ĐBQH TRIỆU THỊ THU PHƯƠNG: CẦN CÓ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP VÀ VÙNG NGUYÊN LIỆU LÂM NGHIỆP CHO CÁC TỈNH MIỀN NÚI

28/12/2020

Trong phiên thảo luận của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Triệu Thị Thu Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã bày tỏ một số quan điểm và đề xuất chính sách bảo vệ, phát triển rừng và các chương trình mục tiêu quốc gia đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Về chính sách bảo vệ và phát triển rừng, đại biểu Triệu Thị Thu Phương nhấn mạnh vai trò quan trọng của rừng đối với cuộc sống con người, cũng như việc bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, nhất là trong những năm trở lại đây, chất lượng môi trường nước ta đang biến đổi theo chiều hướng bất lợi. Biểu hiện rõ nét nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai liên tiếp xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, như lũ quét, mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn, gây thiệt hại nặng nề đến đời sống người dân và hạ tầng cơ sở.

Mặc dù những năm qua Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, song qua quá trình thực hiện cho thấy việc lồng ghép chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển ngành Lâm nghiệp chưa rõ nét; một số chỉ tiêu về trồng mới rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chưa đạt kế hoạch, việc giữ rừng chưa hiệu quả, phần lớn diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án phát triển kinh tế được phê duyệt.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Đánh giá cao việc Chính phủ đã đưa ra giải pháp “Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp phát triển kinh tế vùng”, lấy phân vùng làm cơ sở để đầu tư phát triển, trong đó đặc biệt quan tâm tới vùng miền núi nơi có rừng đầu nguồn để đầu tư các nguồn lực hỗ trợ trong giai đoạn 2021 – 2025, tuy nhiên, đại biểu Triệu Thị Thu Phương cũng cho biết theo Quyết định 26 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021-2025 đối với các tỉnh có diện tích che phủ rừng trên 50% được tính 2 điểm là rất thấp, không đủ nguồn lực để các địa phương giữ rừng và để người dân ở khu vực này yên tâm bảo vệ, phát triển rừng. Hơn nữa, trước những thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra, cần phải nhìn nhận đúng tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng trong phòng, chống thiên tai. Do đó, đại biểu Triệu Thị Thu Phương đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh tiêu chí phân bổ ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các tỉnh có tỷ lệ diện tích che phủ rừng cao, đồng thời đề nghị Chính phủ có chính sách sắp xếp ổn định dân cư vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, có nguy cơ lũ lụt, sạt lở cao để đảm bảo an toàn cho người dân.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương nhận định, trong giai đoạn vừa qua, ngân sách nhà nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng lâm nghiệp và phát triển sản phẩm từ lâm nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, nên các sản phẩm từ rừng mới chỉ là nguồn nguyên liệu chứ chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là giải pháp giảm nghèo hiệu quả cho các địa phương, nhất là ở khu vực miền núi, vì diện tích rừng cả nước chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi là khu vực đầu nguồn lưu vực các con sông, suối lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảm thiểu biến đổi khí hậu và nguy cơ thiên tai cho hạ lưu vùng đồng bằng, nhưng ở các khu vực này người dân mới chỉ được hưởng mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng và mức chi trả dịch vụ môi trường thấp, nên chưa thể dựa vào rừng để có thu nhập ổn định và bảo đảm sinh kế. Do vậy, đại biểu Triệu Thị Thu Phương đề nghị Quốc hội xem xét có chương trình chính sách phát triển lâm nghiệp và vùng nguyên liệu lâm nghiệp đối với khu vực các tỉnh miền núi. Coi phát triển lâm nghiệp là giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, giải pháp kinh tế thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương cho rằng, trước mắt cần tập trung đầu tư nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng như đường lâm nghiệp công nghệ và khu chế biến các sản phẩm có nguyên liệu từ rừng. Xem xét nâng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng và mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng tương xứng. Đồng thời, có cơ chế thu hút xã hội hóa khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư cho lâm nghiệp.

Về các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, đại biểu Triệu Thị Thu Phương cho biết, sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững đã hoàn thành các mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ rõ, với quy mô đầu tư của chương trình trong cả giai đoạn vẫn còn một số chương trình, dự án chưa thật sự hiệu quả, thiếu bền vững. Một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội chậm được phân bổ vốn, có chương trình được bố trí dồn vào cuối năm của giai đoạn, nguồn đầu tư phát triển cả giai đoạn mới đạt khoảng 68% dự toán của Quốc hội giao. Tổng số vốn đã bố trí để thực hiện chính sách liên kết vùng mới đạt khoảng 46% kế hoạch mà vẫn còn 30% số dự án thực hiện chính sách liên kết vùng chưa hoàn thành. Do đó, chất lượng tăng trưởng vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được cải thiện nhiều, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.

Giai đoạn 2021-2025, đại biểu cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ tiếp tục thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện nay Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Do đó, đại biểu Triệu Thị Thu Phương đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 để có sự chuyển tiếp phù hợp, trong đó cần rà soát kỹ các mục tiêu, đối tượng, địa bàn thực hiện, các hợp phần dự án, tiểu dự án để đảm bảo không có sự chồng lấn chính sách giữa các chương trình. Đồng thời, có thể lồng ghép việc thực hiện các chương trình ngay từ khi đề xuất chủ trương đầu tư. Trước khi trình Quốc hội chủ trương đầu tư, đại biểu Triệu Thị Thu Phương đề nghị Chính phủ đánh giá tổng thể 21 chương trình hỗ trợ các mục tiêu đang thực hiện vì có một số nội dung trùng lặp với nội dung chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tới, đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu giai đoạn, đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương trong quyết định sử dụng ngân sách, chủ động trong xác lập thứ tự ưu tiên, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo phù hợp với thực tiễn và đối với các tỉnh miền núi, vùng khó khăn, khó thu hút đầu tư từ các nguồn xã hội hóa. Cuối cùng, đại biểu đề nghị cần giữ vai trò chủ đạo ngân sách trung ương để thực hiện hiệu quả các chương trình.

Hồ Hương