ĐBQH NGUYỄN THIỆN NHÂN: BÀI HỌC CỦA VIỆT NAM TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID - 19

21/01/2021

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thiện nhân, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đã nêu một số nhận xét về đại dịch COVID-19 và bài học trong công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thiện nhân, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phân tích tình hình dịch bệnh COVID-19 và nêu bài học của Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thiện nhân, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 vẫn đang lây lan với tốc độ chưa từng có. Trong quý I năm 2020, bình quân cứ 2 tuần có thêm 1 triệu người bị nhiễm, quý II thì cứ một tuần có thêm một triệu người nhiễm, quý III thì 4 ngày có thêm 1 triệu người nhiễm. Trong đầu tuần quý IV năm 2020, chỉ 3 ngày có thêm 1 triệu người nhiễm trên thế giới.

Về tổng thể thế giới đang ngày càng xa ngưỡng an toàn dịch. Ngày 11/3 năm 2020 khi Tổ chức y tế thế giới tuyên bố COVID là đại dịch toàn cầu thì lúc đó có 148.000 người bị nhiễm, 66.000 người bị nhiễm đang được điều trị tại các bệnh viện, có 117 nước, vùng lãnh thổ có người bị nhiễm. Từ các thông tin này cho phép chúng ta nhận ra ngưỡng an toàn dịch mà nhân loại đã vượt qua vào ngày 11/3/2020, trong đó số người đang điều trị tại các bệnh viện là 67.000 người/7,7 tỷ người. Chỉ số này có ý nghĩa đặc biệt vì phản ánh cường độ lây nhiễm của một quốc gia ở một thời điểm vì đây là những người mang virus có nguy cơ lây cho người khác. Tỷ lệ càng lớn thì nguy cơ lây càng cao, vì trước khi họ vào bệnh viện, họ đã nhiễm ở nhà, cộng đồng, lây cho người khác.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, một hệ thống y tế đủ mạnh thì việc điều trị cho người nhiễm sẽ hiệu quả, số người điều trị sẽ giảm. Vì vậy, có thể coi số người đang điều trị COVID-19/1 triệu dân là một chỉ số quan trọng phản ánh tình trạng kiểm soát dịch COVID-19 của một đất nước tại một thời điểm hiện tại. Như vậy, có thể coi số người đang điều trị triệu dân ở mức 10 người/1 triệu dân là ngưỡng an toàn dịch trên thế giới và có thể áp dụng cho một quốc gia. Ngày 11/3/2020, 1 triệu dân có 9 người điều trị, 11/5 có 300 người điều trị, 11/7 có 600 người điều trị, 11/9 có 913 người điều trị và ngày 2/11 trong 1 triệu dân có 1.566 người đang điều trị, gấp 156 lần ngưỡng an toàn dịch. Tức là thế giới đang ngày càng xa ngưỡng an toàn dịch.

Nhận xét thứ ba được đại biểu nêu ra là diễn biến dịch 2021-2022 sẽ phức tạp, khó lường với châu Âu và Mỹ là 2 vùng dịch lớn nhất của thế giới. Hiện nay, có 11,2 triệu người đang được điều trị ở các bệnh viện và xu hướng sẽ ngày càng tăng cho đến cuối năm, nếu chưa tính đến liệu vaccin và tác dụng thực tế như thế nào với nhân loại, 7,8 tỷ người thì khi chỉ mất 300 ngày, số người nhiễm đang được điều trị đạt mức 11,2 triệu người, để giảm số này xuống mức còn 70.000 người khi Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID-19 toàn cầu thời gian cần thiết theo kinh nghiệm gấp 2 đến 3 lần thời gian đạt mức 11,2 triệu người, tức là thời điểm để mức lây nhiễm COVID-19 toàn cầu trở lại như thời điểm Tổ chức Y tế thế giới công bố đại dịch thì sẽ không sớm hơn 31/12/2021 và nhiều khả năng không sớm hơn tháng 12/2022.

