ĐBQH DƯƠNG TẤN QUÂN: CẦN ƯU TIÊN NGUỒN LỰC CHO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY Ở VÙNG SÂU, VÙNG XA, VÙNG BIÊN GIỚI

17/02/2021

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đa số đều có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, địa hình cách trở, đồng thời có hoạt động buôn bán ma túy rất phức tạp, do vậy cần phải có những chính sách về ưu tiên hơn về nguồn lực.

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống ma túy, đại biểu Dương Tấn Quân tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật này với những lý do như thể hiện tại Tờ trình của Chính phủ.

Về phạm vi sửa đổi, đại biểu cơ bản thống nhất dự thảo đã sửa đổi, bổ sung khá toàn diện, đầy đủ và có thể khắc phục được những khó khăn, bất cập, cũng như hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi năm 2008. Đặc biệt, trong lần này đã bổ sung một chương rất quan trọng, đó là Chương IV, về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Đại biểu Dương Tấn Quân nhận định, những nội dung quy định tại Chương IV sẽ góp phần rất lớn cho công tác phòng, chống ma túy trong thời gian sắp tới.

Đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Về chính sách của nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy, đại biểu Dương Tấn Quân cơ bản thống nhất với các chính sách được quy định tại dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần phải thiết kế sao cho gọn, cũng như tránh sự trùng lặp trong các điều luật, vì hiện tại các chính sách nhà nước về phòng, chống ma túy đang được thể hiện rải rác trong các chương và có sự trùng lặp về nội dung.

Đại biểu nêu rõ, tại khoản 2 Điều 5 chính sách của nhà nước về phòng, chống ma túy thì đã thể hiện những chính sách khuyến khích bảo vệ, hỗ trợ cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống ma túy, tổ chức đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy. Tuy nhiên, tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều 11 chính sách đối với người tham gia phòng, chống ma túy lại tiếp tục quy định những chính sách của nhà nước đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy. Mặc dù Điều 11 quy định chi tiết cụ thể hơn nhưng nội hàm vẫn giống như khoản 2 Điều 5.

Trong các chính sách của nhà nước về phòng, chống ma túy, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định nhà nước có chính sách ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Vì đa số đây là những vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, địa hình cách trở và đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên rất khó khăn cho công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy. Những vùng này cũng là những vùng có hoạt động buôn bán ma túy xuyên biên giới rất phức tạp và là nguồn cung ma túy cho những vùng khác, do vậy cần phải có những chính sách về ưu tiên hơn về nguồn lực.

Tại điểm d khoản 1 Điều 12 dự thảo luật quy định: "Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc công an nhân dân được quyền yêu cầu cơ quan tổ chức doanh nghiệp, hoạt động bưu chính, dịch vụ chuyển phát, mở bưu kiện, bưu phẩm hàng hóa để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng trong bưu kiện, bưu phẩm hàng hóa có chứa chất ma túy, tiền chất thuốc gây nghiện,v.v.". Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định chặt chẽ về trình tự thủ tục để mở bưu kiện, bưu phẩm kiểm tra. Vì Hiến pháp năm 2013 đã quy định: "Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hành vi hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái pháp luật, thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác".

Tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cũng quy định: "khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu điện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu điện viễn thông thì cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ, lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành". Trong trường hợp không thể trì hoãn việc thu giữ thì cơ quan điều tra có thể tiến hành thu giữ nhưng phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cung cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan việc thu giữ để xem xét phê chuẩn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 197. Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điểm này để tránh việc chồng chéo các quy định của luật khác.

Tại Điều 24, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Tại khoản 7 quy định: "Nhà nước đảm bảo kinh phí xét nghiệm và đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm". Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, quy định như vậy chưa đảm bảo được kinh phí cho các nội dung quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, quy định tại khoản 3 Điều 24. Theo đó, khoản 3 có 3 nội dung, tại điểm a là xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể theo yêu cầu của công an xã không quá 3 lần trong thời hạn quản lý, điểm b là xác định tình trạng nghiện, điểm c là tư vấn, động viên giáo dục, người sử dụng trái phép chất ma túy để họ không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy. 3 nội dung quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, quy định như khoản 3 thì đều cần kinh phí để thực hiện. Nếu Nhà nước không đảm bảo sẽ không có kinh phí thực hiện, do đó đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa lại khoản 7 như sau: "Nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy".

Cuối cùng, tại Điều 36, cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân. Tại khoản 2 Điều 36 dự thảo luật quy định: "Thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện theo thỏa thuận giữa người cai nghiện ma túy, gia đình, người cai nghiện ma túy với cơ sở cai nghiện nhưng thời hạn ít nhất là 6 tháng". Theo đại biểu, thời gian quy định này quá ngắn, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tăng thời hạn cai nghiện ma túy ít nhất là 9 tháng, vì nghiện ma túy là một bệnh lý, và hiện nay trên thế giới đã nhìn nhận vấn đề bằng một quan điểm hiện đại và hợp lý hơn cho rằng, nghiện ma túy là một bệnh mãn tính của não bộ và do đó cần phải kiên trì điều trị thường xuyên trong thời gian dài hoặc thậm chí người nghiện ma túy có thể sống chung với phác đồ điều trị cai nghiện ma túy nào đó.

Vì vậy, để giải thoát người nghiện khỏi tình trạng lệ thuộc vào ma túy, đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng giải pháp quan trọng đầu tiên là phải giúp họ cai nghiện, đồng thời, muốn cai nghiện thành công thì có những giải pháp cách ly người nghiện hoàn toàn với môi trường ma túy, hay nói cách khác là cách ly họ khỏi cộng đồng một thời gian bằng các biện pháp áp dụng xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

Hồ Hương