ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ LAN GÓP Ý DỰ THẢO VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ XIII

27/01/2021

Thảo luận về các dự thảo Văn kiện trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội cho rằng cần coi trọng hơn nữa về vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học.

Nhấn mạnh những điểm rất nổi bật trong kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII có thể nhấn mạnh thêm và làm nổi bật hơn những điểm đáng tự hào của Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua như là những đóng góp với quốc tế trong giải quyết các vấn đề về nhân quyền rồi cử lực lượng tham gia để gìn giữ hòa bình quốc tế. Việt Nam cũng được bầu vào Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 nước. Việt Nam cũng đã xử lý phù hợp các tình huống trên Biển Đông, đồng thời cũng xác định rõ được vị trí, tiềm lực kinh tế của đất nước ta để làm cơ sở lựa chọn các phương án, mục tiêu phát triển trong thời gian sắp tới, để đảm bảo bám sát với thực tiễn rồi khả thi. Đấy là những điểm rất nổi bật có thể nêu lên trong kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội

Đại biểu cũng cho rằng những điểm hạn chế và khuyết điểm đã nêu cũng khá chi tiết, khá đầy đủ. Bên cạnh đó, việc cụ thể hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước và chiến lược thì chúng ta cũng đã nỗ lực, cố gắng và cũng đã làm được tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn có lúc, có nơi chưa nhất quán trong việc cụ thể hóa các chủ trương chiến lược và chỉ đạo triển khai. Việc triển khai Nghị quyết của Đảng ở các cấp vẫn còn lúc chậm, một số nghị quyết chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật nên là có lúc còn hạn chế khi triển khai thực hiện để đưa vào thực tế cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan chỉ rõ, vừa qua chúng ta cũng đã rất quan tâm chú trọng và cố gắng để thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên vẫn chưa thực sự đột phá rồi chuyển biến mạnh mẽ. Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, một trong những nguyên nhân là chưa làm rõ được khái niệm cũng như là nội hàm về giáo dục là quốc sách hàng đầu, khi chưa làm rõ được vấn đề này thì cũng chưa đưa ra được các định hướng đột phá để phát triển cho giáo dục. Từ đó cũng chưa có được những đầu tư một cách mạnh mẽ, cũng tương xứng cho nền giáo dục và đào tạo.

Cần coi trọng hơn nữa vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học

Về định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn 2021-2030, Báo cáo chính trị đã nêu khá đầy đủ các quan điểm, định hướng phát triển trong giai đoạn sắp tới. Báo cáo cũng đã tập trung làm rõ các khâu đột phá lớn, bao gồm thể chế, văn hóa con người, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng số. Đại biểu bày tỏ đồng tình với nội hàm của các khâu đột phá trên; đồng thời đề nghị cân nhắc riêng phần văn hóa con người, khát vọng dân tộc, nguồn nhân lực.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị Trung ương cần đặc biệt coi trọng hơn nữa về vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học. Chú trọng để đẩy mạnh rà soát quy hoạch, tổ chức lại hệ thống các trường đại học, hình thành các đại học lớn, đại học xuất sắc, có chất lượng cao, từ đó khi chúng ta đã quy hoạch rồi thì phải có các nguồn lực đi theo để thực sự những quy hoạch, định hướng đó thành hiện thực được.

Bên cạnh đó, Trung ương cần có chỉ đạo và định hướng cho công tác dạy nghề làm sao sát với nhu cầu thực tế xã hội, phù hợp với định hướng phát triển của từng vùng, từng địa phương. Khi thay đổi các chiến lược phát triển kinh tế của đất nước cũng như các địa phương thì cần phải thay đổi cả về các nguồn nhân lực này. Đặc biệt, cần phải có quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia để phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vấn đề này rất quan trọng, chúng ta cần phải có rà soát và đánh giá lại để cho nó phù hợp, vì chúng ta Muốn phát triển được kinh tế - xã hội của đất nước theo một chiến lược mới thì nguồn nhân lực của chúng ta cũng cần phải có đánh giá cho phù hợp.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, chúng ta cần phải có dự báo nhu cầu đào tạo tốt, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao là bao nhiêu, nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao là bao nhiêu, nhu cầu về chuyên gia,  nhu cầu về lao động tay nghề là bao nhiêu để từ đó có kế hoạch đầu tư và định hướng đào tạo cho phù hợp, tránh tình trạng mất cân đối trình độ nguồn nhân lực, đã dẫn đến tình trạng thừa, thiếu, đào tạo ra không có việc làm. Để làm được việc này trong giai đoạn sắp tới cần phải có dự báo nhu cầu tốt, tránh tình trạng hiện nay dư thừa nguồn nhân lực trình độ cao.

Trong bối cảnh sắp tới, nếu đưa ra đột phá chiến lược chú trọng đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thì cần phải có nguồn nhân lực, đào tạo ra đội ngũ để tiếp nhận được các công nghệ cũng như để có thể đủ năng lực để thực hiện đổi mới sáng tạo. Cần đào tạo đội ngũ quản lý trong bối cảnh mới, rồi có những tiêu chuẩn nhất định. Mặt khác cũng cần có chiến lược và cách làm cụ thể trong đào tạo các kiến thức về khoa học, công nghệ tổng thể để có thể hội nhập được quốc tế, phát huy, khai thác lợi ích của các hiệp định thương mại tự do đã gia nhập.

Cần phải chú trọng đến định hướng phát triển nền kinh tế số. Trong đó đặt mục tiêu, tiến độ để trở thành đất nước số, nền kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao.  Để đạt được mục tiêu này cần phải có những chiến lược và nhấn mạnh vai trò, vị trí của các Học viện, các viện nghiên cứu và trường đại học, đội ngũ trí thức, đội ngũ khoa học, kết hợp với doanh nghiệp với cơ quan quản lý trong việc phát triển nền kinh tế tri thức, để sắp tới có thể định hướng đầu tư chỉ đạo.

Thay đổi chiến lược phát triển nông nghiệp phù hợp với thời đại số

Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị cần đặc biệt chú trọng và làm rõ vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp trong Báo cáo Chính trị. Đại biểu bày tỏ đồng tình với việc tiếp tục thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025 để phát huy được kết quả của giai đoạn trước, góp phần thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và cải thiện hơn nữa, nâng cao đời sống nhân dân ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Khi đã xác định có chương trình cần ưu tiên nguồn lực kinh phí cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia nói trên.

Đại biểu cũng đề nghị chú trọng quy hoạch chi tiết nông nghiệp gắn với quy hoạch chung và gắn với quy hoạch môi trường và vấn đề thị trường. Đại biểu làm rõ, trong giai đoạn sắp tới đề nghị phải tập trung rà soát và làm tốt hơn chiến lược phát triển về nông nghiệp, chiến lược về thị trường, các vấn đề về chính sách để có được những bước đi vững chắc hơn, bền vững hơn. Trong bối cảnh thay đổi, chiến lược kinh tế đất nước thay đổi thì các chiến lược về phát triển nông nghiệp cũng cần phải thay đổi. Đưa vào trong các nhiệm vụ sắp tới chú trọng khâu tổ chức quản lý sản xuất, chú trọng mô hình hợp tác xã kiểu mới và coi đây là một hướng đi tất yếu cho sự phát triển nông nghiệp bền vững. Tăng cường thúc đẩy nông nghiệp số, xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh để có thể quản lý được chất lượng rồi truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, cần phải nhấn mạnh trong các văn kiện Đại hội sắp tới, bổ sung một chương trình, kế hoạch cụ thể để phát triển ngành kinh tế tuần hoàn./.

Bảo Yến