GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: KIÊN QUYẾT LOẠI BỎ CHỨNG CHỈ KHÔNG CẦN THIẾT TRONG CÔNG TÁC TUYỂN DỤNG, BỔ NHIỆM

10/03/2021

Một số quy định chứng chỉ phải có trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức dù không liên quan đến chuyên môn đã và đang tồn tại lâu nay, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Mặt trái của quy định này được cho là một hình thức “giấy phép con” dẫn đến nhiều hệ lụy.

 

Bất cập quy định về chứng chỉ trong công tác cán bộ

Yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch, thăng hạng đối với công chức, viên chức đã có lâu nay và gây nhiều bất cập. Đây cũng là một trong những vấn đề nhức nhối trong dư luận xã hội thời gian vừa qua. Nhiều cử tri là công chức, viên chức quan tâm và đặt câu hỏi “có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ?”.

Theo cử tri Nguyễn Thị Thu Hằng, việc quy định yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng đã vô tình dẫn đến thực tế nhiều ứng viên thi tuyển sử dụng chứng chỉ giả hoặc mua chứng chỉ để đối phó.

Từng nhiều lần trăn trở về quy định này, cử tri Lưu Huy Vinh cho biết, khi còn làm công tác tổ chức tại đơn vị, thấy nhiều trường hợp vì thiếu chứng chỉ mà không bổ nhiệm được người thực sự có năng lực, tâm huyết. Đây là điều rất đáng tiếc và rất mong được sửa đổi cho phù hợp với từng vị trí, yêu cầu công việc thực tế. Như vậy, điều kiện về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ mô hình chung đã có những tác động không tốt đến công tác tuyển dụng, bổ nhiệm; làm khó cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tuyển dụng.

Thực tế cũng cho thấy, việc không ngừng hoàn thiện, nâng cao kiến thức và các kỹ năng liên quan đến quá trình làm việc là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, đó phải là một quá trình thực học, nghiêm túc chứ không phải có bằng cấp, chứng chỉ thông qua hình thức gian lận để đối phó với quy định. Từ phản ánh của cử tri,  liên tiếp trong nhiều kỳ họp Quốc hội, vấn đề này đã được nhiều đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn đối với tư lệnh ngành.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, cho rằng yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức. Đại biểu lý giải, thứ nhất nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ tin học với thời gian học rất ngắn nên chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ tin học không thực chất. Thứ hai, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi thi học chứng chỉ thì không sử dụng đến. Mục đích có chứng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch và gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đại biểu đặt câu hỏi: “Vấn đề này có hay không? Nếu có thì Bộ trưởng làm thế nào mới khắc phục được tính hình thức này? Có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tiến hành thi nâng ngạch công chức, viên chức hay không?”

Mới đây, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: “Đến bao giờ thì loại bỏ tình trạng cử tri phải thi nhau đi học lấy chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thành chứng chỉ viên chức?”

Tiếp đó, tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn, Quốc hội đã yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp, khắc phục hạn chế và rà soát, hoàn thiện các quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, thi, xét, nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với thực tiễn, gắn với vị trí việc làm.

Cắt giảm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

Trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ, quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Một trong những điểm mới được dư luận đặc biệt quan tâm đó là, không quy định cụ thể về trình độ tin học, ngoại ngữ với tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý; tốt nghiệp đại học chuẩn đầu ra thì không phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tham gia tuyển dụng…  

Dự thảo Thông tư quy định mã  số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư. Theo đó, dự thảo không đưa chứng chỉ ngoại ngữ, tin học vào tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng.

Đề xuất bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng công chức hành chính

Theo dự thảo Thông tư mới, những trường hợp có bằng tốt nghiệp chuyên môn tại các cơ sở đào tạo đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học (ví dụ tốt nghiệp đại học phải đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3), tương ứng với yêu cầu tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng thì công chức được sử dụng bằng tốt nghiệp đó thay thế chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Các trường hợp đã được miễn thi ngoại ngữ, tin học trong kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch, thăng hạng thì công chức, viên chức sẽ không còn phải nộp chứng chỉ.

Điểm mới này của dự thảo, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng. Khi được ban hành, dự thảo Thông tư nêu trên sẽ áp dụng với công chức ngạch hành chính từ cấp huyện trở lên và viên chức lưu trữ. Còn công chức, viên chức ngạch khác như thanh tra viên, kiểm toán viên..., thuộc thẩm quyền quyết định của các cơ quan quản lý chuyên ngành nên các cơ quan này sẽ ban hành quy định cụ thể.

