ĐBQH LÝ TIẾT HẠNH NÊU QUAN ĐIỂM ĐỐI VỚI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GIỮ GÌN HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC

28/12/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định nêu quan điểm đối với dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định bày tỏ sự đồng tình cao với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo quy trình một kỳ họp, thống nhất với việc xác định các nguyên tắc nhất quán, xuyên suốt trong xây dựng và tổ chức lực lượng của Việt Nam tham gia vào trong hoạt động này.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật, đại biểu Lý Tiết Hạnh chia sẻ việc Chính phủ, Quốc hội đã cân nhắc thận trọng trong việc xác định việc tham gia của lực lượng vũ trang thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường, bất ổn, bất định của thế giới, những thách thức mới, tình huống mới đối với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển thì cá nhân đại biểu cho rằng, cùng với đó sẽ làm nảy sinh những yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với các hoạt động của lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Việt Nam với những ưu thế, vị thế, uy tín, kinh nghiệm của mình, trong đó có cả những kinh nghiệm từ quá trình tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình và các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương trong thời gian qua thì Việt Nam cũng cần phải đặt ra nhiệm vụ phải chủ động tham gia, đảm nhiệm các nhiệm vụ trong tình hình mới. Vì vậy, Đại biểu Lý Tiết Hạnh cũng rất đồng tình với ý kiến của đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu trước, cần cân nhắc là bên cạnh lực lượng vũ trang thì kiến nghị xem xét có quy định về việc mở rộng thêm một số đối tượng, lực lượng để đào tạo, huấn luyện theo chuẩn Liên Hợp Quốc, sẵn sàng đáp ứng, chủ động tham gia khi có yêu cầu.


Đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định.

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, đến nay Chính phủ đã có dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp để thi hành Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, để việc tham gia của Việt Nam vào các hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc thật sự là chủ động, hiệu quả, khẳng định được vị thế và trách nhiệm của Việt Nam thì chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng lực lượng. Ngoài ra, đại biểu Lý Tiết Hạnh kiến nghị tại Điều 7, Quốc hội ghi rõ là giao Chính phủ chỉ đạo, sớm xây dựng kế hoạch cụ thể về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc. Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 7, đề nghị chỉ xác định 2 nội dung.

Nội dung thứ nhất đề cập giao thẩm quyền. Ở đây cần xác định 2 chủ thể là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, đề nghị xác định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp. Nội dung thứ hai đề cập giao nhiệm vụ. Trong dự thảo hiện nay thì giao nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ trước khi triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn. Việc này phải qua một quy trình, vì vậy  đề nghị ở đây chỉ ghi lại giao nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện lực lượng thôi, còn việc tuyển chọn, huấn luyện, tiêu chuẩn, nội dung, lộ trình thời gian như thế nào thì sẽ gắn với các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể và được quy định rõ trong các văn bản do Chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai.

Khi xây dựng các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Quốc hội, đại biểu Lý Tiết Hạnh cũng xin kiến nghị từ thực tiễn là lực lượng của chúng ta tham gia thì nhiệt tình, trách nhiệm và năng lực rất yên tâm, nhưng riêng về vấn đề ngoại ngữ thì đây là một rào cản rất lớn đối với Việt Nam nói chung cũng như đối với lực lượng mà tham gia. Cho nên, trong các văn bản cụ thể hóa nghị quyết này thì phải đặc biệt lưu ý việc đào tạo ngoại ngữ cho lực lượng tham gia của chúng ta.

Nội dung thứ ba, lực lượng tham gia là một lực lượng đã được tuyển chọn, đào tạo kỹ lưỡng, đối với những lực lượng tham gia trực tiếp là đã trải qua thực tiễn trong các hoạt động của Liên Hợp Quốc và đây là một nguồn lực được đào tạo cả về cơ sở ban đầu trong công tác tuyển chọn, kể cả huấn luyện và trải nghiệm thực tiễn. Vì vậy, đây là một lực lượng quan trọng, một nguồn nhân lực rất quý, tuy nhiên là trong phần liên quan đến chế độ, chính sách tôi thấy cũng còn rất chung chung. Đại biểu Lý Tiết Hạnh đề xuất riêng đối với lực lượng này, đặc biệt là lực lượng Việt Nam trực tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc cần bổ sung các chính sách về sử dụng, trọng dụng lực lượng này sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế và trở về./.

Bích Lan