ĐBQH PHAN VIẾT LƯỢNG: CẦN TRIỂN KHAI KIỂM TRA, GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI HÓA TRONG Y TẾ, GIÁO DỤC

26/01/2021

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đề nghị Chính phủ xác định cụ thể, rõ ràng các nhiệm vụ, điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa, các nhiệm vụ mà nhà nước không cần thiết thực hiện, nhiệm vụ có khả năng xã hội hóa cao.

Đại biểu Phan Viết Lượng đánh giá, năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đạt kết quả đáng ghi nhận. Báo cáo của các cơ quan trình Quốc hội tại kỳ họp lần này được chuẩn bị công phu, có chất lượng, phản ánh khá khách quan, toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước.

Về nguồn nhân lực qua đào tạo, đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức đúng tầm quan trọng và luôn quan tâm chăm lo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực qua đào tạo. Tuy nhiên, nhân lực qua đào tạo hiện nay chất lượng còn hạn chế, cơ cấu chưa hợp lý, phần lớn thiếu kỹ năng làm việc, thiếu lao động tay nghề cao trong nhiều ngành, lĩnh vực, kể cả các ngành, lĩnh vực có tính nền tảng là động lực phát triển kinh tế.

Đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước phát biểu trước Quốc hội.

Trong khi đó, việc đào tạo chưa sát thị trường lao động, số người lao động có trình độ đại học, sinh viên ra trường làm việc không đúng với ngành đã được đào tạo còn cao. Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đào tạo còn thấp. Người học đại học ở nước ta dù thu nhập thấp nhưng phải trả chi phí còn cao.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng thực hiện chưa thực sự tốt vai trò định hướng, điều tiết, kiểm soát các khâu trong quá trình đào tạo. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, năng suất lao động của nước ta còn thấp, thua so với rất nhiều quốc gia”, đại biểu Phan Viết Lượng nhận định.

Để vượt qua thách thức tránh tụt hậu xa về kinh tế, rất cần có các giải pháp đột phá, trong đó có giải pháp về nguồn nhân lực qua đào tạo. Đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở cơ giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, từng vùng và địa phương; thực hiện tốt cơ chế, chính sách, thúc đẩy việc định hướng, phân luồng, đào tạo nghề cho học sinh sau bậc trung học.

Tăng cường năng lực tự chủ, trách nhiệm giải trình, nâng cao chất lượng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, đổi mới mạnh mẽ việc phân bổ dự toán chi cho đào tạo dạy nghề theo hướng tăng đầu tư, khắc phục cấp phát ngân sách theo bình quân, tiến hành giao kinh phí theo số lượng, chất lượng dịch vụ theo kết quả đầu ra. Đặt hàng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho các ngành nghề mà nền kinh tế có nhu cầu cao như logistic, điện tử, công nghệ mới, tự động hóa, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, v.v..

Cũng theo đại biểu Phan Viết Lượng, Chính phủ cần có cơ chế huy động các nguồn lực đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nhân lực, giảm chi phí cho người học. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trục lợi trong đào tạo, khắc phục tình trạng đào tạo không đảm bảo chất lượng, đào tạo không xuất phát từ nhu cầu thị trường lao động, không vì quyền lợi của người học.

Về xã hội hóa dịch vụ công trong giáo dục, y tế, đại biểu Phan Viết Lượng đánh giá, xã hội hóa dịch vụ công trong 2 lĩnh vực này là chủ trương lớn, đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó đã huy động được các nguồn lực xã hội cùng với nhà nước đầu tư mở rộng nguồn cung ứng đa dạng hóa các loại hình và các sản phẩm dịch vụ, góp phần phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, khám và chữa bệnh cho nhân dân.

Tuy nhiên, đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng nhận thức về sự cần thiết, mức độ xã hội hóa trong một số nhiệm vụ còn chưa đầy đủ, các quy định pháp luật liên quan xã hội hóa còn thiếu và chưa đồng bộ. Mặt khác, việc xã hội hóa cũng bộc lộ những mặt trái gây ra các tác động tiêu cực liên quan đến tăng giá dịch vụ, đảm bảo chất lượng, khả năng tiếp cận dịch vụ, sự phân biệt đối xử trong sử dụng dịch vụ.

Để đạt kết quả thực sự và ý nghĩa của việc xã hội hóa dịch vụ công trong giáo dục, y tế, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị Chính phủ chỉ đạo, đánh giá tình hình thực hiện, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách quy định về mô hình tổ chức hoạt động về đầu tư, đấu thầu, tự chủ, liên doanh, liên kết, v.v.. Triển khai rà soát, xác định cụ thể, đầy đủ các nhiệm vụ cần thiết bắt buộc nhà nước phải thực hiện, đầu tư nhiều hơn, như nhiệm vụ giáo dục bắt buộc, đào tạo lao động các ngành nghề đặc biệt cần cho phát triển kinh tế - xã hội mà thị trường không thể đáp ứng, cung cấp dịch vụ công ở vùng sâu, vùng xa. Xác định cụ thể, rõ ràng các nhiệm vụ, điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa, các nhiệm vụ mà nhà nước không cần thiết thực hiện, nhiệm vụ có khả năng xã hội hóa cao.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng xã hội hóa, làm tăng giá dịch vụ mà không quan tâm chất lượng, phòng, chống tiêu cực, độc quyền, doanh nghiệp sân sau.

Vụ việc vi phạm pháp luật trong ngành y tế vừa qua là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của nhân dân”, đại biểu Phan Viết Lượng chỉ rõ, đồng thời đề nghị cần triển khai kiểm tra, giám sát các hoạt động xã hội hóa được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là việc chi trả dịch vụ chữa bệnh đối với người nghèo, người có công và việc mua sắm thiết bị liên doanh, liên kết sử dụng tài sản công trong ngành y tế để khắc phục hạn chế, phòng ngừa lạm dụng xã hội hóa để trục lợi bất chính, xâm hại lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Về khắc phục các tồn tại, hạn chế, đại biểu Phan Viết Lượng cho biết, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển ngành, lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, qua các báo cáo tại kỳ họp này, còn có nhiều tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra thực hiện trong nhiều năm nhưng đến nay kết quả vẫn còn chậm hoặc rất chậm, như việc sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp, việc sắp xếp lại cổ phần hóa doanh nghiệp, xử lý công trình, dự án thua lỗ kéo dài; di dời cơ sở công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong nội thành thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia thu phí tự động không dừng, v.v..

Những tồn tại, hạn chế nêu trên không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội mà còn liên quan đến trách nhiệm, năng lực chỉ đạo, quản lý, kỷ luật, kỷ cương. Do đó đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm tiếp tục tập trung chỉ đạo, rà soát, có kế hoạch khắc phục với lộ trình, biện pháp cụ thể với tinh thần quyết tâm phấn đấu đạt kết quả thiết thực trong thời gian sớm nhất”, đại biểu Phan Viết Lượng nhấn mạnh.

Hồ Hương