Kiên quyết loại bỏ chứng chỉ không cần thiết

Quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác cán bộ đã và đang bộc lộ nhiều bất cập cũng như gây ra những hệ lụy cho xã hội. Vậy, Thông tư mới do Bộ Nội vụ dự thảo liệu có khắc phục được những bất cập hiện nay? Và quy định về điều kiện tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức cần được sửa đổi ra sao? Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về vấn đề này:

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Phóng viên: Thưa đại biểu, việc quy định tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học thời gian qua đã gây ra những tác động tiêu cực như thế nào trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Thời gian vừa qua, cử tri và người dân bức xúc về câu chuyện yêu cầu chứng chỉ trong tuyển dụng, bổ nhiệm. Có thể thấy, quy định về bằng cấp, tiêu chuẩn còn nhiều điểm chưa sát với thực tế. Có những tiêu chuẩn chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức mà thực sự những tiêu chuẩn đó không giúp giải quyết vấn đề thực tế.

Ví dụ như vấn đề ngoại ngữ hay tin học thì chúng ta thấy rằng, ngoại ngữ và tin học đều rất quan trọng nhưng đối với 1 số lĩnh vực, 1 số khu vực, 1 số đối tượng thì không mang lại nhiều lợi ích. Trong khi đó, áp dụng như hiện nay mang tính đại trà không cần thiết dẫn đến lãng phí về thời gian, tiền bạc,… đối với một số người gây giảm sút hiệu quả làm việc (vì phải dành thời gian lo lắng cho chuyện đó, ).

Bên cạnh đó, việc áp dụng như vậy còn gây nên tình trạng tiêu cực, như nạn bằng giả, chứng chỉ giả. Tiếp đó, vì câu chuyện này dẫn đến giảm sút lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ công chức, họ hoài nghi cán bộ mang tiêu chuẩn đó không được trong sáng, đánh đồng người có học thuật với cả bằng giả hoặc là bằng thì bằng thật nhưng trình độ giả.

Phóng viên: Thay vì quy định công chức, viên chức phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì Bộ Nội vụ đang xây dựng Thông tư theo hướng chỉ yêu cầu trình độ đáp ứng được công việc. Quan điểm của đại biểu về điểm mới này như thế nào?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Tôi nghĩ là chúng ta thay đổi để đảm bảo tính khả thi, tính thực tế. Do đó, tôi tin rằng xã hội sẽ ủng hộ và chúng ta sẽ khắc phục được những điểm bất cập những quy định thiếu khả thi, thậm chí mang tính hình thức, trang trí  như hiện nay. Chúng ta càng quy định các tiêu chuẩn này sát với thực tế bao nhiêu thì chính chúng ta đang tiết kiệm các nguồn lực cho xã hội và chúng ta có quyền nâng cao năng lực chuyên môn. Tức là, ở khía cạnh khác, cán bộ công chức viên chức sẽ tập trung vào chuyên môn, những vấn đề chủ yếu, quan trọng, thiết thực trong công việc; bỏ đi những yêu cầu mang tính hình thức, rườm rà không cần thiết.

Tuy nhiên, tôi cũng phải lưu ý rằng, một cá nhân có thể không phải mãi giữ 1 vị trí hay không thể mãi giữ 1 chỗ làm việc mà vẫn có thể thay đổi và có sự thay đổi là do nhu cầu của cá nhân, nguyện vọng cá nhân, nguyện vọng gia đình những cũng có những vấn đề thay đổi dựa trên cơ sở yêu cầu của công việc, của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Vì vậy, nếu 1 người nào đó mà có suy nghĩ đơn giản là không cần học ngoại ngữ, không cần học tin học hoặc là học qua loa để lấy bằng chứng chỉ để hợp thức hóa hoặc là không có tầm nhìn dài hạn cho con đường công tác của mình để mà chúng ta học tập, rèn luyện, có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với các vị trí việc làm khác nhau thì sẽ trở thành tụt hậu. Do vậy, mỗi cá nhân còn tuổi công tác, còn sức khỏe, người có hoài bão thì cần phải tích  lũy kiến thức kể cả khi vị trí đó không cần những bằng cấp, chứng chỉ đó thì vẫn phải tiếp tục trau dồi các kiến thức cần thiết để đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng những yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài của các vị trí  việc làm khác nhau.