Với dịch toàn cầu COVID-19 đang lây lan ở làn sóng thứ nhất, tổng số người đã nhiễm là 48 triệu người, số người đang điều trị 12 triệu người, gấp 160 lần ngưỡng an toàn dịch. Châu Âu đang trải qua làn sóng dịch thứ hai có tổng số người nhiễm COVID-19 là hơn 10 triệu người và số người đang điều trị gấp 660 lần ngưỡng an toàn dịch. Mỹ cũng đang trải qua làn sóng thứ hai, có tổng số người nhiễm hơn 21 triệu người, số người đang điều trị gấp 410 lần ngưỡng an toàn dịch. Châu Á vẫn đang ở trong làn sóng duy nhất có 14 triệu người nhiễm và số người đang điều trị gấp 27 lần ngưỡng an toàn dịch. Châu Phi đang trải qua làn sóng thứ hai có 1,8 triệu người đã nhiễm và số đang điều trị gấp 23 lần ngưỡng an toàn. Châu Đại Dương đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ ba có gần 40.000 người nhiễm và số người đang điều trị gấp 10 lần ngưỡng an toàn dịch. Như vậy, châu Đại Dương với mức độ nhiễm gấp 10 lần an toàn dịch sẽ là châu lục dự kiến đầu tiên giải quyết được việc giảm mức lây nhiễm xuống mức an toàn dịch trong năm 2031. Kế đó là châu Phi có mức lây nhiễm gấp 23 lần, châu Á gấp 7 lần mức an toàn dịch là hai châu lục có thể trở thành châu lục an toàn dịch của cuối năm 2021. Còn châu Mỹ với hơn 21 người đã nhiễm, số lượng nhiễm gấp 410 lần mức an toàn dịch và châu Âu với 10 triệu người nhiễm và mức nhiễm gấp 660 lần an toàn dịch sẽ là hai châu lục cuối cùng cần nhiều thời gian để giảm mức lây nhiễm đạt ngưỡng an toàn dịch trong năm 2022.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã dẫn đến khủng hoảng y tế rồi khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ thế giới IMF dự báo năm nay GDP toàn cầu sẽ giảm khoảng 4,4%, GDP châu Á giảm khoảng 2,2%, của châu Phi khoảng 2,5%. Tổ chức du lịch thế giới của Liên hợp quốc cảnh báo du lịch toàn cầu sẽ giảm 60 đến 80%, với 100 triệu việc làm sẽ bị mất. Ngày 22/9 năm 2020, Hàn Quốc cho biết 30% bệnh nhân COVID-19 của họ bị rối loạn tâm thần. Ngày 30/9/2020, Hội đồng Y tế Ấn Độ cho rằng 6,6% dân số Ấn Độ có lẽ đã nhiễm COVID khoảng 90 triệu người.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, những bài học của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 thành công vừa qua, mặc dù nước ta cũng trải qua 2 làn sóng lây nhiễm, trong đó tổng số người nhiễm khoảng một 1.200 người, 35 người đã chết, song tỷ lệ người đang điều trị trước 1 triệu dân là nước ta chưa bao giờ vượt mức 50% ngưỡng an toàn của thế giới. Nói cách khác, Việt Nam có lây nhiễm COVID cục bộ ở Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, song về tổng thể chúng ta không có dịch toàn quốc.

Từ bài học của Việt Nam và tham khảo thực tiễn thế giới có thể thấy rõ 3 phương châm phòng dịch giúp Việt Nam thành công:

 Phương châm 1: Phòng chống dịch theo yêu cầu của dịch tễ học, đó là chủ động phòng ngừa sớm, phát hiện kịp thời, truy xét, cách ly triệt để, điều trị hiệu quả.

Phương châm 2: Phòng chống dịch theo yêu cầu tổ chức thực hiện 5 tại chỗ. Xác định nhiệm vụ tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, lực lượng con người tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Phương châm 3: Mỗi người dân tự phòng dịch cho mình, cho cơ quan tổ chức của mình, cho cộng đồng dân cư./.

Lan Hương