Đại biểu Y Khút Niê, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại phiên họp
Tham gia ý kiến thảo luận tại phiên họp, đại biểu Y Khút Niê, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cơ bản nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Biên phòng Việt Nam của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về tên gọi của luật, đại biểu nhất trí tên luật là Luật Biên phòng Việt Nam như tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng (Điều 17). Đại biểu đồng tình cao với các nội dung quy định tại Điều 17 của dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Tuy nhiên, tại khoản 2 điều này quy định “ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khi thực thi nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng được nổ súng vào tàu, thuyền trên biển, sông biên giới, trừ tàu, thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu, thuyền có chở người, có con tin để dừng tàu, thuyền, v.v.”, đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa đầy đủ, bởi vì đối với các phương tiện vi phạm pháp luật không chỉ xảy ra ở các phương tiện vận tải trên biển, sông ngòi mà có cả phương tiện vận tải trên đường bộ biên giới. Như vậy, theo đại biểu phương tiện này cũng cần được quy định rõ trong luật để lực lượng Bộ đội biên phòng thực hiện tốt, đầy đủ hơn nhiệm vụ của mình khi được phân công. Cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “phương tiện vận tải đường bộ biên giới” sau cụm từ “sông biên giới” và nội dung khoản 2 Điều 17 viết lại như sau: “Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, cán bộ, chiến sĩ biên phòng được nổ súng vào tàu, thuyền trên biển, sông biên giới, các phương tiện vận tải đường bộ trên biên giới, trừ tàu, thuyền, phương tiện vận chuyển đường bộ của các cơ quan đại diện ngoại giao, các lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu, thuyền, phương tiện vận tải đường bộ có chở người hoặc có con tim để dừng tàu, thuyền, phương tiện đường bộ, v.v.”. Đồng thời bổ sung cụm từ “phương tiện vận tải đường bộ” sau cụm từ “tàu, thuyền” tại các điểm a, b, c, d của khoản này và viết lại như sau:
“a. Đối tượng điều khiển tàu, thuyền, phương tiện vận tải đường bộ đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ.
b. Khi biết rõ tàu, thuyền, phương tiện vận tải đường bộ chở đối tượng phạm tội, vũ khí, vật liệu nổ trái phép, v.v. cố tình chạy trốn.
c. Khi tàu, thuyền, phương tiện vận tải đường bộ có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn".
Về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp tại Điều 34. Theo đại biểu, việc quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp là cần thiết, nhằm gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, tăng cường hơn nữa công tác xây dựng hệ thống phòng thủ biên giới một cách chủ động hơn. Tuy nhiên, việc quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định ngân sách bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách ở địa phương tại điểm b khoản 1 điều này là hết sức khó khăn cho địa phương nơi biên giới có tình hình thu nhập ngân sách thấp. Đại biểu đề nghị thay cụm từ "bảo đảm" bằng cụm từ "một phần" trước cụm từ "ngân sách". Điểm b khoản 1 điều này được viết lại như sau: "b. Quyết định một phần ngân sách thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách ở địa phương v.v.".