Phóng viên: Theo quan điểm của đại biểu, quy định điều kiện thi tuyển công chức, viên chức cần thay đổi như thế nào để đảm bảo tính thực chất?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Trước hết chúng ta phải hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này. Theo tôi, phải phân ra làm hai loại: Một là, tiêu chuẩn chính để đáp ứng yêu cầu chính của công việc gọi là tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ.Hai là, yêu cầu với tư cách là điều kiện để bảo đảm thực hiện các chuyên môn nghiệp vụ đó. Trong điều kiện này cũng phân ra làm 2 bậc (một là tiêu chuẩn cơ bản và bậc thứ hai là chúng ta đảm bảo tính nâng cao muốn làm ở vị trí cao hơn thì đòi hỏi phải ở bậc cao). Tuy nhiên, phải đảm bảo tính thực chất có nghĩa là chúng ta không phải quy định nó chỉ để đi thi hay chỉ để chúng ta kiểm tra để đạt được tiêu chuẩn đó rồi chúng ta không sử dụng vào bất kỳ công việc nào. Như vậy có nghĩa là quá trình chúng ta nghiên cứu để hoàn thiện các quy định pháp luật về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học,… tức là các điều kiện căn bản về chuyên môn nghiệp vụ và các điều kiện cơ bản để đáp ứng các yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn thì cần xác định rõ ràng trình độ, yêu cầu sử dụng để đưa ra quy định phù hợp.

Thứ hai, chúng ta phải tổ chức thẩm định một cách khách quan, tránh tình trạng những người cung cấp rõ ràng là bằng A, bằng B, C… nhưng thực ra lại không có kiến thức, không học mà có bằng cấp đưa vào hồ sơ để trốn tiêu chuẩn nhưng khi yêu cầu làm việc thực tế lại không làm được. Tôi hết sức lưu ý rằng, có những trường hợp không phải sử dụng hàng ngày, tuy nhiên cần trau dồi kiến thức để vận dụng được trong công việc khi cần thiết.  

Thứ ba, chúng ta phải thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra; phải rà soát đánh giá năng lực thực chất của cán bộ công chức viên chức trong bộ máy dưới hình thức các cuộc thi hoặc các hình thức khác nhằm đánh giá được năng lực thực chất của từng cá nhân.

Thứ tư, phải xử lý thật nghiêm minh những trường hợp mua bán sử dụng và cả những trường hợp cung cấp bằng giả hoặc bằng thật nhưng không đúng năng lực rồi khai man lý lịch hồ sơ. Xử lý nghiêm khắc thậm chí tăng mức hình phạt đối tượng làm bằng giả, đây là vi phạm pháp luật, gián tiếp tạo ra những hệ lụy khôn lường trong công tác cán bộ. Chỉ có xử lý kịp thời, nghiêm minh mới khiến nạn bằng giả, chứng chỉ giả chấm dứt hoàn toàn.

Phóng viên: Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu tiến hành chất vấn trong các kỳ họp trước đó, vậy vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ cần được nhìn nhận như thế nào?

 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Tôi cho rằng, Bộ Nội vụ triển khai thực hiện khắc phục vấn đề này là chưa thực sự ráo riết kịp thời, còn chậm trễ; không nhạy bén để thực hiện những đề nghị của đại biểu Quốc hội, của cử tri kiến nghị để bây giờ tình trạng này vẫn tồn tại. Do đó cần cân nhắc xem xét trách nhiệm đối với cơ quan hiện nay tham mưu chính cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quản lý về mặt tiêu chuẩn, tổ chức của bộ máy cán bộ. Vấn đề thứ hai tôi cho rằng, vấn đề xử lý nói chung của tất cả các cơ quan, tổ chức của chúng ta còn chưa quyết liệt dẫn đến nhiều trường hợp lọt lưới có trường hợp bổ nhiệm rồi hoặc đang trong quy trình bổ nhiệm bị khiếu kiện dẫn đến vi phạm trong quy trình bổ nhiệm cán bộ. Do vậy, cần phải rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Ngoài chức năng của ngành nội vụ thì cũng cần kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương mà hiện nay vẫn còn tình trạng để cho tuyển dụng, bổ nhiệm sai quy trình, không đảm bảo chất lượng;  

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh