặc dù Bộ GTVT đã nhiều lần xin gia hạn, Thủ tướng đã phê chuẩn cho phép, tạo điều kiện thời gian thực hiện… nhưng hiện việc triển khai chủ trương thu phí tự động không dừng (ETC) vẫn chậm, không thể về đích đúng thời hạn. Vậy nguyên nhân của vấn đề này do đâu? Có hay không việc các chủ đầu tư cố tình trì hoãn lắp đặt trạm thu phí không dừng? Trách nhiệm của Bộ GTVT trong vấn đề này cần được nhìn nhận như thế nào? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội để làm rõ hơn vấn đề này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Phóng viên: Mặc dù Bộ GTVT đã nhiều lần xin gia hạn, Thủ tướng phải vào cuộc chỉ đạo, nhưng hiện việc triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) vẫn chậm, không thể về đích đúng thời hạn. Ông có ý kiến ntn về sự chậm trễ này?

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Việc chậm triển khai thu phí không dừng đã gây ra nhiều thiệt hại. Đây thể hiện sự thất hứa của bộ trưởng trước Quốc hội đồng thời làm mất niền tin đối với cử tri cả nước. Bộ trưởng đã trình bày rất nhiều trước Quốc hội những giải pháp. Và có nhiều giải pháp cứng rắn như nếu năm 2019  những đơn vị nào không thực hiện sẽ không cho thu phí nữa, những xe không gián Etag để trả thì sẽ xếp hàng để trả, dài bao nhiêu cũng phải xếp hàng. Nếu như những biện pháp đó được thực hiện cương quyết thì tôi nghĩ tình trạng chậm thi phí khôn dừng đã không chậm như hiện nay. Tuy nhiên đến nay chúng ta vẫn chưa thấy một động thái nào thể hiện sự cứng rắn của phía bộ Giao thông Vận tải và cũng chưa có xử lý nào đối với đợn vị chưa triển khai. Trước đây có thể đối với các Bộ ngành Bộ trưởng có thể đưa ra lời hứa nhưng không được thực hiện  và tất cả nội dung cũng sẽ trôi đi. Tuy nhiên chúng ta biết được gần đây chuyện này không còn được cho phép nữa. Nếu Bộ trưởng đưa ra lời hứa của mình mà đến kỳ họp sau vẫn chưa thực hiện thì sẽ có những đợt chất vấn trở lại. Do đó, tự các Bộ trưởng cũng biết rằng việc nào hứa và việc nào đã thực hiện được. và tôi thấy điều này tương đối rõ ràng. Và khi nhiều lời hứa cùng một vấn đề mà không thực hiện được rõ rang khi đó bộ trưởng đã tự thất hứa trước Quốc hội và  tự làm mất uy tín của mình trước Quốc dân đồng bào.

Phóng viên: Việc thu phí ko dừng sẽ giúp minh bạch hơn trong công tác quản lý tại các trạm BOT. Vậy có hay ko việc kéo dài thực hiện VETC để tránh sự kiểm soát của nhà nước? Đảm bảo lợi ích cho các chủ đầu tư?

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Dư luận đã nghi ngờ là việc không áp dựng thu phí tự động là có sự che giấu nguồn thu. Thực tế thanh tra kiểm tra cũng đã phát hiện những trạm thu phí bằng tay đã giấu không khai đúng nguồn thu như thực tế. Như vậy dư luận rõ rang có quyền nghi ngờ việc chậm thi phí không dừng như hiện nay là có lợi ích ở đó. Có thể những chủ đầu tư đã có tình làm chậm lại để không khai báo đúng số thu. Thậm chí người ta cũng có quyền nghi ngờ những người quản lý liệu có tiếp tay, cố tình bao che hay không. Đây là vấn đề dư luận có quyền nghi ngờ và cũng cần làm sáng tỏ.

Phóng viên: Vậy trách nhiệm của Bộ GTVT phải được nhìn nhận như thế nào trong vấn đề này?

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Việc triển khai chậm thì hậu quả đã rõ. Do vậy phải có những người phải chịu trách nhiệm về hậu quả này. Việc đầu tiên tôi cho rằng phải thanh kiểm tra những nơi chậm thu phí không dừng này để xem có vấn đề gian dối hay không. Thứ 2 phải truy trách nhiệm rõ ràng xem lỗi ở đâu. Bộ trưởng đã hứa trước Quốc hội và Quốc dân đồng bào mà không thực hiện được đương nhiên trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ trưởng. Nhưng sau đó  Bộ trưởng Bộ GTVT cũng phải có trách nhiệm truy cứu thêm những ai phải chịu trách nhiệm. Nếu không tìm ra được người nào chịu trách nhiệm khác hơn thì trách nhiệm rõ rang thuộc về Bộ GTVT.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ tháng 11/2020 có bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý bất cập ở các dự án BOT, trong đó có việc thu phí không dừng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu đến 31/12/2020 các trạm BOT chưa vận hành thu phí tự động sẽ phải dừng hoạt động. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nguyên nhân sâu xa khiến dự án thu phí không dừng liên tục gặp vướng mắc trong nhiều năm qua chính bởi thái độ thiếu hợp tác của các nhà đầu tư BOT, sự thiếu quyết liệt, thiếu dứt khoát của Bộ GTVT. Vì vậy, đã đến lúc nhà nước cần cụ thể hóa những ràng buộc trách nhiệm đối với chủ đầu tư đường bộ, trong đó có ràng buộc về các giải pháp thu phí không dừng như một phần hạ tầng bắt buộc. Đồng thời cần nhìn nhận các doanh nghiệp đầu tư đường bộ như các nhà cung cấp dịch vụ, với giấy phép kinh doanh có điều kiện. Từ đó, yêu cầu các chủ đầu tư phát triển các dịch vụ đi kèm với nhiều lựa chọn cho người dân./.

 

 

Thanh Hải